Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sống Niềm Tin
9.8 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Tám Mùa Quanh Năm
Ds 13:1-2,25; Ds 14:1,26-29,34-35; Tv 106:6-7,13-14,21-22,23; Mt 15:21-28
Sống Niềm Tin
Người đàn bà ngoại giáo, có đứa con đau yếu đã đến tìm gặp Chúa Giêsu. Lần thứ nhất bà kêu xin, nhưng Ngài đã thinh lặng khiến các môn đệ phải lên tiếng can thiệp. Lần thứ hai bà kêu xin, thì bị Chúa Giêsu trả lời: Đừng lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Thế nhưng bà vẫn không mất lòng cậy trông khi thưa cùng Chúa: Lạy Thầy, nếu như vậy thì con chó cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống chứ. Cuối cùng Chúa Giêsu đã phải ca ngợi niềm tin của bà và đã làm phép lạ cho con bà được khỏe mạnh.
Từ câu chuyện này chúng ta rút ra được một bài học, một thái độ sống giữa những khổ đau và bất hạnh, giữa những gian nguy và thử thách chúng ta gặp phải giữa lòng cuộc đời. Như chúng ta đã biết: đau khổ và thử thách là như một cái gì gắn liền với thân phận con người: thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười khì. Giáo lý nhà Phật đã gọi đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.
Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: “Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta”. Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa”.
Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.
Hai lần Chúa Giêsu dự định không làm phép lạ, nhưng rồi Ngài đã thay đổi ý định vì niềm tin và lời khẩn khoản của người xin. Một lần do lời cầu xin của Đức Maria tại tiệc cưới Cana, và lần khác trong bài Tin Mừng hôm nay. Cũng như người đàn bà xứ Canaan, ta không xứng đáng để Chúa ban ơn, cũng chẳng có quyền đòi Ngài làm phép lạ. Điều ta có thể làm và phải làm, là tuyệt đối tin tưởng vào Chúa, xác tín tình thương của Ngài, và đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài. Chắc chắn ánh mắt Chúa rạng rỡ niềm vui khi thấy quyết tâm sắt đá, niềm hy vọng tha thiết, cũng như tinh thần lạc quan tin tưởng của người đàn bà ngoại giáo này.
Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng ta, những người luôn tin tưởng và cậy trông vào Chúa thì những khổ đau chúng ta chịu sẽ không kéo dài quá thời gian cuộc sống chúng ta. Chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ chấm dứt. Người giầu và kẻ nghèo rồi thì cũng phải chết, cũng như ông phú hộ và người ăn xin tên là Lagiarô. Thế nhưng sau cái chết là cuộc sống đời đời, là tương lai vĩnh cửu sẽ mở ra cho chúng ta tùy theo như những việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này.
Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách. Điều này được thể hiện bằng thái độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị em của mình, là con cái của Chúa Cha trên trời. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”.
Đối với những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, đoạn 5, Công Đồng Vatican II đã nói: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình, có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”.
Lòng tin của bà còn mạnh mẽ vì nỗi đau của con chính là nỗi đau của bà, nên bà xin Thầy dủ lòng thương “tôi”, van xin cho chính bà. Lúc Thầy ra như làm ngơ, thì các môn đệ lên tiếng làm Thầy lưu tâm giải quyết vấn đề. Ước gì ngày nay chúng con cũng trở thành cầu nối kết, để Chúa thực hiện những ơn lành cho người khác cần được quan tâm và nâng đỡ. Lúc đó mọi khó khăn được giải gỡ an ổn tốt đẹp, khi có động lực kéo ơn Chúa xuống trên con người.
Có lẽ Đức Giêsu muốn cho các môn đệ thấy lòng tin đáng nể nơi người ngoại và hiểu tình yêu thương đại đồng của Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người, kể cả dân ngoại mà họ đang muốn loại trừ. Dọc dài theo Tin Mừng, ta thấy Người vẫn luôn yêu thương thi ân, chúc lành, đề cao, khen ngợi những người ngoại.