skip to Main Content

Thánh Thần Đấng Bảo Trợ 

6.5Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 16:11-15; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Ga 15,26-16,4

Thánh Thần Đấng Bảo Trợ

Người Do Thái coi Chúa Giêsu là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Kitô hữu là những người phản bội Do Thái. Do đó họ giết Chúa Giêsu và bắt bớ các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: “Người ta sẽ loại bỏ các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa.”

Nhưng đồng thời Chúa Giêsu chấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến.

Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ.

Ngài là Thần Chân Lý: Ngài sẽ soi sáng giúp các môn đệ làm chứng cho những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.

“Đấng phù trợ” dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.

Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien Parakletos bà Susanna khi bà bị hai ông già dê âm mưu kết án oan; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.

Còn trong Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:

Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.

An ủi họ trong những lúc đau buồn.

Che chở họ trong những khi nguy hiểm.

Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.

Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.

Đích thân bênh vực họ.

Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các Ngài sống và hoạt động giữa thế gian.

Tin Mừng nhắc chúng ta nhớ đến một Đấng Parakletos mà chúng ta vẫn hằng có sát bên cạnh mình thế mà chúng ta thường quên, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta quên Ngài đến nỗi nhiều khi chúng ta đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần mà vẫn không nghĩ tới Ngài. Và bởi vì quên Ngài, không nghĩ tới Ngài nên chúng ta thường bị rơi vào tình trạnh cô đơn, buồn chán, lo âu, sợ sệt, ngã lòng…

Chúng ta thấy, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện xuống, cuộc đời của các Tông đồ đã thay đổi toàn diện, từ những người chậm hiểu, hèn nhát, hám danh, ham sống sợ chết, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian nguy, không thể làm thinh không nói những điều đã nghe, đã biết. Mọi gian khổ, đe doạ, tù ngục, không làm cho các ông thoái lui; trái lại, hết mọi Tông đồ đều lấy máu đào làm chứng cho lời các ông truyền giảng và sẵn sàng chết, để tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô. Như vậy, muốn làm chứng về Đức Giêsu, phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và dựa vào quyền năng của Thánh Thần.

Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu loan báo cho nhân loại biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3, 36).

Để làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng, nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài, để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.

Kitô hữu là người được kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người trong mọi nơi mọi lúc. Chính Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ và an ủi chúng ta trong sứ mạng làm chứng này.

 

 

Back To Top