skip to Main Content

Sám hối

20.3 Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay

Xh 3:1-8,13-15; Tv 103:1-2,3-4,6-7,8-11; 1 Cr 10:1-6,10-12; Lc 13:1-9

Sám hối

Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, một nghi thức thật cụ thể để diễn tả một trong những mục tiêu của Mùa Chay, đó là sám hối và trở về. Trong tâm tình đó, hôm nay vào giữa Mùa Chay, một lần nữa, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa để can đảm đứng dậy, sám hối về tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta trong cuộc sống.

Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những kẻ tội lỗi mà nhắm đến mọi người không trừ ai. Thế nhưng có người sẽ thắc mắc: người tốt cũng cần phải sám hối sao?

Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin Mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trai vả thì đâu còn là cây vả nữa.

Các kitô hữu ít khi tự đặt cho mình câu hỏi này: Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy “sinh trái” bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhắm đến mọi người

Cũng như mọi ngôn sứ trong Kinh Thánh, Đức Giêsu trước tiên là một nhà giảng đạo, không phải là người dạy luân lý dưới hình thức những bài học xã hội. Kiểu nói của Đức Giêsu, mang tính ngăn đe đáng sợ: “Các ông sẽ chết hết, nếu các ông không thay đổi”. Đức Giêsu chấp nhận tâm lý chung sao? (đau khổ là sự trừng phạt) mà Người vừa mới phủ nhận? Chắc không phải như vậy? Rõ ràng Đức Giêsu không nói về cái chết thể lý mà những người biểu tình bị tàn sát hay những nạn nhân do tháp đổ đã chết. Đức Gíêsu không không điên hay ngây ngô. Người quá biết người công chính cương: phải chết, Chính Người cũng phải lên thành Giêrusalem, để bị Philatô giết hại.

Thiên Chúa còn kiên nhẫn đối với dân Israel, mỗi khi họ gặp sức ép của Pharaon, họ đã kêu rên, than trách Maisen và cả Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã cho Pharaon càng tăng sức ép thì dân càng mong sớm được giải phóng trở về quê hương. Khi dân biết nghe lời Maisen ra khỏi Ai Cập thì Thiên Chúa càng thương yêu cứu chữa họ và ban cho bao nhiêu đặc biệt như: đi dưới ánh sáng soi đường ban đêm, đám mây che mát ban ngày, vượt qua biển đỏ bình an, ăn thức ăn linh thiêng, uống nước linh thiêng chảy từ tảng đá.

Thế mà phần đông họ đã không biết ơn Thiên Chúa, lại còn chống đối, phản loạn, không cần Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bỏ mặc họ và họ đã chết, xác họ ngổn ngang trong sa mạc. Thánh Phaolô đã lấy bài học đó để răn dạy giáo đoàn Corintô và chúng ta. Chúng ta phải lo sám hối đừng tưởng mình vô tội, đừng tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo sa ngã). Sa ngã và chết đời đời là vấn đề nguy khốn nhất. Lời Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hôm nay: “Nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng phải chết hết y như vậy”, không phải chỉ chết đời này mà còn chết đời đời

Nhưng Đức Giêsu, khi có ý đặt mình trên một bình diện khác với bình diện con người: Bình diện chính trị, luân lý hay xã hội, Người muốn mạc khải một chân- lý tôn giáo. Người khẳng định có một cái chết khác, một sự hư mất đời đời, mà không ai nghĩ đến và Người không ngừng nhắc đến. “Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết hết”: Không phải cái chết sinh lý mà các bạn nhận thấy hằng ngày chung quanh mình, mà là cái chết khác có tính nhiệm mầu do tội lỗi gây ra. Đức Giêsu không mời gọi chúng ta “khám phá”: Thực sự chúng ta không có cách nào để kiểm chứng theo lý trí, với mức độ phân tách của con người, những điều Chúa nói. Đó thật là một “mạc khải”, một vấn đề đức tin.

Đức Giêsu mạc khải cho ta biết mọi người đều có tội, và được ban cho cơ hội hoán cải.

Làm thế nào giải thích rằng Chúa Giê-su vừa mới từ chối ý tưởng theo đó có những mối liên hệ trực tiếp giữa tai họa và tội lỗi, lại ngay tức khắc đe dọa thính giả của Ngài về tội lỗi? Viễn cảnh chung của các chương 12 và 13 này là viễn cảnh của ngày chung thẩm: phải sám hối nếu muốn thoát khỏi án phạt. Thế nên, người ta nghĩ rằng cái chết thảm hại mà Chúa Giê-su cảnh giác những người đối thoại của Ngài, thì thuộc trật tự tinh thần: mất sự sống trong Nước Trời.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nhiều lần nghĩ đến dân của Ngài, đa số trong họ đã không thể nhận ra Ngài; Ngài than trách thành thánh Giê-ru-sa-lem vì “đã giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với họ” (Lc 13: 34). Trong lời kêu gọi khẩn thiết hãy sám hối trước khi đã quá muộn, không phải chúng ta cũng được mời gọi gẫm suy lời cảnh báo của Chúa Giê-su về sự sụp đổ thành thánh Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sao? “Nếu các ngươi không chịu hối cải, tất cả các ngươi sẽ bị chết y như vậy”.

Chúng ta biết các thói hư tật xấu giống cỏ dại, nơi đâu cũng có thể mọc lên mà không cần vun tưới. Cỏ dại nơi lòng người cũng cứ tự nhiên phát triển. Điều tốt mình muốn nhưng lại không làm. Bản năng con người có cảm tình với các tật xấu, tội lỗi và hướng chiều về sự dữ. Tội lỗi có một ma lực kéo lôi và quyến rũ. Nếu chúng ta không cẩn thận ngăn ngừa và cắt bứng ngay. Khi hạt giống sự dữ được gieo vào lòng thì lớn lên nhanh. Thói quen xấu lâu ngày trở thành tật bệnh. Sự sám hối là nhận biết chính mình để phục hồi sự tốt lành thánh thiện. Bài phúc âm nhắc nhớ câu truyện của mấy người Galilêa bị ngược đãi, bị ghép tội và bị giết. Chúa Giêsu nhắn nhủ mọi người: Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy (Lc 13, 3). Chưa chắc những người này là những người tội lỗi. Mùa chay, mỗi người chúng ta hãy tự xét chính mình trước mặt Chúa.

Mùa Chay là cơ may Chúa ban cho để chúng ta hối cải như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô :”Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2Cr 6,2b). Ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thời gian gia hạn Chúa ban do lòng thương xót của Ngài. Sau khi cánh cửa thời gian khép lại, chúng ta sẽ không còn cơ hội để hối cải và sinh hoa kết quả nữa.

 

Back To Top