skip to Main Content

Say – tỉnh

22.10 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Ep 2:12-22; Tv 85:9-10,11-12,13-14; Lc 12:35-38

Say – tỉnh

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.

Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa (tk. 5 TCN – 221 TCN), xã hội loạn lạc,  đất nước chia năm xẻ bảy, vua chúa tranh giành quyền lực thâu tóm giang sơn. Khuất Nguyên – một danh sĩ của nước Sở lúc bấy giờ – thấy thế sự đảo điên đã ta thán qua bài phú Hoài Sa rằng: “Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” (Cả đời đều đục (hỗn trọc), mình ta trong, mọi người đều say cả, mình ta tỉnh)

Hôm nay Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su cũng đã nói với các môn đệ rằng: hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn; hãy tỉnh thức và canh chờ cửa để khi chủ đi ăn cưới về thì mở cửa ngay cho chủ. Thật là phúc cho những đầy tớ nào đang tỉnh thức ! (x. Lc. 12,35-38)

Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng.

Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Chúa nhắc đi nhắc lại: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” Nếu canh hai hoặc canh ba, biết chắc giờ nào thì Chúa đến? chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con còn được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.

Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống tỉnh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ?

Tỉnh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và ban thưởng quá lòng ước mong: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

Chủ đi rồi chủ lại về. Nhưng tiếc là, giờ chủ về thì chủ lại không lên lịch rõ ràng cho gia nhân, nên không ai dám biết. Có chăng cũng chỉ đoán mò mà thôi. Có người bị tai nạn nặng, bị bệnh viện trả về. Có người đến thăm, nói “anh này chết chắc! Không sống quá 48 tiếng nữa”. Một tuần sau, người thăm bệnh lăn ra chết vì tai biến, còn người bị tai nạn kia thì sau 36 ngày đêm hôn mê mới chịu ra đi! Chủ về đón người đang khỏe, hay đón người đang bệnh, đang già hay đang còn trẻ, không ai dám biết, việc ấy là của chủ. Bởi vậy mới co chuyện “trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi”.

Chúa Giê-su yêu thương và luôn khao khát chúng ta được phần rỗi đời đời, Người đã nói: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ”. Cái chết của người này là lời cảnh tỉnh cho người kia về một sự thật có vẻ quá phủ phàng, nhưng thực ra, đó là sự thật giá trị. Biết bất ngờ mình sẽ chết, mà vẫn còn tham lam mê muội, huống chi là không có sự chết! Biết bất ngờ mình sẽ chết,  mà  vẫn   còn   chưa  muốn  sống   công   chính,  chưa  chịu chuẩn bị cho cái chết và sự sống đời sau.. thì có phải là mình quá liều lĩnh đấy không?

Chiêu bài tinh vi của ma quỷ cố làm cho con người mất sự sống đời đời, là nó đưa con người ta vào một cõi ảo: “Em chưa chết đâu em! Em hãy còn quá trẻ trung xinh đẹp” “Ông chưa chết đâu ông, đông trùng hạ thảo giúp ông trăm năm sung mãn”. “Còn khỏe lắm, bà chưa chết đâu”. Hãy tỉnh thức đón Chúa đến. Tỉnh thức là yêu mến Chúa trên hết mọi sự thế gian này.

Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, giàu sang thời nay luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ngủ ru mọi người ưa thích sự hưởng thụ, chuộng sự nhàn nhã, ham mê tiệc tùng, giải trí, vui chơi… làm cho con người ta lơ là không đủ tỉnh táo và đề phòng nên dễ sa ngã vào vòng xoáy danh – lợi -thú.

Thế mới biết, cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế nhưng con người ta đa phần lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ nó nhưng lại ít chú tâm đến sự sống đời sau, thậm chí còn coi sự sống đời sau chỉ là thứ yếu.

Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Cái phúc dành cho những ai tỉnh thức chờ đợi Con Người đến được Đức Giêsu ví von như hình ảnh “đầy tớ được ông chủ thắt lưng, đưa vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Thật là kỳ diệu, từ phận vị người đầy tớ giờ trở nên như một ông chủ để được phục vụ. Trong viễn tượng cánh chung, người tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến sẽ được hưởng phúc Thiên Đàng, tức là diễm phúc của những con người tự do hoàn toàn khỏi mọi gông cùm của nô lệ tội lỗi và sự chết.

Tính bất chợt và bất ngờ của cuộc quang lâm của Con Người làm nên tính khẩn thiết và hệ trọng trong hành động sẵn sàng và tỉnh thức của người sống đạo. Làm sao để vui thú trần gian, cám dỗ của ma quỷ, khốn khổ đau thương của phận người không làm chúng ta quên đi cái phúc Chúa hứa dành tặng những ai tỉnh thức chờ đợi Chúa, không quên đi cuộc canh tân và hoán cải để sống theo tinh thần Tin Mừng.

Trong sự lo toan, bộn bề, và bao gánh nặng bổn phận và sứ vụ, những niềm vui đến bất ngờ mang lại kinh nghiệm hạnh phúc và chan chứa hy vọng nơi cuộc đời, nơi con người, và trong Thiên Chúa. Vì thế, để niềm hạnh phúc Nước Trời mở ngỏ cho những đợi chờ mong ngóng, là hành trang dấn bước trên đường công chính. Gần gũi hơn, những kinh nghiệm an ủi của Chúa trong cầu nguyện, việc nhận ra Chúa can thiệp diệu kỳ trong cuộc đời, sẽ khiến chúng ta thức tỉnh và biết chiến đấu với cám dỗ. Dẫu vậy, sẽ là vô vọng nếu trong cuộc chiến ấy không có sự tham gia của chính Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay kêu gọi các Ki-tô hữu hãy tỉnh thức, chuẩn bị cho sự sống đời sau bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết của mỗi người.

 

Back To Top