Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
TIN VÀ CHẤP NHẬN
12 06 X CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN.
Ca vịnh tuần IV.
Không cử hành lễ Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a. Và không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35.
TIN VÀ CHẤP NHẬN
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc trắc nghiệm Chúa Giêsu đưa ra cho các tông đồ sau một thời gian đi theo Chúa. Sau khi chữa lành người câm điếc mà chúng ta nghe Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu và các môn đệ tiếp túc tách khỏi đám đông ồn ào, và đi sâu vào vùng đất của dân ngoại Cesare-Philipphê, ở đó trong thân tình chỉ có thày trò với nhau, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ, trước tiên, Ngài muốn biết dư luận dân chúng nghĩ gì về Ngài nên Ngài mới hỏi các tông đồ: Người ta bảo con người là ai?
Các câu trả lời của dân chúng đã không chính xác: Họ bảo Thày là Gioan Tây giá, hay Elia hoặc một tiên tri nào đó. Chúa Giêsu đã không quan tâm đên những dư luận sai lạc đó, Ngài đưa ra câu hỏi trực tiếp cho các tông đồ, như một bài trắc nghiệm niềm xác tin và sự hiểu biết cùa các ông sau một thời gian theo Chúa: Còn các con, các con bảo Thày là ai? Simon Phêrô đã thay cho anh em để trả lời: Thày là Đấng Kitô.
Câu trả lời này thật chính xác, Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Mesia, Đấng Cứu thế mà các tổ phụ các tiên tri đã loan báo và muôn dân đang trông đợi. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời tuyên xưng ấy, và Chúa muốn giải thích rõ hơn cho các ông hiểu về vai trò cứu thế của Ngài, Ngài là Đấng Cứu Thế không như những điều mà người Do Thái mong đợi, vì người Do Thái mong đợi một Đấng Cứu thế sẽ kế vị ngai báu của vua Đavít, sẽ xưng vương và là người đứng lên khởi nghĩa lật đổ chính quyền Roma, và xây dựng nên một vương quốc Giuda hùng mạnh. Chúa Giêsu đã không cứu thế theo con đường đó, mà Ngài muốn các môn đệ chấp nhận một đường lối của Thiên Chúa: Đấng cứu thế sẽ đến trong khiêm hạ, bị người ta bắt, đánh đòn và giết chết sau ba ngày Người sẽ sống lại.
Giống như những người Do Thái khác, Simon Phêrô đã không chấp nhận con đường khiêm hạ của Đấng Cứu thế, nên đã can ngăn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin Thầy đừng làm như vậy. Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách ông: Satan! lui lại đàng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người. Tại sao Chúa trách Simon nặng lời như thế? Thưa, vì Simon đã quên mất vị trí của mình là một người môn đệ, người học trò của Chúa, đã là môn đệ, thì phải đi theo sau Thày, nghe lời Thầy, chứ không phải là người chỉ đường cho Thầy. Simon Phêrô đã muốn vượt lên phía trước để trở thành người dẫn đường, điều khiển Chúa theo ý mình, muốn Chúa phục vụ cho mình, nên Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh để ông trở về đúng vị trí của mình là người môn đệ: Hãy lui lại đàng sau Thày.
Để giải thích thêm về đòi hỏi này, Chúa đưa ra cho mọi người một điều kiện tiên quyết: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Để trở nên môn đệ của Chúa, đòi mỗi người phải có một chọn lựa dứt khoát: Ai muốn theo thì phải bỏ chính mình. Từ bỏ những cái bên ngoài như tài sản, danh vọng, và những mối liên hệ thân thiết như gia đình anh em bạn bè đã là điều khó, và từ bỏ chính mình là điều còn khó hơn.
Từ bỏ chính mình là chấp nhận nhận trở nên trống rỗng để cho Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng của Người vào trong chúng ta, là chấp nhận từ bỏ những sở thích riêng, sự tự ái và cái tôi ích kỷ để hoàn toàn thuận theo ý Chúa, bước theo Chúa trong tin tưởng phó thác, và dám để cho Thiên Chúa thực hiện những điều Ngài muốn trên cuộc đời mình.
