skip to Main Content

Sống lòng tin

15.7
Thánh Bonaventure, Gmtsht

St 49:29-33; Tv 105:1-2,3-4,6-7; Mt 10:24-33

Sống lòng tin

Thánh Bônaventura sinh năm 1221 tại Tuscany, nước Ý.  Lúc bé, sức khỏe Bônaventura rất yếu ớt, chào đời với nhiều thứ bệnh nan y.  Chính Bônaventura kể rằng chính thánh Phanxicô Assis đã cứu sống mình khi mẹ ngài đến xin các tu sĩ dòng Phanxicô khấn cho cậu bé khỏi bệnh.  Để bù lại thân xác suy nhược, Thiên Chúa đã ban cho Bônaventura một người mẹ giàu tình thương và một đức tin vững mạnh… Đời sống thánh thiện của bà đã đào tạo cho Bônaventura nhiều đức tính tốt đẹp cần thiết cho đời sống hoạt động tông đồ sau này.

Mộ mến tư tưởng phan sinh từ thời niên thiếu, năm 1243, Bônaventura xin vào dòng Phanxicô, rồi đi du học tại Đại học Paris (Pháp).  Bônaventura đã rất gắn bó với thánh Phanxicô Assisi, Đấng sáng lập dòng Phanxicô, lúc đó vẫn còn sống.  Sau đó Bônaventura trở thành giáo sư đại học Paris và tác giả danh tiếng chuyên nghiên cứu về thần học.  Bônaventura rất yêu mến Thiên Chúa đến nỗi ngài đã được tôn tặng danh hiệu “Tiến sĩ Đệ nhất phẩm Thiên Thần” hay gọi tắt là “Tiến sĩ Luyến Thần.”

Một trong các người bạn danh tiếng của Bônaventura là thánh Tôma Aquinô (lễ kính ngày 28/1).  Lần nọ, Tôma Aquinô hỏi Bônaventura tại sao lại viết được những ý tưởng thần học cao siêu như thế. Bônaventura liền dẫn người bạn của mình tới bàn làm việc.  Thánh nhân chỉ vào cây Thánh Giá lớn đặt ở trên bàn và nói với Tôma:  “Chính Người đã nói cho tôi biết mọi sự.  Người là Thầy dạy duy nhất của tôi!”  Lần khác, khi viết tiểu sử của thánh tổ phụ Phanxicô Assisi, Bônaventura tỏa ra đầy lửa nhiệt tình đến nỗi Tôma phải thốt lên: “Chúng ta hãy để cho một vị Thánh ghi chép về một vị Thánh!” Thánh Bônaventura vẫn luôn sống khiêm nhường ngay cả khi các tác phẩm ngài viết làm ngài nổi tiếng.

Năm 1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế Ngài phải đối diện rất là phức tạp.  Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm.  Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng.  Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân.  Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài.  Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Âu Châu, trước mặt vua Luy IX, Đức giáo hoàng.  Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả.  Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài: “Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng.  Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được?”  Bonaventuratrả lời: “Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.”  Thầy dòng hỏi tiếp: “Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không?”  Thánh nhân trả lời: “Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.”  Thầy dòng vui vẻ la lớn:  “Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.”  Ngài còn tiếp: “Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.”

Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy.  Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh.  Chúng ta có thể kể đến cuốn “chú giải luật dòng Phanxicô”, “hạnh tích thánh Phanxicô” nhất là cuốn “hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa.”  Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn.  Người ta kể rằng: Đức giáo hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể.  Khi hai vị vào yết kiến đức giáo hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.

Năm 1265, Đức Thánh Cha Clêmentê IV muốn đề cử Bônaventura giữ chức Tổng Giám mục. Bônaventura khiêm tốn từ chối.   Đức Thánh Cha tôn trọng quyết định của Bônaventura.  Đến năm 1273, Đức Chân phước Giáo Hoàng Grêgôriô X đặt Bônaventura lên chức Hồng y.  Đức Thánh Cha gởi hai sứ giả thuộc giáo triều tới gặp Bônaventura.  Đến nơi, các vị gặp thấy Thánh nhân đang làm việc với những chiếc chậu rửa lớn.  Hôm đó là tới phiên Thánh nhân lau chùi xoong chảo.  Hai sứ giả của giáo triều Rôma kiên nhẫn đợi Bônaventura rửa xong chiếc nồi cuối cùng.  Rồi sau khi Bônaventura rửa sạch và lau khô tay, họ long trọng trao cho ngài một chiếc mũ đỏ lớn, tượng trưng cho chức vụ mới của ngài: Hồng y-Tổng Giám mục Giáo phận Albanô.

Hồng y Bônaventura đã giúp đỡ rất nhiều cho Đức Thánh Cha, là người đã triệu tập Công đồng Lyôn năm 1274.  Thánh Tôma Aquinô mất khi đang trên đường tới dự Công đồng, còn thánh Bônaventura thì đã tham dự và đóng góp rất lớn cho Công đồng.  Tuy nhiên, thánh nhân cũng qua đời cách đột ngột vào ngày 14/7/1274, lúc được 53 tuổi.  Đức Thánh Cha hiện diện ngay bên giường của Thánh Bônaventura lúc ngài về trời.  Năm 1482, Đức Thánh Cha Sixtô IV đã tôn phong Bônaventura lên bậc Hiển thánh.  Đến năm 1588, Đức Thánh Cha Sixtô V tôn tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.

Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (3 lần ở những câu 26, 28 và 31), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người : « Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa : «Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục».

Và nhất là người môn đệ đươc mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người : « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ». Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người :
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 4-5)

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?

“Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”. Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

 

Back To Top