skip to Main Content

Sự Hiện Diện Của Chúa Thánh Thần

23/5 Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 16:11-15; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Ga 15:2616

Sự Hiện Diện Của Chúa Thánh Thần

Trong thế gian, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện vô hình và chứng tá của Chúa Thánh Thần cho Chúa Giêsu được thể hiện, được nhìn thấy nơi chứng tá của các môn đệ cho Chúa. Và như vừa nói trên, chứng tá này không phải là điều dễ dàng. Ðây là con đường nhỏ hẹp, gặp nhiều gian nan, thử thách. Theo Chúa đích thực làm cho ta ra khỏi thế gian và vì thế mà bị thế gian ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong những lúc gian nan thử thách như vậy, trong những giây phút cảm thấy trống rỗng và đau khổ trong cuộc đời của người đồ đệ, Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ, mà Chúa Giêsu sai xuống từ Thiên Chúa Cha, Ðấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ và trợ giúp họ, để các ngài được luôn trung thành làm chứng cho Chúa.

Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các môn đệ là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của đồ đệ giữa những thử thách trên trần gian. Và chúng ta nhìn thấy điều này khi đọc qua những trang sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các tông đồ như được biến đổi hoàn toàn, từ lo sợ chạy trốn, chuyển sang can đảm, sẵn sàng hy sinh và cương quyết phục vụ. Trong lúc gặp thử thách, trước mặt những người quyền thế ngăn cấm không được làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, các tông đồ can đảm trả lời công khai: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người”.

Nếu như sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện hữu hình của một Thiên Chúa làm người; thì sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện thiêng liêng tuyệt đối nhưng mang lại một sức mạnh vô biên. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống là một sự gắn kết tuyệt hảo, chứng thực rằng lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho Giáo Hội hiệp nhất nên một đã thành hiện thực.
Nối kết những lời hứa của Chúa Giê-su trước khi về trời với sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, cho chúng ta xác tín vào một Thiên Chúa tình yêu. Đúng như lời xác tín của tác giả Tin Mừng Gioan: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Yêu đến cùng không chỉ là chết cho người mình yêu, nhưng chết đi rồi vẫn còn lo lắng, vẫn còn tìm cách bảo vệ cho người yêu. Đó là một thứ tình yêu không giới hạn, khác xa với tình yêu của con người. Về nguyên tắc, tình yêu vợ chồng phải là một tình yêu không giới hạn, nhưng không biết đã có ai sống được đòi hỏi ấy không. Chúa Giêsu đã sống điều đó, để làm gương cho chúng ta.
Chúa Thánh Thần được ban xuống cho Giáo Hội, cho chúng ta nhận ra được cái độc đáo của tình yêu Ki-tô giáo, một tình yêu vừa vật chất vừa vô hình, vừa cụ thể vừa thiêng liêng, đó là sự hiện diện chuyển giao giữa Chúa Giêsu hữu hình và Chúa Thánh Thần vô hình. Tình yêu nơi con người cũng nên như thế, không nên đòi hỏi những dấu chỉ cụ thể để chứng tỏ tình yêu cho nhau, vì những diễn tả chỉ là tương đối. Ngược lại, ta cũng không thể chấp nhận một thứ tình yêu không hành động. Vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè,… phải sống với nhau bằng sự tôn trọng thẳm sâu bên trong, nhưng cũng bằng những biểu hiện cụ thể bên ngoài, để chứng tỏ một đời sống có trách nhiệm.

Sự hiện diện của Thánh Thần, còn chứng tỏ một tình yêu liên tục của Thiên Chúa dành cho con người: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18). Nhân loại từ khi được bước vào miền ánh sáng của Thiên Chúa tạo dựng, đã chưa một lần phải bơ vơ, vì nếu không nhân loại đã chết. Sự thay đổi cách thế hiện diện, đi từ hữu hình vào vô hình, Thiên Chúa vẫn bảo toàn tình yêu ấy dành cho con người. Tình yêu mà con người đang dành cho nhau, cũng mang sắc thái tình yêu Thiên Chúa, có lúc cụ thể, cũng có lúc âm thầm.

Nhưng, không phải con người luôn duy trì được tình yêu dành cho nhau. Xa nhau tình yêu dễ cạn, nên đã dẫn đến sự bất chung. Sự nghèo túng cũng làm tình yêu dễ biến chất vì gánh nặng áp lực vật chất sinh ra cau có, gắt gỏng. Đời sống sung túc cũng làm tình yêu thay đổi vì ham hưởng thụ mà vươn mình đi xa quá chớn… Chúng ta hãy nhìn lên Chúa, để thấy được một tình yêu cao thượng và giá trị vô biên mà biết hy sinh cho nhau.

Người Kitô hôm nay, đồ đệ của Chúa Giêsu, cần xét lại thái độ sống chứng nhân của mình. Có hai thái cực cần tránh đi, không thể có thái độ vênh vang tự đắc, cũng không được qụy lụy chiều theo qui mô của kẻ chống đối Chúa, cần sống khiêm tốn nhưng đồng thời can đảm mạnh mẽ trong việc phục vụ, chấp nhận phiền phức mà trong lòng vẫn vui tươi.

Ðây là kinh nghiệm sống chứng nhân của thánh Phaolô tông đồ khi ngài tâm sự trong thư thứ hai Corintô chương 4, câu 7 và các câu tiếp theo như sau: “Thiên Chúa làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên dung mạo Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, gian nan nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi”.

Chúa Giêsu đã nói “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Như vậy, con người tồn tại được là bởi Thần Khí. Lời Chúa hôm nay mời gọi người tín hữu: đã sống nhờ Thần Khí thì phải sinh hoa trái trong Thần Khí. Thánh Phaolô đã nói “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Vậy, ai sống được những điều này là đang sống trong Thần Khí của Đức Kitô.
Đời sống Ki-tô hữu lữ hành là chu toàn bổn phận trần thế. Tuy nhiên, thánh Phaolô cũng khuyên nhủ người tín hữu, rằng đừng quá chú tâm  đến những gì thuộc thế gian mà bỏ qua khát vọng Nước Trời. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu Kitô. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.

Back To Top