skip to Main Content

THIÊN CHÚA LUÔN Ở KỀ BÊN

13.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh

Cv 6:1-7; Tv 33:1-2,4-5,18-19; Ga 6:16-21

THIÊN CHÚA LUÔN Ở KỀ BÊN

Tin Mừng hôm nay nói đến sự sợ hãi bối rối nơi các Tông đồ. Có lẽ chẳng phải do tình cờ mà các thánh sử đã đặt phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước liền sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Cả hai phép lạ có chung một chủ đề là quyền năng của Chúa Giêsu trên thiên nhiên và các vật vô tri vô giác. Trước mỗi phép lạ các môn đệ đều bị đẩy vào tình trạng lo sợ.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí, tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.

Cuộc đi biển của các ông lần này không có Đức Giêsu hiện diện, bởi lẽ Ngài đã đi trước một mình vì dân chúng đang muốn tôn Ngài lên làm vua theo ý của họ.

Đang đi theo lộ trình và khi trời đã tối, họ bị trận cuồng phong bất ngờ ập tới. Tuy các ông là những người có nhiều kinh nghiệm về biển cả, họ là những tay nghề lão luyện trong giới thủy trình. Ấy vậy, khi sóng gió nổi lên, họ cũng trở thành bé nhỏ và yếu ớt trước sức mạnh của cuồng phong. Sự sợ hãi đó được cộng thêm với hình bóng của Đức Giêsu đi trước mặt thuyền mà họ không biết… Vì thế, trong đầu các ông đang hốt hoảng, hoang mang, và ai nấy đều run sợ, thì Đức Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Thầy đây đừng sợ”.

Đọc lại bài Tin Mừng này trong thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức rằng: cuộc đời lữ thứ trần gian của mỗi người như một hành trình của các thuyền nhân đi biển. Sống lênh đênh trên biển, mới thấy mình nhỏ nhoi. Đối diện với bão táp phong ba mới thấy mình bất lực, và được Chúa yêu thương, hiện diện thì ngay lập tức được bình an.

Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta thấy một Chúa Giê-su có quyền năng, không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giê-su đi trên mặt nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Quyền năng của Chúa được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: “Thầy đây, đừng sợ”. Trong Phúc âm Gio-an cách nói: “Ta đây (Thầy đây) Ego sum”, đó là cách nói diễn tả về Thiên Chúa, nhắc đến Gia-vê Đấng mạc khải cho Mô-sê “Ta là Đấng tự hữu”.

Chúa Giê-su đi trên mặt biển đến với các Tông đồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tự hữu. Đáp lại, thái độ của dân chúng chỉ nhìn Ngài như một tiên tri, một con người phi thường và muốn tôn Ngài lên làm vua. Họ hiểu sai về Chúa. Biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy một thực thể đúng thật là Ngài. Ngài là Thiên Chúa, là “Đấng Tự Hữu”.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng có thể ví như là một cuộc vượt Biển. Đi trên Biển là một cuộc hành trình đầy rủi ro và hiểm nguy, bởi lẽ, biển thường xảy ra dông tố bão bùng! Và khi một con tàu bé nhỏ phải đối đầu với sóng to, gió lớn  giữa đại dương mênh mông nước thì nó sẽ chao đảo, và có nguy cỡ sẽ bị sóng gió nhấn chìm! Muốn vượt qua Biển Cả một cách an toàn chúng ta chỉ còn biết cậy trông và tin thác vào một mình Thiên Chúa mà thôi, vì Ngài làm chủ trời đất, Ngài ra lệnh là Biển phải im tiếng là nó phải vâng lời.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, Chúa luôn dõi theo, luôn đồng hành để Ngài nâng đỡ, cứu giúp kịp thời mỗi khi chúng ta gặp gian nan thử thách. Có điều chúng ta có nhận thấy Chúa luôn bên cạnh mình hay không? Nói một cách hình tượng là Bàn Tay của Chúa luôn giơ ra, điều quan trọng là chúng ta có nhận ra bàn tay của Ngài để rồi đặt bàn tay của mình vào cho Ngài nắm lấy mà kéo chúng ta ra khỏi chốn hiểm nguy, gian nan hay không?

Chúng ta đã nhận nơi Thiên Chúa rất nhiều ân huệ. Ân huệ cao trọng nhất, vĩ đại nhất là Chúa đã đổ Máu Mình ra mà cứu chuộc chúng ta, rồi còn biết bao ơn lành hồn xác mà hằng ngày ta được Chúa ban cho cách nhưng không nữa. Bởi vậy, để đáp đền ân cao nghĩa dầy này, chúng ta phải có bổn phận làm sáng Danh Ngài bằng việc nghe và thực thi những điều Ngài dậy: Đó là phải biết sống cho đi, luôn yêu thương, sống bác ái và phục vụ. Được như thế thì chúng ta mới báo đáp lại được một trong muôn ngàn ân tình của Ngài đã thực hiện cho chúng ta.

Giữa phong ba thử thách của cuộc đời, xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và yêu thương của Chúa, nhờ đó chúng ta an tâm đi chọn cuộc hành trình và đạt tới bến bờ an bình. Xin cho chúng ta luôn nghe được tiếng Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” để luôn vững tin trong mọi hoàn cảnh

Thế giới hôm nay đang đứng trước những vấn nạn to lớn về vấn đề niềm tin và hệ quả của nó là sự khủng hoảng về luân lý; khiến một thế giới dễ bị tổn thương nay lại càng dễ bị chao đảo và ngả nghiêng hơn. Giáo Hội hôm nay chác chắn cũng có kinh nghiệm như nhóm môn đệ ngày xưa, vất vả một mình chống chọi với sóng gió, khi không có Thầy Giê-su ở bên.

Cuộc đời mỗi Ki-tô hữu cũng thế, ta sẽ học được bài học gì ngày hôm nay khi cuộc đời mỗi người luôn gặp sóng gió, luôn gặp những bất lợi không mong muốn, luôn gặp những tai ương hay bệnh tật ? Đó có phải là cơ hội để củng cố đức tin của mình hay không, hay đó  chính là những thách đố để chúng ta buông xuôi, thất vọng và chán nản. Ta có khám phá ra Chúa Giê-su luôn yêu thương mình, luôn hiện diện trong nỗi khốn cùng của mình hay không?

Phải vững tin rằng: Chúa không hề bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình. Phải tập nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay qua những dấu chỉ thời nay.

Back To Top