skip to Main Content

TÁM MỐI PHÚC

  1. 6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Mùa Quanh Năm

1 V 17:1-6; Tv 121:1-2,3-4,5-6,7-8; Mt 5:1-12

TÁM MỐI PHÚC

Có lẽ người Công giáo nào cũng thuộc nằm lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều người ngoài Kitô giáo cũng đã ít hay nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương này. Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người khác, như triết gia Nietzsch chẳng hạn, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa hão về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo ngôn ngữ của Karl Marx, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối Phúc Thật?

Bản văn Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay là của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu chỉ công bố Tám Mối Phúc Thật một lần duy nhất, nhưng được hai tác giả ghi lại; dĩ nhiên, với hai cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cái nhìn của Luca có tính xã hội: Luca giải thích các mối phúc thật dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu về nghèo khó và việc sử dụng của cải trần thế, để từ đó đề cao giai cấp những người nghèo khổ trong xã hội; với Luca, những người nghèo thật sự là những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội. Trái lại, Mátthêu quan tâm đến khía cạnh luân lý nhiều hơn: nếu Luca đề cao giai cấp cùng khổ, thì Mátthêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, do đó theo Mátthêu, con người vào được Nước Trời không đương nhiên vì tình trạng nghèo khó, mà vì thái độ tinh thần của họ; cũng trong cái nhìn ấy, Mátthêu đáng giá về sự đói khát: nếu Luca nói đến những nạn nhân của bất công, tức những người đói khát cơm bánh thực sự, thì Mátthêu lại nhấn mạnh đến sự đói khát công lý nơi con người.

Tổng hợp hai cái nhìn khác nhau của Luca và Mátthêu, chúng ta có thể đưa ra bài học về sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Nước Chúa mà Giáo Hội loan báo không chỉ là Thiên Ðàng trong thế giới mai hậu, nhưng đang đến trong cuộc sống tại thế này, qua những giá trị như công bình bác ái, huynh đệ, liên đới. Chính trong những thực tại trần thế mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những thực tại Nước Trời.

Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về Quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.

Một trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.

Con người trần thế tìm đủ mọi cách để dành cho được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn khốc hại… Đang khi đó Chúa Giêsu lại cho nghèo là một mối phúc. Chắc chắn Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn cho con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang vĩnh viễn ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là “nghèo”: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị, trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ có tình mến chan hòa. Nghèo như thế mới là hạnh phúc.

Chúa Giê-su đến khai mạc Nước Trời. Tám Mối Phúc là hiến chương. Đem đến bao niềm hi vọng. Hi vọng cho ta không tìm được ở trần gian này. Sẽ tìm được trong Chúa. Trong Nước Trời. Hi vọng vì chính Chúa Giê-su đã sống lời Người loan báo. Người đã sống nghèo giữa người nghèo. Hiền lành khiêm nhường vượt bậc. Gặp nhiều đau khổ. Khiến phải rơi lệ. Toát mồ hôi máu. Nhưng luôn giữ được tâm hồn trong sạch. Và trái tim xót thương. Cả trên thánh giá.

Những người sống theo Chúa Giê-su sẽ đạt tới hạnh phúc như lời Chúa hứa. Nhưng ngay từ bây giờ họ đã trở thành niềm hi vọng cho trần gian. Tìm những giá trị cao hơn của cải vật chất. Không tìm quyền lực thống trị. Nhưng tìm khiêm nhường phục vụ. Biết hi sinh cho chân lý. Biết quên mình. Quan tâm yêu thương phục vụ người khác. Đó là điều thế gian đang thiếu thốn. Đó là phúc cho trần gian.

 

Back To Top