Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
“TIN VÀ GIỮ LỜI TA THÌ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI”
13.3 Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Is 49:8-15; Tv 145:8-9,13-14,17-18; Ga 5:17-30
“TIN VÀ GIỮ LỜI TA THÌ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI”
Tin Mừng hôm qua cho chúng ta thấy Đức Giêsu chữa người bệnh bại liệt ba mươi tám năm. Sau khi chữa anh được khỏi, Đức Giêsu truyền cho anh vác chõng mà về. Điều đáng chú ý là khi trên đường về, những người không ưa Đức Giêsu đã chặn anh lại và hỏi nguyên cớ làm sao mà anh được khỏi bệnh, ai là người đã chữa anh?
Hỏi như thế, không phải để chia vui với anh, cũng không phải cùng anh tạ ơn Chúa! Nhưng hỏi như vậy là để tìm cho rõ xem ai dám cả gan chữa bệnh ngày Sabát?
Tin Mừng hôm nay cho thấy giữa Đức Giêsu và người Dothái trở nên gây cấn hơn khi Ngài tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Nói như thế, Ngài minh định rằng: Thiên Chúa không nghỉ ngày Sabát thì Ngài không có lý do gì nghỉ và không làm việc thiện trong ngày này cả! Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài mặc khải cho biết: Ngài đến để thực thi thánh ý của Cha Ngài. Cuối cùng, điều làm cho người Dothái chói tai, khiếm họ không chịu nổi, khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”.
Người Do thái không tha thứ cho Đức Giê-su về sự vi phạm ngày Sa-bát khi Người chữa kẻ tê liệt. Người còn nói cho họ nghe Người làm như Cha Người hằng làm việc. Nên Người cũng không nghỉ làm việc dù là ngày Sabát.
Lời quả quyết đó càng làm họ tức giận hơn. Làm sao Đức Giêsu dám tự cho mình là Thiên Chúa nếu như Thiên Chúa không phải là Cha mình. HoÏ càng không ngớt nổi giận vì Đức Ki-tô nói thêm rằng : “Cha Tôi và Tôi cũng nhất tâm làm tất cả và ai không tôn vinh Con thì không tôn vinh Cha”. Người còn chủ trương rằng lời Người có sức mạnh ban sự sống đời đời cho những ai nghe theo, như thế là tột bậc rồi.
Thật là một chủ trương đầy phấn khởi và hào hùng ! Tuy nhiên, lời Đức Giê-su không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.
Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái cách Ngài chữa lành cho người đang làm việc gần bên giếng nước rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn trao ban điều tốt cho con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây đến phiên mình xuống trần để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm việc, làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabát hay không. Ngày Sabát là cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát.
Cũng trong dịp này Chúa Giêsu mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chân tính tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả, hãy cộng tác với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: “Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì được sống đời đời, khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống”.
Hãy nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, ta sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác: “Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy”. Chúa Giêsu đã không bao giờ ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.
Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước-Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giê-su trước người đàn bà ngoại tình làm cho Ma-đa-lê-na thống hối, phụ nữ Sa-ma-ri bị chinh phục, ông Gia-kêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phê-rô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.
Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Ki-tô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Ki-tô tồn tại mãi mãi.
Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải, Giáo hội mời gọi chúng ta trở về : trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái, Giáo hội muốn chúng ta tìm lại được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể nhân ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.
Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo hội, đó là hãm đẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang phục sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm quan mức viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày họ cố gắng hoạ lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hướng tới sự sống đời đời. Khi hướng về sự sống đời đời, mọi việc chúng ta làm hay nói đều được tình yêu chi phối chứ không chỉ vì luật mà làm cho chúng ta xa rời tình yêu!