skip to Main Content

Sự kết hiệp thâm sâu

10.5
Thứ Tư trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh

Cv 15:1-6; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Ga 15:1-8

Sự kết hiệp thâm sâu

Dân Do thái sống nghề trồng nho như kiểu chúng ta trồng lúa, trồng rau. Có lẽ không công việc trồng tỉa nào đòi hỏi sự chuyên cần, tài khéo léo như việc trồng nho. Dân Do thái đã sớm biết thưởng nếm hoa màu, biết chú tâm vào công việc đầy hứa hẹn và biết phải cậy trông hoàn toàn vào lòng quảng đại của Thiên Chúa. Cây nho đối với họ là một thứ cây quí như chứa đựng một cái gì mầu nhiệm. Cây nho có hai loại, một loại thấp gần một mét, một loại leo giàn như bí bầu của chúng ta. Gỗ cây nho không giúp ích gì (Ez 15, 2-5), nhưng trái nho lại được sách Quan án nói là “làm vui lòng thần minh và loài người” (9, 13). Vậy nếu cây nho mà hoa trái là niềm vui của Thiên Chúa, cây nho cho chúng ta những ý nghĩa sau đây:

Cây nho phải được trồng cấy miền nhiệt đới, khí nóng và không khí khô ráo, không được ẩm thấp. Người trồng nho phải lo chăm bón, cắt, tỉa mới sai trái được. Đó là hình ảnh của người theo Chúa. Từ ngàn xưa Thiên Chúa Cha đã quan phòng cho chúng ta tất cả rồi. Nói được là Thiên Chúa đã ươm trồng chúng ta trong một khoảng thời gian nào đó. Cho nên đừng có phàn nàn rằng mình “sinh lầm thế kỷ”. Thiên Chúa đã để chúng ta vào một quê hương, một thôn ấp nào đó là muốn chúng ta như một cây nho hút lấy khí đất, khí trời ở chỗ đó để sinh hoa trái cho Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa Cha đã tưới bón chúng ta bằng ơn lộc, bằng bí tích. Và nếu cần, Ngài cũng phải tỉa cành tỉa lá chúng ta bằng những biến cố, bệnh tật, trái ý, thất bại, thử thách vật chất, tinh thần. Để được một chất rượu tinh khiết thơm nồng, cây nho phải chịu sương nắng giãi dầu, chịu tỉa cắt xót xa và quả nho phải đem vào máy ép cho dập nát đi. Đó là hình ảnh của con đường Từ bỏ theo Phúc âm. Hạt giống tự nó phải mục nát mới đem lại hoa trái (Ga 12, 24).

Cành liền cây. Cây phải có cành mới ra cây và mới đẹp. Nếu cây không cành thì trơ trụi cô độc, lấy gì che thân, “cái dù che cái cán”  cơ mà. Cây có cành, nghĩa là cây cần cành để mang lá mang hoa trái và bóng mát. Chúa Giêsu thật sự cần tới con người cộng tác đem ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chúa đã dùng những hình ảnh khác nhau để nói lên ý nghĩa cộng tác đó. Hình ảnh Simeon nơi đàng thập giá thứ V –  Chúa dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá – Chúa cần 6 vò nước lã ở Cana (Ga 2, 1). Đó là cây cần tới cành. Chúa cần chúng ta truyền lời Chúa, các bí tích.

Nhưng căn bản vẫn là cành cần có cây, ngày nào cành lìa thân cây thì cây đau xót và cành đó chết khô. Cành cần cây vì sức sống, nhựa sống là bởi thân cây. Cành cần cây như bào thai cần mẹ. Chúa Giêsu quả quyết: “Không có ta, các con chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Chúng ta nhớ mình là những đầy tớ vô dụng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải làm việc bổn phận, thế thôi (Lc 17, 10). Thánh Phaolô có một câu nói tương tự: “chúng tôi chỉ là tôi tớ. Tôi trồng, Appolô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên”. Chúng ta chỉ là người cộng tác  (1C 3, 5-9) mà thôi. Chúng ta nhớ lấy, ngày nào cành lìa cây là hỏng hết. Anh chị em có thấy cành lìa cây mà còn sống đâu ! Có bóng điện nào mà cúp dòng điện lại vẫn sáng ! Ngày nào cành liền cây là còn vẻ xinh tươi, còn mang lại lợi ích. Ngày nào cành lìa cây, thì người ta đem đốt đi chớ không để làm gì được.

Các con là cành (c.5). Là cành chứ không là rễ phụ, cũng không là ngọn hay lá, nhưng là cành. Cành bao giờ cũng liền trực tiếp với thân cây, trực tiếp nhận sức sống từ thân. Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là chi thể khác nhau của một thân thể. Cũng như là cành khác nhau của một cây nho (Ep 5, 23-30). Chúng ta có những đặc sủng khác nhau nhưng cùng một Thánh Thần, cùng một Thiên Chúa làm mọi sự nơi mọi người (1C 12, 4-5). Mõi gia đình là một cây nho, một vườn nho của Thiên Chúa.

Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.

Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.

Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.

Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn.

Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, “sống” là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Giáo hội Israel mới chính là cây nho của Chúa. Nhưng chỉ lãnh nhận phép rửa hoặc chỉ ở trong Giáo hội mà thôi chưa đủ, còn phải thể hiện đức tin và dời sống đc  bằng những hành vi cụ thể. Muốn không là những cành nho bị chặt đi và quăng vào lửa, muốn không bì lấy lại ơn Chúa vì không biết sử dụng, chúng ta phải cố gắng dấn thân làm những việc tốt.

Ước gì chúng ta luôn sống kết hiệp với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho để dược nuôi dưỡng bằng sức sống sung mãn của Chúa, và dược liên kết với nhau vì cùng chung một nhựa sống Thần linh.

 

Back To Top