skip to Main Content

Tỉnh Thức Trong Phục Vụ

20  15  X  Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên.

Rm 6,12-18; Lc 12,39-48.

Tỉnh Thức Trong Phục Vụ

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.

Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.

Chúa Giêsu nói đến hai thái độ cần phải có của người quản gia là tỉnh thức và trung tín “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Ông bà ta thường bảo: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Tiền ta có, bao giờ ta cũng ý thức giữ gìn nó cẩn thận, kẻo bị đánh cắp.

Tiền bạc thế gian tuy quý giá, nhưng so với kho tàng hạnh phúc thiêng liêng Nước Trời mà Chúa ban, thì nó chẳng đáng là bao, vì có lời Chúa rằng: Được lời lãi cả thế gian mà mất sự sống đời đời, nào được ích gì! Nếu tiến bạc thế gian ta còn biết giữ gìn cẩn thận như khúc ruột của mình, thì kho tàng thiêng liêng Nước Trời vô cùng quý giá mà Chúa ban, làm sao ta có thể thờ ơ hay coi thường cho được!

Satan như kẻ trộm ban đêm, luôn rình rập để đánh cắp đức tin của ta và dụ dỗ linh hồn ta thỏa hiệp với thế gian, thỏa hiệp với chính xác thịt ta để ta xa rời Thiên Chúa là nguồn mạch mọi kho tàng hạnh phúc thiêng liêng, đời đời. Nó rình chờ và dụ dỗ ta tin rằng ta có thể tìm kiếm kho tàng hạnh phúc quý giá ở ngoài Thiên

Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nói về hình ảnh của những người quản gia trung tín đang chờ đợi chủ trở về. Thật là phúc cho họ vì được ông chủ tín nhiệm do họ luôn làm tốt nhất bao nhiêu có thể công việc được trao phó trong khả năng của mình cho dù ông chủ có vắng nhà. Ông chủ sẽ thưởng công xứng đáng khi đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Tuy nhiên, thật vô phúc cho những quản gia bất trung, gian ác khi chủ vắng nhà thì “đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”. Ông chủ trở về “vào lúc hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết”, khi ấy người đó sẽ phải lãnh nhận hậu quả dành cho những kẻ thất tín.

Mỗi người đều là những quản gia được Thiên Chúa trao phó cho những công việc theo khả năng của mình. Và Chúa muốn chúng ta chu toàn công việc này trong sự khôn ngoan và trung tín. Sự khôn ngoan và trung tín ở đây là chúng ta phải biết được ý chủ mà chuẩn bị sẵn sàng thi hành ý muốn của chủ. Để nhận ra được ý chủ mà thi hành thì quả là khó khăn và trung tín trong công việc được trao phó lại càng khó khăn hơn nhất là khi chủ vắng nhà. Do đó, thái độ của mỗi người quản gia cần phải có là yêu mến, kính phục chủ của mình và luôn tận tụy trong công việc phục vụ với ý thức khiêm tốn của người đầy tớ. Có như vậy, chúng ta mới đang tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi chủ trở về.

Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.

Chúa đang khẩn thiết, hối thúc chúng ta phải tỉnh thức với một đức tin vững vàng rằng Thiên Chúa đang đến để dẫn đưa ta tới nguồn mạch sự sống đời đời. Nếu ta mất cảnh giác với xác thịt, thế gian và ma quỷ thì rồi cũng sẽ có ngày ta thỏa hiệp và vùi dập tâm hồn mình trong những đam mê thế gian mà lãng quên kho tàng hạnh phúc thiên đàng.

 

Back To Top