Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TINH THẦN CỦA LUẬT
12.6Thứ Tư trong tuần thứ Mười Mùa Quanh Năm
1 V 18:20-39; Tv 16:1-2,4,5,8,11; Mt 5:17-19
TINH THẦN CỦA LUẬT
Thấy Chúa Giê-su hành xử khá tự do. Chữa bệnh ngày sa-bát. Không ăn chay. Lui tới với người tội lỗi, phong cùi. Nhiều người nghĩ rằng Chúa đến để phá huỷ Lề Luật. Nhưng hôm nay Chúa minh định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Chúa kiện toàn thế nào? Có ba yếu tố cơ bản. Kiện toàn bằng tình yêu. Xưa kia luật là cứng ngắc. Khắt khe. Không nhân nhượng. Nhưng Chúa đã cho biết nền tảng của Lề Luật là tình yêu. Phải giữ luật vì lòng yêu mến. Mến Chúa và yêu người. Như Chúa dạy: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ”. Thậm chí Người còn ban hẳn một điều răn mới thay cho các điều răn cũ. Đó là phải thương yêu. Kiện toàn bằng lòng thương xót. Xưa kia máy móc nghĩ rằng cứ giữ luật là nên công chính. Tôi có thể tự mình nên công chính. Nay phải cậy nhờ lòng thương xót của Chúa. Chỉ nhờ lòng thương xót của Chúa tôi mới có thể được ơn cứu độ. Kiện toàn bằng Thần Khí. “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống”
Với Thánh Phao-lô thì cho chúng ta biết Chúa kiện toàn bằng Thần Khí. Giao Ước cũ căn cứ trên chữ viết. Giao Ước dựa vào Thần Khí. Chữ viết thì giết chết. Thần Khí mới ban sự sống. Chữ viết thì mau qua. Thần Khí thì vĩnh cửu. Vì thế Giao Ước mới là hoàn hảo. Và người phục vụ Giao Ước mới cũng sẽ được vinh quang. “Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao…Thật vậy nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao”?
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Chúa Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn chăng? Chắc chắn là không.
Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11; 13,14; 14,1-6; 6,1-2…). và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “… đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Như ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không có điều răn nào khác cũng quan trọng.
Để yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất chấp mọi điều khác.
Xin Chúa thổi tình yêu của Ngài vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ giới răn Đạo Chúa và giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ Luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu.