Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Thánh Giuse – Mẫu gương của lao động
1.5 : Thứ Tư – Lễ Thánh Giuse lao công
Cv 15:1-6; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Ga 15:1-8
Thánh Giuse – Mẫu gương của lao động
Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.
Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Chúa Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”.
Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất… Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa… Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức…”
Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).
“Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo…”
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse… Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 – 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang… dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp…
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách…
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực…
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?”
Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao…
Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.
Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”