Kế đến là vác thập giá mình mà theo Chúa; vác thập giá của mình chứ không phải của ai khác, và bước đi theo Chúa chứ không phải bước đi trên con đường khác. Thập giá của mình là những việc bổn phận hàng ngày trong gia đình, nơi xí nghiệp, là những khó khăn thử thách trong mỗi ngày sống; và phải can đảm bước trên con đường theo Chúa, chứ không thể đi theo đường riêng hay ngõ tắt, mà phải đi vào con đường thập giá của Chúa, là chấp nhận mất để được, chết đi để được sống đời đời. Đó cũng chính là cái nghịch lý mà Chúa nói đến: Ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất, và ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Chúa Giêsu đã sống cái nghịch lý này khi chấp nhận cứu chuộc nhân loại bằng con đường khiêm hạ, hoàn toàn vâng phúc thánh ý Thiên Chúa cha như một người đầy tớ. Tiên tri Isai đã phác họa gương mặt của đấng cứu thế qua bài ca về người tôi tớ trong bài đọc một: Người tôi tớ này đã chấp nhận để cho Thiên Chúa thực hiên mọi sự trên cuộc đời mình: Người đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại, Tôi đã dưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu và không che mặt giấu mày khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ vì có Chúa là Đấng phù trợ tôi… Dù bị đối xử tàn tệ, nhưng người tôi tớ này vẫn không một lời than trách, nhưng vẫn một niềm cậy trông vào Chúa.
Cuộc đời mỗi người không phải lúc nào cũng thành công. Bên cạnh những điều như ý vẫn có những nỗi cay đắng, tủi nhục, những tai nạn rủi ro, những thất bại đau khổ… mà dù muốn hay không chúng ta cũng phải chịu. Đau khổ thất bại vẫn có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công, như người ta thường nói: “Thất bại là mẹ thành công”. ‘Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành”, từ việc tổ phụ Giu-se bị các anh bán làm nô lệ bên Ai Cập, lại trở thành tể tướng triều đình Ai Cập và đưa cả dòng tộc Gia-cóp sang bên Ai cập tránh nạn đói kém. Tin là chấp nhận con đường thánh giá chật hẹp leo dốc như thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê : “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình (2 Tm 2, 12-14).
Biết Chúa Giêsu và nói một cách chính xác về Chúa Giêsu đó là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ trong gia đình, là những Kitô hữu, các bậc cha mẹ sẽ phải là người nói về Chúa Giêsu cho vợ chồng con cái trong gia đình. Hãy nói về một Chúa Giêsu nhân từ yêu thương và phục vụ qua đời sống yêu thương phục vụ của cha mẹ, hãy nói về một Chúa Giêsu quảng đại và tha thứ qua chính sự quảng đại tha thứ trong gia đình. Người ta chỉ có thể biết và nói về Chúa Giêsu khi ta thực sự đã được gặp Ngài, do đó để nói một cách xác tin về chúa Giêsu cho vợ chồng con cháu, thì trước tiên bậc ông bà cha mẹ hãy gặp Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trong Lời Chúa mỗi Ngày, để chúng ta có thể xác tín hơn khi nói về Ngài.
Chúa Giêsu phản ứng rất mãnh liệt; thái độ của thánh Phê-rô tái hiện trong tâm trí của Ngài cơn cám dỗ mà Ngài đã kinh qua trong hoang địa; Chúa Giêsu đáp trả vị Tông Đồ của Ngài cũng bằng những lời mà Ngài đã dùng để trục xuất Tên Cám Dỗ: “Sa-tan kia, xéo đi!” (Mt 4, 10), nhưng với thánh Phêrô, Ngài còn nói thêm: “Lui ra đằng sau Thầy”, nghĩa là “Anh không hiểu rằng nếu là môn đệ trung thành, anh phải bước đi theo con đường của Thầy”.
Và với tất cả những ai muốn làm môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu cũng căn dặn một lời như vậy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Hễ mỗi lần gợi lên cuộc Khổ Nạn của Ngài, Chúa Giêsu đều liên kết các môn đệ của Ngài, và qua họ, tất cả các Ki tô hữu, vào con đường đau khổ này: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì cứu được mạng sống ấy”. Ở đây Chúa Giêsu sử dụng một từ hai nghĩa: “mạng sống” vừa có nghĩa cuộc sống tạm thời ở đời nầy vừa cuộc sống đời đời ở mai sau.
Biết và tin vào Chúa Giêsu không phảỉ là tin vào một câu chuyện, mà là tin và chấp nhận Ngài là một vị Thiên Chúa làm người, và dám để cho Ngài bước vào cuộc đời và thay đổi cuộc sống chúng ta. Biết Chúa tin Chúa, là chấp nhận giáo huấn và lời dạy của Ngài và thực hành những điều Ngài mời gọi chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta dám sống cái nghịch lý của tin Mừng, Ngài đòi chúng ta phải đi theo con đường của Tám mối Phúc Thật, đó là con đườnmg mà người đời cho là hèn kém, nhưng đối với Thiên Chúa thì đó là những con đường đưa tới hạnh phúc đời đời.