Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tin Vào Lời Chúa
27.4 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 8:26-40; Tv 66:8-9,16-17,20; Ga 6:44-51
Tin Vào Lời Chúa
Rất nhiều khi chúng ta cũng có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta thường quan niệm theo mẫu mực và lối suy tưởng riêng của chúng ta, do đó Thiên Chúa mà chúng ta muốn chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật: chúng ta chối bỏ vị Thiên Chúa theo quan niệm của chúng ta chứ không phải vị Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã quả quyết: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”. Chúa Giêsu là mạc khải hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà chúng ta thường quan niệm hoặc tự vẽ ra cho chính mình.
Phần tiếp theo trong diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống khiến chúng ta xem xét một chiều kích trong hành động của Chúa Cứu Thế. Hãy tóm lược những giai đoạn khác nhau của diễn từ này và sự tiến triển vào chiều sâu trong diễn từ đó.
Giai đoạn đầu tiên là hóa bánh ra nhiều, một phép lạ để cho đám đông ăn và khiến họ đi tìm người làm phép lạ đó. Sau đó, Chúa Giêsu ra nơi thanh vắng, Ngài rút lui lúc đêm về và gặp lại các môn đệ ngày hôm sau ở bờ bên kia. Thực ra, có nhiều hơn là một cái hồ giữa phần này với phần còn lại của diễn từ Chúa Giêsu, có một khoảng cách về chiều sâu và ý nghĩa. Sự thay đổi được gợi lên qua việc thay bờ được thục hiện trước hết trong sự thay đổi về ý nghĩa.
Chúa Giêsu đồng hóa bánh mới với bản thân Ngài : ai thiết lập quan hệ với Ngài thì sẽ được sống. Sau đó, Chúa Giêsu bày tỏ mục đích của quan hệ đó: cho phép con người sống trong sự phục sinh. Hôm nay, Ngài nói với chúng ta cách thức mà con người của Ngài trở thành nguồn mạch phục sinh: Ngài ban máu thịt mình.
Cho đến khi Ngài phán: Này là Mình Thầy phó nộp vì anh em, trong buổi tiệc ly, và kể từ ngày Ngàị khẳng định: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống, có một động lực sống trong Chúa Kitô. Đó là tính chất ân huệ của toàn bộ hoạt động của Ngài, của tất cả những gì liên quan đến xác thịt Ngài, qua những mệt mỏi, những chống đối, những đêm canh thức, những chuyến đi, cho đến chết.
Chúa Kitô là một con người sống cho tha nhân, không phải chỉ trong lý tưởng hay trong suy nghĩ mà thôi: Ngài đã sống sự trao ban này trong thân xác Ngài. Như thế, hơn ai hết. Ngài có thể kết hợp sự sống với những biểu hiện của thân xác và khẳng định rằng trao ban mạng sống là trao ban máu thịt mình.
“Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (c.51).
Tất cả chúng ta đều đang sống. Nhưng chúng ta hiểu rất lờ mờ về sự sống. Sự sống đến với chúng ta lúc nào… Không ai biết được, nhưng nếu có nó thì chứng tỏ phải có một nguồn. Cũng như bất cứ cái gì có ở đời này đều có một nguồn gốc, một người làm ra. Vậy sự sống bởi đâu ? Kinh Thánh trả lời bởi Thiên Chúa.
Thiên Chúa tự mạc khải “Ta là sự sống” (Ga 11,25). Trong Cựu ước đã nói đến việc Thiên Chúa tạo nên sự sống của thực vật, động vật và con người (Stk 1,10-30). Điều này chứng minh Thiên Chúa hằng sống. Không ai cho cái gì không có. Thiên Chúa là sự sống nên Ngài mới trao ban cho chúng ta được. Sách Quan án gọi “Giavê là Đấng sống” (1Sa 14,39. 2Sm 12,5). Chính Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa hằng sống” (Ds 14,21. Đnl 32,40). Dân Israel thường thề bởi chữ “Thiên Chúa hằng sống” (2Sm 12,5). Thiên Chúa là nguồn sự sống (Tv 36).
Trong Tân ước, Chúa Giêsu quả quyết “Ta là sự sống và là sự sống lại” (Ga 51,25), “Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống” (Mt 22,32), “Ngài là Đấng bất tử (1Tm 1,17). Chính Chúa Giêsu đã làm 4 phép lạ cho kẻ chết sống lại (Lc 8.49.7,11; Ga 11,1).
Những dữ kiện đó đủ làm bằng chứng nền tảng cho câu Chúa phán hôm nay: “Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống” (c.51). Và Chúa quả quyết “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời” (c.51). Giuda là người đầu tiên nghe câu đó lấy làm chói tai và bỏ đi, ra đi trong hư mất đời đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.
Lời Chúa như sương sa, đã rơi xuống thì không trở lên trời nữa, nhưng phát sinh hoa trái. Lời Chúa là lời sinh hiệu quả, không phải do trí tưởng tượng, mà do đức tin. Muốn gặp Thiên Chúa, con người phải đến với Chúa Giêsu như chính lời Chúa Giêsu đã nói: Không ai đã thấy Chúa Cha, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha
Ước gì chúng ta cũng biết lắng nghe và đón nhận lời Chúa, để chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa chân thật, Đấng hằng yêu thương và muốn cho chúng ta được ơn cứu độ