Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sám hối
12.4 Thứ Ba Tuần Thánh
Is 49:1-6; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Ga 13:21-33,36-38
Sám hối
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng chú ý:
Chúa Giêsu cố gắng đánh thức lương tâm của Giuđa: Ngài nói rằng Ngài đã biết kẻ đang mưu phản Ngài, Giuđa nghe nhưng không xao xuyến, Ngài thân ái chấm miếng bánh trao cho hắn, hắn nhận lấy một cách dửng dưng; Ngài bảo hắn muốn làm gì thì hãy làm đi, hắn dựa vào câu nói đó để ra đi thực hiện âm mưu đen tối của mình.
Giây phút Giuđa đi ra là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn của Chúa Cha.
Chúa Giêsu báo trước việc Phêrô chối Thầy. Phê rôi nói rất hăng: “Con liều mạng sống con vì Thầy”. Nhưng lời nói của ông không đi đôi với việc làm “Con liều mạng sống vì Thầy ư ? Thầy nói thật cho con biết trước: Trước khi gà gáy, con đã chối Thầy 3 lần”.
Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn của Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt vào trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (Cv5,41). Nếu ta không lấy làn vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.
Chúa Giêsu ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ lần sau hết, quen gọi là bữa Tiệc Ly. Bài Tin mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết: có một người sẽ phản bội, sẽ nộp Ngài. Ngay cả đến lúc đó, nghĩa là sau thời gian gần ba năm huấn luyện các môn đệ, Chúa Giêsu còn gặp phải một Giuđa phản bội Ngài và một Phêrô tự phụ đến chối Ngài. Thật không gì đau buồn cho Chúa Giêsu hơn là khi nhìn thấy kẻ Ngài đã chọn lại phản bội Ngài. Ngài nhìn thấy Giuđa rời bàn tiệc để đi vào đêm tối, đi vào con đường từ chối tình yêu của Ngài. Ngài nhìn thấy và báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Ngài ba lần.
Cũng như Phêrô, tôi rất dễ nói những lời hăng hái bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Thí dụ lúc cầu nguyện, trong những cuộc tĩnh tâm…Nhưng thực tế là tôi đã chối Chúa không chỉ 3 lần.
Chúng ta thấy ông luôn là con người hăng say, rất tình cảm. Khi nghe Chúa báo trước về cái chết của Ngài, ông thề sẵn sàng chết với Ngài. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻ có tội. . . Chính Phêrô nhanh nhảu muốn tìm ra kẻ tội đồ, nhưng cũng chính ông tuy không phải là kẻ bán Thầy lại là kẻ chối Thầy, bỏ trốn. . . như lời Chúa đã cảnh báo. Nhưng có cái hay là khi ông được Chúa nhìn ông, tức thì ông đã nhìn ra cái tội chối Chúa của ông, và ông đã ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết.
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi vào tâm tư của Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước Cuộc Thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các môn đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa.
Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh. Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.
Bước theo Chúa Giê-su là chấp nhận bước đi trên con đường của Ngài; dõi bước chân mình theo vết chân Người – là chấp nhận uống chén đắng với Người; chấp nhận nhục hình và hiến thân mình vì anh em. Nhưng cảm thông với thân phận con người, Đức Giê-su vẫn chấp nhận tiến trình chậm chạp của chúng ta, như Người đã nói với Phê-rô: “Nơi Thầy đi, anh không thể theo đến được, nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (c. 36) Có thể chúng ta cũng sẽ nói rất hay như Phê-rô: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (c.37).
Tuy nhiên Chúa Giê-su biết rõ thiện chí và cũng biết rõ con người chúng ta là thế nào: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần. (c.38). Mỗi người chúng ta có thể nhìn lại hành trình theo Đức Ki-tô của mình; cũng như Phê-rô, chúng ta nói hay, tuyên bố hùng hồn, quyết tâm chắc chắn, nhưng khi gặp thử thách, bách hại chúng ta buông ‘vũ khí’ chuồn lẹ để ‘bảo vệ lấy thân’; hoặc chối Chúa bằng cuộc sống phản chứng của mình. Nhưng nếu có như thế, chúng ta cũng đừng bao giờ tuyệt vọng thôi tin vào tình yêu Thiên Chúa. Trái lại, chiêm ngắm tình yêu nhân từ, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sám hối và canh tân cuộc sống của mình cho phù hợp với đường lối Tin mừng của Thiên Chúa mà Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy chúng ta.
Chúng ta thấy sự yếu đuối là đặc tính của con người, của Giuđa, của Phêrô. . . nhưng cách hành xử của mỗi người mỗi khác sau khi đã phạm tội. Giuđa đã tuyệt vọng đi thắt cổ chết. Còn ông Phêrô? Cái làm cho Chúa thương Phêrô không phải là sự hăng hái của ông, nhưng có lẽ là sự thống hối của ông. Sau khi đã chối Thầy, Phêrô đã ăn năn khóc lóc về sự hèn yếu của mình, có thể nói đó cũng là một hình thức phản bội.
Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy, Chúa không bao giờ chấp tội lỗi yếu đuối của chúng ta, nhưng cái mà Chúa chờ đợi ở chúng ta là lòng ăn năn sám hối.