Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
SỐNG CHỨNG NHÂN NHƯ THÁNH ANTON
13.6 Thánh Antôn đệ Padua, Lmts
1 V 18:41-46; Tv 65:10,10-11,12-13; Mt 5:20-26
SỐNG CHỨNG NHÂN NHƯ THÁNH ANTON
Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta mừng lễ Thánh Antôn Pađua. Tên thật của Ngài là Fernando. Ngài sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 tại Lisbone thủ đô nước Bồ Đào Nha. Cha mẹ của Ngài là ông Martinô và bà Maria rất đạo đức. Tròn 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng Thánh Augustinô và chịu chức linh mục ở đây. Tròn 25 tuổi, Ngài đổi sang dòng Thánh Phanxicô năm 1220. Ngài được sai đi truyền giáo ở Marrốc và ước ao được phúc tử đạo. Sau này, Ngài đi rao giảng khắp miền Tây nước Ý và miền Nam nước Pháp. Ngài qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, lúc mới tròn 36 tuổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X phong thánh vào ngày 30 tháng 5 năm 1232. Vào năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Mặc dầu Ngài là người Bồ Đào Nha nhưng lại rất được người Việt Nam yêu mến. Vấn đề đặt ra là tại sao Thánh Antôn lại thu hút mọi người như vậy? Có người cho rằng vì Ngài hay làm phép lạ (Nói đúng hơn, nhờ lời chuyển cầu của Ngài nên Chúa làm nhiều phép lạ). Đúng, nhưng vì sao Ngài lại làm phép lạ? Kinh Ông Thánh Antôn cho chúng ta biết rằng: “Để thông ơn phúc cho cả và thiên hạ, xưa ở đời này đầy lửa kính mến Chúa, hằng ước ao cho danh cha cả sáng, cùng ái mộ phần rỗi nhân loại, nên đã làm phép lạ cứu giúp muôn vàn người khỏi tai nạn phần hồn phần xác”
Như vậy, lý do Thánh Antôn hay làm phép lạ đã rõ ràng: thứ nhất, để làm vinh danh Chúa; thứ hai, để cứu giúp con người phần hồn phần xác. Ngài không những cứu giúp những việc lớn lao, mà Ngài còn cứu giúp cả những việc nhỏ nhặt hằng ngày: “Hễ ai túng rỗi chạy đến cầu xin Người, bất luận việc lớn bé thế nào, liền được ơn Người cứu giúp” (Lời kinh khẳng định)
Thông thường các thánh hay làm phép lạ khi đã qua đời, còn Thánh Antôn không những làm phép lạ khi đã qua đời mà Ngài còn làm phép lạ ngay cả khi còn sống.
Chuyện kể, khi còn niên thiếu: “Một ngày mùa hè, cha Ngài sai Ngài canh giữ ruộng lúa mì khỏi chim phá. Bỗng Antôn nhớ lại đã đến giờ đọc kinh tại nhà thờ mà Ngài không bao giờ bỏ. Ngài liền gọi bầy chim sẻ lại và nhốt vào một cái lều lộ thiên, cấm không được bay ra phá lúa. Rồi Ngài an tâm đi nhà thờ. Lúc trở về Ngài thấy bầy chim sẻ vẫn ở trong lều và đồng lúa vẫn an toàn.”
Lần khác, “Antôn đang thinh lặng cầu nguyện ở nhà thờ chìm trong bóng tối, Ngài cảm thấy bị cám dỗ mãnh liệt. Không hề chần chừ, Ngài lấy ngón tay cái vẽ dấu Thánh giá trên bậc bàn thờ, Thánh giá in sâu vào đá hoa. Thấy dấu này, quỷ trốn biệt và cơn cám dỗ tiêu tan.”
Trong thời gian giảng thuyết, Ngài cũng làm rất nhiều phép lạ, chẳng hạn như: Phép lạ cá nghe giảng; ngựa đói chê cỏ để thờ lạy Thánh Thể; uống thuốc độc mà không hề hấn gì, ly vỡ lại lành…
Khi Ngài qua đời, tự nhiên các đoàn trẻ la hét “cha chúng tôi đã qua đời,” mặc dầu họ không biết cái chết của Thánh Antôn. Trong cuốn Assidua, đã thuật lại nhiều phép lạ của thánh Antôn, nhất là ngay khi Ngài mới qua đời, cuốn sách viết: “Chỉ chạm tới mộ Ngài, bệnh nhân liền vui sướng cảm thấy mọi bệnh tật tan biến. Những ai không tới gần mộ được, thì lúc trở về ngang nhà nguyện cũng được chữa lành bệnh. Nơi đó, nhiều người điếc được nghe, mù được thấy, què được nhảy nhót như dê con; cũng nơi đó lưỡi nhiều người câm được mở ra, cất tiếng ca ngợi Chúa. Chi thể tê liệt được hồi phục, đi lại bình thường. Những chứng bệnh như còng lưng, thống phong, sốt rét cũng như tất cả các bệnh khác đều được chữa lành cách lạ lùng. Tóm lại, từ nhiều nơi trên trần gian đến đây, người ta đều xin được như ý mong ước.”
