Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TÌM VỀ Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY
19/2 Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro
TÌM VỀ Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY
Ăn chay là một trong ba việc làm chính để tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng, trong bài Tin mừng mà chúng ta sắp nghe sau đây, ăn chay lại là một đề tài tranh luận giữa các môn đệ của ông Gioan và Chúa Giêsu. Bài Tin mừng theo thánh Matthêu 9,14-15 thuật lại việc này như sau: “Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Chúa Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Để có thể hiểu cuộc tranh luận này một cách rõ ràng hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về việc ăn chay của thời bấy giờ: theo sách Lêvi 16,19-31 thì luật cũ chỉ buộc người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội. Đến thời Chúa Giêsu, ngoài việc giữ chay mỗi năm một lần này, người ta còn tự nguyện giữ những ngày chay chung vì những lý do khác. Ngoài ra, một số người đạo đức còn giữ thêm những ngày chay riêng, như nhóm Pharisêu ăn chay một tuần hai lần.
Như vậy, việc ăn chay mà các môn đệ ông Gioan thắc mắc ở đoạn Tin mừng trên đây là việc giữ chay riêng vì lòng đạo đức, chứ không phải vì luật buộc. Đức Giêsu và các môn đệ của Người không phủ nhận giá trị của việc ăn chay theo truyền thống, bởi chính Người cũng đã vào hoang địa ăn chay bốn mươi đêm ngày trước khi ra đi rao giảng.
Tuy vậy, trong bối cảnh mới của thời Đấng Thiên Sai, Chúa Giêsu muốn nhắc lại rằng mục đích chính của việc ăn chay trong thời Cựu ước là để chờ đón Đấng Mêsia. Hiện nay, việc họ tự nguyện ăn chay là tốt, nhưng có một việc còn tốt hơn: đó là nhận biết Chúa Giêsu Na-da-rét chính là Đấng Mêsia mà Chúa Cha sai đến để cứu độ trần gian.
Để giúp các môn đệ ông Gioan có thể mở lòng ra mà nhận biết Người, Chúa Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi gợi ý: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” Nếu những người môn đệ này của ông Gioan đã có mặt khi xảy ra cuộc tranh luận trước đây giữa các bạn đồng môn và một người Do Thái về việc thanh tẩy, hẳn họ sẽ nhớ ngay lại lời thầy mình đã nói về Chúa Giêsu như sau: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.
Vâng ! Ta thấy Chúa Giêsu chính là chú rể trong tiệc cưới Nước Trời. Bao lâu có Chúa Giêsu ở cạnh, thì bấy lâu họ không phải âu sầu phiền não. Chỉ khi nào mất Chúa họ mới phải ăn năn khóc lóc thôi!
Chúa Giêsu đã rất sát với đời thường khi đưa ra hình ảnh tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Vâng, tiệc cưới là một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta. Ở bất cứ nơi nào thời nào, ngày cưới luôn luôn là một ngày trọng đại, một ngày vui vẻ cho gia đình. Và các nhân vật chính luôn là chú rể và cô dâu. Phải, Nước Trời là một bữa tiệc cưới, trong đó Chúa Giêsu chính là chàng rể, và Giáo Hội chính là cô dâu.
Khi nhìn lại câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.
Sự kết hợp giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội mang lại hạnh phúc và hoan lạc đời đời cho những ai tham dự tiệc cưới đó, tức là cho những ai gia nhập vào gia đình Giáo Hội. Khi một gia đình có tiệc cưới, mọi thành viên trong gia đình đều vui mừng phấn khởi. Ai cũng muốn bắt tay vào việc, mỗi người tuỳ sức mình mà đóng góp cho niềm vui chung. Trong ngày đó, ai cũng trở nên dễ mến dễ thương, ai cũng trở nên ân cần tử tế. Nhờ sự hiện diện của chú rể, không khí trong nhà đượm nét đầm ấm và vui tươi. Tất cả mọi ưu tư phiền muộn đều tạm gác lại. Mọi người tập trung tận hưởng niềm vui của ngày hôn lễ. Đâu cũng nghe tiếng cười. Đâu cũng thấy đèn hoa.
Ta đang ở trong mùa Chay Thánh với 40 ngày sẽ rất có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn.
Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58,7).
Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.
Như Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói, chúng ta là những bàn tay và đôi chân của Thiên Chúa. Chúng ta dường như suy nghĩ điều Thiên Chúa yêu cầu ở trên là hết sức khó. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thiên Chúa luôn đơn giản để chúng ta đến gần Ngài hơn với lòng khiêm nhường, lòng sám hối ăn năn.