skip to Main Content

SỰ KHAI TRIỂN CÂU CHUYỆN THƯƠNG KHÓ

CHÚA NHẬT THƯƠNG KHÓ

Mátthêu 26:14–27:66

SỰ KHAI TRIỂN CÂU CHUYỆN THƯƠNG KHÓ

Câu chuyện thống khổ của Chúa Giêsu là phần xưa nhất của truyền thống Kitô Giáo còn được duy trì. Ông Phaolô tường thuật hình thức đầu tiên của truyền thống này: Đức Kitô đã chết vì tội của chúng ta, Người được mai táng, được chỗi dậy vào ngày thứ ba, xuất hiện với ông Kêpha, và sau đó với nhóm Mười Hai (). Truyền thống xưa này thì đáng chú ý vì nó ngắn gọn và thiếu chi tiết.

Ông Phaolô đã thêm vào những lần xuất hiện khác: với hơn năm trăm tín hữu cùng một lúc, với ông Giacôbê, với các tông đồ, và sau cùng với ông Phaolô ().  Sự nhấn mạnh này thì hoàn toàn dựa vào những lần xuất hiện của Đức Giêsu phục sinh; không có các chi tiết về sự thống khổ và sự chết của Đức Giêsu.

Khi thế hệ Kitô Hữu đầu tiên chết đi, một tường thuật ngắn về sự thống khổ của Đức Giêsu được khai triển: Người bị bắt, bị xử, và bị đóng đinh. Người ta khao khát muốn biết hơn nữa, vì thế tường thuật này được trau chuốt để bao gồm việc xức dầu thơm, bữa Tiệc Ly, và những âm mưu để bắt giữ Người.

Vào lúc các tác giả phúc âm sáng tác, câu chuyện dài về sự thống khổ của Đức Giêsu được phát triển thành hai phần chính. Một, được trình bày trong Máccô và Mátthêu, có đặc điểm là các chủ đề về sự ứng nghiệm. Thánh Vịnh 22 và 69, Isaia, và các đoạn Kinh Thánh khác được ứng nghiệm trong sự thống khổ của Đức Giêsu.

Phần khác, được trình bày trong Luca và Gioan, có đặc điểm là thêm nhiều lời nói của Đức Giêsu. Nếu người ta so sánh các tường thuật về bữa Tiệc Ly, Máccô và Mátthêu trình bày một cảnh tượng đơn sơ với chỉ một vài câu nói của Đức Giêsu, Luca thêm vào cuộc đối thoại, và Gioan hoàn toàn bỏ qua việc thiết lập Thánh Thể nhưng tường thuật bốn chương đối thoại giữa Đức Giêsu và các tông đồ! Các học giả cho rằng loại khai triển này bắt nguồn từ “sự sùng mộ đạo đức.”

Điều gì đã thúc đẩy việc dần dà phát triển câu chuyện thống khổ này? Tuy dường như nó trái ngược với chúng ta, câu chuyện thống khổ là một tiếp diễn bình thường sau sự phục sinh. Sự kiện là Đức Giêsu đã được Thiên Chúa nâng dậy là điều duy nhất mà Kitô Hữu Địa Trung Hải cần để củng cố đức tin nơi Đức Giêsu.

SỰ ĐAU KHỔ VÀ NHỤC NHÃ

Người đã chết thật nhục nhã, đó là cái chết dành cho những tội phạm xấu xa nhất. Tuy Người đã chết theo truyền thống kiên cường nhất của người Địa Trung Hải, cách chết này đã xóa sạch tất cả những gì tốt lành Người đã thực hiện. Nếu Đức Giêsu thực sự là người được Thiên Chúa yêu dấu, Thiên Chúa đã không để Người bị khuất phục bởi kẻ thù.

Nhưng Thiên Chúa đã lật ngược cách suy nghĩ của người Địa Trung Hải. Khi nâng Đức Giêsu dậy từ cõi chết, Thiên Chúa đã vinh danh Đức Giêsu hơn bất cứ ai từng có. Người đã xóa sạch sự nhục nhã của Đức Giêsu.

Từ điểm thuận lợi này, các tác giả phúc âm đã có thể giải thích lại câu chuyện thống khổ. Trong khi nó tường thuật các biến cố dường như nhục nhã như bị phản bội, các chứng gian, phiên tòa chiếu lệ, sự ức hiếp, và tương tự, việc đọc cẩn thận cho thấy Đức Giêsu làm chủ số phận của mình trong suốt câu chuyện. Người biết Người làm đúng, Người tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ minh chứng cho Người. Đức Giêsu thì giống như bất cứ người nào khác phải đau khổ một cách vô tội trong lịch sử của Ít-ra-en: tuyệt đối tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ chấn chỉnh lại mọi sự.

Tuy nhiên nếu người ta không thấy được sự dẫn giải được nhận thức sau này trong các câu chuyện phúc âm, ở mức độ thuần túy văn hóa Đức Giêsu được trình bày như một anh hùng ngoại hạng. Như một người đàn ông đích thật vùng Địa Trung Hải, Người gánh chịu những cú đấm hung bạo của kẻ thù mà không nao núng, kêu gào, hay ngất xỉu. Người chịu đựng roi đòn, lời xỉ nhục, đội mão gai, bị đóng đinh – nhưng không gào thét.

Trong Mátthêu, một câu duy nhất Đức Giêsu nói (“Lạy Chúa, sao ngài bỏ rơi con?”) là một lời cầu xin phản ứng với các lời chế nhạo của những người chung quanh, họ cho rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi Người. Đây là những câu mở đầu của Thánh Vịnh 22, một lời cầu xin đầy khổ sở của tín hữu.

Các độc giả Tây Phương ngày nay vì những tin tưởng văn hóa nên họ thường không thấy được điểm này của bản văn. Trong văn hóa chúng ta, đau khổ là một sự phiền toái và có thể tránh đau khổ bởi sự tài giỏi hay y học, nên thật khó để thán phục sự kiên cường của người Địa Trung Hải được chứng tỏ trong sức chịu đựng. Trong văn hóa chúng ta, khoa học được coi gần như là “tôn giáo” đối với nhiều người, nên sự quan trọng của việc được Thiên Chúa nâng dậy từ cõi chết, được phục hồi danh dự sau khi nhục nhã ê chề, đã bị mất đi trong việc tìm kiếm ý nghĩa hợp lý và những chứng cớ có tích cách biện giải.

Làm thế nào chúng ta có thể noi gương sự vâng phục của Đức Giêsu trong một thế giới rất khác biệt về văn hóa?

Back To Top