Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tỉnh thức
19 14 X Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên.
(Đ) Thánh Gioan Bơ-rê-bớp, và Thánh I-xa-ác Gio-gơ, linh mục và các bạn, tử đạo.
(Tr) Thánh Phaolô Thánh giá, linh mục.
Rm 5,12.15b.17-19.20b-21; Lc 12,35-38.
Tỉnh thức
Vào thế kỷ thứ XVII tại Bắc Mỹ, tám tu sĩ Dòng Tên bị tàn sát chết để làm chứng cho Chúa Kitô, có thể được phân chia làm hai nhóm:
Thánh René Goupil chịu tử đạo tại Auriesville, thuộc tiểu bang Nữu Ước vào ngày 29.9.1642. Ngài là Vị tử đạo đầu tiên của Mỹ Châu. Thánh Ixáac Giogơ và thánh Gioan Lalande tử đạo vào ngày 18.10.1648. Các thánh này thuộc nhóm thứ nhất.
Còn nhóm thứ hai chịu tử đạo tại Gia nã Ðại gồm có: thánh Charles Danvel tử đạo ngày 16.3.1649, thánh Gabriel Lalmault ngày 16.3.1649, thánh Gioan brébeuf ngày 16.3.1649, thánh Noel Chabanel tháng 12.1649 và thánh Charles Garnier ngày 7.12.1649.
Thánh Ixáac Giogơ bị dân Iroquois bắt,đánh đập,hành hình cách tàn nhẫn,nhưng Ngài được người Hòa Lan cứu sống trở về nước Pháp. Thánh nhân trở về nước Pháp chưa được 3 tháng lại muốn ra đi truyền giáo vì ước muốn được chết tử vì đạo.Thiên Chúa đã nhận lời thánh nhân cầu xin và cho Ngài được thỏa chí, toại nguyện, chết vì đạo. Thánh Gioan Bơ-rơ-Bớp là một nhà thần bí cao siêu, luôn kết hiệp với Chúa trong lời cầu nguyện và luôn có lòng thống hối ăn năn. Ngài luôn sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa Kitô.
Thánh Noel Chabanel khi bị cám dỗ,thử thách muốn trốn tránh nhiệm vụ muốn quay về nước Pháp để tránh hiểm nguy. Ngài đã làm lời thề hứa vào năm 1647 rằng: Ngài sẽ ở lại và trung thành với sứ mạng truyền giáo cho người Hurons dẫu có phải hy sinh mạng sống. Chúa đã chấp nhận lòng thành của thánh nhân và cho Ngài được vinh phúc lãnh triều thiên tử đạo.
Ý thức sứ mạng Giáo Hội,hiền thê của Chúa Giêsu trao phó, các thánh chúng ta mừng lễ hôm nay luôn có một tấm lòng cương quyết hy sinh vì Chúa Giêsu. Các Ngài đã tâm niệm làu làu lời Chúa: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15,13 ).
Các thánh hôm nay đã quyết tâm cầu xin Chúa cho mình được phúc tử vì đạo. Các Ngài cho dù có lúc bị thử thách, cám dỗ, muốn tháo lui,chùn bước, bỏ cuộc, nhưng với ơn Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần. Các Ngài đã lướt thắng tất cả và đã lãnh hận triều thiên tử đạo. Nhất nhất, các thánh tử đạo hôm nay đã cảm nghiệm sâu xa lời Chúa dạy:” Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, không thúi đi, không chết đi, thì nó sẽ không sinh nhiều bông hạt ”
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
“Tỉnh thức và sẵn sàng” là sứ điệp mà Chúa Giêsu thường hay nhắc nhớ mọi người trong khi giảng dạy. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chủ trở về bất ngờ sau bữa tiệc cưới để nhắc nhớ mọi người phải sống tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta biết rằng tiệc cưới của người Do Thái thường kéo dài rất lâu, không ai có thể biết khi nào kết thúc (có khi buổi chiều, có khi nửa đêm, có khi muộn hơn nữa).
Chính vì không biết đích xác giờ nào ông chủ sẽ trở về, nên đầy tớ luôn luôn phải sẵn sàng: sẵn sàng trong tư thế làm việc qua việc thắt lưng cho gọn (vì áo của người Do Thái dài, lụng thụng, nên để dễ làm việc phải thắt cho gọn lại); và sẵn sàng trong tư thế phục vụ qua việc thắp đèn sẵn để soi đường cho chủ thấy lối vào nhà.
Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này, để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức”. Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giêsu nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh thức chúng ta phải xa tránh tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết
Từ câu chuyện rất đời thường đó, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cũng phải có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng như người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn tiệc cưới trở về, vì Thiên Chúa cũng đến với chúng ta cách bất ngờ như thế. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện tại, giữ được sự tỉnh thức và sẵn sàng này không phải là điều dễ dàng, bởi vì để sống vươn lên, con người phải bon chen, phải đấu tranh về nhiều phương diện, do đó đôi lúc con người quên đi cùng đích của cuộc sống, nên sống như là chỉ có cuộc sống này mà thôi.
Sống tỉnh thức và sẵn sàng theo lời Chúa mời gọi là luôn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa gọi chúng ta về với Chúa. Chúng ta xác tín rằng một ngày nào đó Chúa sẽ gọi chúng ta về, còn khi nào, cách nào, ở đâu? Thì chẳng có ai biết được. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ mà là ngủ trong tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối đời mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố, nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái, yêu thương.