Đặc biệt trong ngày lễ phong thánh, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, thế mà dân chúng tuôn ra đường phố vừa ca hát, vừa nhảy múa, chuông trong thị trấn bắt đầu rung vang, dầu không ai động tới, và tất cả mọi người đều hoan hỷ vui sướng như ngày lễ hội. Ít hôm sau, một vài anh em từ Ý tới loan tin chính là hôm đó Antôn được phong thánh.
Tính từ khi thánh nhân qua đời cho tới khi phong thánh có 47 phép lạ được Giáo Hội công nhận. Từ đó tới nay, thánh Antôn vẫn làm phép lạ đây đó trên thế giới. Có người được khỏi bệnh, có người tìm được của cải đã mất, có người thi cử đỗ đạt, nhiều người được ơn ăn năn trở lại qua Bí tích Giao hòa…Chứng tỏ Chúa vẫn nhận lời Thánh Antôn. Nhưng cũng có người phàn nàn là xin mãi mà chẳng được?
Thánh Giacôbê trả lời rằng: “Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4, 2-3). Còn Thánh Augustinô thì nói: xin không được là do tâm hồn không tốt; hoặc do cách cầu nguyện xấu; cũng có thể là do xin điều xấu nên không được Chúa nhận lời. Vì thế, nhiều khi chúng ta cũng phải xem xét nội dung và cách cầu nguyện của chúng ta.
Trở về với trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa kiện toàn Lề Luật để phù hợp với Nước Trời. Và môn đệ phải sống theo luật mới để công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu.
Luật cũ đòi buộc bên ngoài. Luật mới đòi buộc trong tâm hồn. Luật cũ cấm ghen ghét. Luật mới đòi yêu thương. Không chỉ cấm giết người. Mà còn cấm cả ghen ghét. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người…Còn Thầy, Thầy báo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Không những không được giận anh em. Mà còn không được để cho anh em bất bình với mình. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Luật mới là luật yêu thương. Yêu thương không phải ở bề mặt. Mà phải từ đáy sâu tâm hồn. Như thế mới đẹp lòng Chúa. Là của lễ xứng đáng dâng Chúa. Mới công chính hơn kinh sư.
Đó là không còn sống theo xác thịt. Nhưng theo Thần Khí. Ê-li-a là người sống theo Thần Khí. Ông không để lòng giận ghét ai. Dù ông bị vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven làm hại. Ông chỉ làm theo lệnh Chúa. Xong việc rồi ông lại đối xử tốt với vua A-kháp. Khi Chúa tha tội, ban mưa xuống đất Do thái, Ê-li-a đã chăm sóc cho vua. Lo cho vua ăn uống cho kịp chạy mưa. Và khi mưa xuống ông chạy trước xe để tháp tùng vua theo đúng nghi lễ quân thần. “Vua A-kháp cỡi xe đi Gít-rơ-en. Tay Đức Chúa đặt trên ông Ê-li-a; ông thắt lưng và chạy trước vua A-kháp cho tới lúc vào Gít-rơ-en”. Đó quả là con người sống theo Thần Khí.
Mừng lễ Thánh Antôn hôm nay, chúng ta không chỉ nhờ ngài xin ơn, mà còn phải học nhân đức của Ngài như: khiêm nhường; thăng tiến trên đường nhân đức; siêng năng đọc, suy gẫm và truyền đạt Lời Chúa; mến Chúa và yêu người. Trong lời nguyện nhập lễ hôm nay cho chúng ta biết: Ngài không những là nhà giảng thuyết lừng danh mà còn là người cứu giúp những ai nghèo khổ.
Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công như hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Thánh Antôn làm cho chúng ta trở thành những Antôn của thời đại, để đem yêu thương xóa tan bất công, nghèo khó, yêu người không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể, yêu người không chỉ yêu phần xác mà còn yêu cả phần hồn nữa, hầu nhờ đó xã hội này ngày một tốt đẹp hơn