skip to Main Content

Sóng gió cuộc đời

28.1 Thứ Bảy

Thánh Tôma Aquinas, Lmts

Dt 11:1-2,8-19; Lc 1:69-70,71-72,73-75; Mc 4:35-41

Sóng gió cuộc đời

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinas là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.

Lúc năm tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.

Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là “Tiến Sĩ Thiên Thần.”

Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là “bò câm”, vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.

Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.

Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.

Tập “Summa Theologica” là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời, “Tôi không thể tiếp tục… Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải.” Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.

Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Ðức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.

Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Chúa Giêsu. Các môn đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề nghị. Đức Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.

Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.

Lời Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Chúa Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Chúa Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.

Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.

 

Back To Top