Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tin tưởng vào Chúa
6.12 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Vọng
Is 40:1-11; Tv 96:1-2,3,10,11-12,13; Mt 18:12-14
Tin tưởng vào Chúa
Chúng ta đang sống trong tâm tình của mùa hy vọng và đợi chờ. Không mang nét ảm đạm của muà chay, mùa vọng bao giờ cũng thế, những ca khúc Giáng sinh vui tươi đã râm ran khắp nơi. Bầu khí thêm rộn ràng với những gian hàng trưng bán thiệp Noel, đèn ông sao, dây điện màu, dây kim tuyến lấp lánh đủ sắc màu … và những hang đá muôn vẻ. Chúng ta có lý do để vui mừng và hy vọng, vì kỷ niệm một vị Vua, vị Cứu tinh đã sinh ra cho chúng ta – không như biết bao bậc Quân vương khác đến cai trị bằng sức mạnh của vương quyền, thống lĩnh bằng gươm đao chinh chiến – Ngài là “Người cha nhân hậu, ông vua thái bình” ; Người là vị mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên nơi đồng cỏ xanh tươi, bến nước trong lành và không để “mất bất cứ con chiên nào” (Ed 34, 13-14).
Chúa Giêsu không sánh mình với bất kỳ hình ảnh vua Chúa trần gian nào, nhưng Người dùng những hình ảnh bình dị để nói lên tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người để áp dụng cho chính Người: như “gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” (x. Lc 13, 34), người “chăn chiên tốt lành biết chiên của mình” (Ga 10, 13 – 14); đặc biệt dụ ngôn người mục tử tìm con chiên lạc hôm nay đã làm nổi bật hình ảnh của vị Thiên Chúa mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo: “Quả thật, Đứa Chúa là Chúa Thượng phán thế này : Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.
Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en.
Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34, 11 -16). Và Ngài cũng chính là vị mục tử mà Bài đọc I, sách ngôn sứ Isaia nói tới hôm nay:
“Kìa Thiên Chúa các ngươi!”
Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. (Is 40, 11)
Hình ảnh Thiên Chúa – Người Mục tử nhân hậu, mà Chúa Giêsu là hiện thân còn được Người diễn tả rõ nét trong Tin mừng Gio-an chương 10, 7 – 18: “Vậy, Chúa Giêsu lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : “…Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
Chúa Giêsu Là vị mục tử nhân lành, còn con chiên lạc thì sao? Tại sao nó lại bị lạc? Phải chăng nó đang mải mê thú gặm cỏ mà quên mất đàn bầy; Hay nó thích chạy chơi chốn lạ, rời đàn bầy mà quên mất đường về; hoặc nó đã bị sẩy chân sa hố?… Dù sao trong bất cứ hoàn cảnh nào, nó cũng là con chiên đang bị gặp hiểm nguy: thú dữ rình chực xé xác, bị thương tích cần được cứu chữa. Người chủ chiên nhân lành, yêu chiên như con; lòng lo lắng vô hạn, ông để chín mươi chín con ở lại, quên cả bản thân, tất tả, rong ruổi tìm con chiên lạc, bất chấp núi cao vực thẳm, đường đá lởm chởm, gập ghềnh…
Càng gian khổ bao nhiêu, khi gặp lại lòng càng vui mừng bấy nhiêu – “Người chủ vác chiên trên vai trở về khoe với bạn bè” (Lc 15, 5 – 6) – Ông yêu chiên biết là ngần nào! Hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho “kẻ bé mọn” (tội nhân) thật xúc động. Thế nhưng con người vẫn mải mê chạy theo lạc thú, đam mê trần tục, lao vào những cám dỗ hiểm nguy, có biết đâu rằng Chúa vẫn kiên nhẫn rong ruổi kiếm tìm, “Ngài không muốn một con chiên nào của Ngài phải hư mất” (c. 14)
Hình ảnh Thiên Chúa – Chúa Giêsu Ki-tô – Mục tử nhân lành là mẫu gương cách riêng cho các mục tử, nhưng cũng là tấm gương cho từng người chúng ta. Chúng ta có cách cư xử thế nào đối với những người anh em “bé nhỏ” về nhiều mặt của cuộc đời – khinh khi, không quan tâm, loại trừ hay động lòng nhân hậu xót thương, giúp đỡ, cầu nguyện…? Mỗi người chúng ta cũng có những người thuộc về mình để mà quan tâm săn sóc, chúng ta đã hết mình trong bổn phận chưa hay chúng ta chỉ tà tà chủ chương ‘măc-kê-no’, thân ai nấy lo, đèn ai nấy rạng? Mùa vọng về, chúng ta đừng để cho những rộn ràng bên ngoài làm lóa mắt và chỉ nghĩ đến những vui chơi, phù phiếm, nhưng biết dừng lại, chìm lắng lòng mình để suy nghĩ – suy nghĩ về mục đích, ơn cứu độ đời mình; đồng thời nuôi niềm hy vọng – hy vọng, tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, hy vọng về ơn chữa lành, hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay!