Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian
14.4 Thứ Tư Tuần II Phục Sinh
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 5,17-26; Ga 3,16-21.
Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian
Trong nghi thức thắp lửa mới đêm vọng Phục Sinh, chúng ta thấy khi ngọn lửa được thắp lên và vị chủ tế giơ cao ba lần ngọn nến Phục Sinh để cho cộng đoàn cùng chiêm ngưỡng qua lời công bố: “Ánh Sáng Chúa Kitô”. Ánh sáng thể hiện về việc Chúa đã chiến thắng tử thần, Ngài đã trải qua tủi nhục và đau khổ vì nhân loại để bước vào Phục Sinh viên mãn.
Chúng ta là những người được hạnh phúc chiêm ngưỡng ánh sáng đó qua biết bao mùa Phục Sinh, nhưng chúng ta đã làm được những gì để ánh sáng đó được sáng tỏ theo như ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến không phải để luận phạt chúng ta mà để Cứu Độ chúng ta. Thiên Chúa đã không tước đoạt tự do nơi con người, nên Người vẫn để cho con người dùng chính sự tự do để lựa chọn, tin hay không tin là quyền quyết định nơi mỗi người: “Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.
Mở đầu trang Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài. Nếu ai tin vào Con Một Ngài thì không phải hư mất, nhưng được cứu độ”. Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên Thập Giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu.
Ta thấy trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu nói rõ rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời, và nhờ Con của Người mà thế gian được cứu độ” (Ga 3,16). Với những lời này, Đức Giêsu khẳng định mục đích Ngài đến thế gian không phải để lên án hay luận phạt thế gian, nhưng Ngài đến để cứu độ và giúp cho con người có được một cuộc sống viên mãn. Đáng chú ý, trước khi nói về sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã mặc khải về tình yêu của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”.
Lời mặc khải này của Chúa Giêsu không chỉ cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu”, nhưng Ngài còn cho cả nhân loại nhận ra cách thức và mức độ của tình yêu mà Thiên Chúa ưu ái dành cho con người. Về cách thức, Thiên Chúa đã không ngần ngại trao ban cho nhân loại chính Người Con độc nhất của mình, Người Con mà chính Thiên Chúa đã từng thốt lên: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Về mức độ, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu cho thấy, Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, và Thiên Chúa đã chạy theo con người đến độ đi vào cõi chết. Như vậy, với việc trình bày tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ của Ngài là đem tình yêu Thiên Chúa đến cho con người.
Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì vẫn chưa diễn tả trọn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa trong tình yêu. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Ngài.
Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu thế gian không cần phải làm người hoặc chết trên Thập Giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì muốn cho con người có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thức loài người.
“Hy sinh vì người mình yêu”. Khi cống hiến cho người cảm nghiệm được tình yêu Ngài, Thiên Chúa không muốn gì hơn là sự đáp trả. Tình yêu nào mà chẳng cần đáp trả, chính do thái độ đáp trả hay chối từ mà con người bị luật phạt hay không, vì Thiên Chúa không sai Con người đến để xử án thế gian nhưng nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Ðức Kitô là mặt trời công chính, Ngài đến với hết mọi người, đặc biệt là những người đang bị vây hãm trong bóng tối tội lỗi. Ngài không kết án họ, nhưng luôn giang rộng đôi tay đón mời họ trở về.
Tội lỗi và yếu đuối là thân phận con người, nhưng nếu con người vẫn cứ ẩn mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luật phạt. Biệt phái và luật sĩ bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề vì họ cố chấp trong sai lầm, không dám đối diện với ánh sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị phơi bày. Chúa Giêsu đã chỉ trích cho họ thấy khiếm khuyết nhưng họ vẫn cứng lòng. Thế nên, về sau, những lời chúc dữ “khốn cho các ngươi” được dành cho họ hoàn toàn.
Với niềm xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sử dụng tự do một cách đúng đắn để đi theo tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì, nhìn vào cuộc sống hiện tại, chúng ta là những người đã lãnh nhận muôn vàn ơn lành từ tình yêu của Thiên Chúa. Cụ thể, với bối cảnh của đại dịch Covid 19, trong khi rất nhiều mảnh đời phải lo lắng từng bữa ăn, thì chúng ta vẫn được tình yêu Thiên Chúa nuôi sống no đủ.
Ta thấy Trong khi hầu hết kitô hữu trên thế giới và trong đất nước vì dịch bệnh không thể cử hành thánh lễ, chúng ta vẫn được diễm phúc cử hành thánh lễ và được rước Mình Máu Thánh Chúa mỗi ngày.
Dĩ nhiên là còn rất nhiều phúc lành khác mà Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống trên cộng đoàn chúng ta, và tất cả phúc lành đó là những dấu chỉ hữu hình cho thấy tình yêu Thiên Chúa luôn bao bọc đối với những ai tin cậy và nương tựa vào danh Con Một Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì “Đức tin không hành động là đức tin chết” và “Đức tin hành động nhờ đức ái”, nên với những mặc khải về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bắt chước cách thức Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu đối với nhân loại, một tình yêu trao ban thứ quý giá nhất mình có, và hy sinh thân mình đến nỗi chịu chết vì người mình yêu. Nếu xưa kia tình yêu thập giá đã bị người “người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22), thì hôm nay khi thể hiện tình yêu vô điều kiện đối với Thiên Chúa và với tha nhân, chúng ta có thể cũng bị coi là khùng, là mất trí. Nhưng đối với những ai đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, tình yêu đó đích thực là sự khôn ngoan, vì tình yêu đó đưa đến sự sống và ơn cứu độ.