skip to Main Content

Phục vụ hết lòng

21.2 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm

Hc 2:1-11; Tv 37:3-4,18-19,27-28,39-40; Mc 9:30-37

Phục vụ hết lòng

Con người ở trần gian, ai cũng muốn có địa vị, có chỗ đứng, có chỗ ngồi danh giá trong xã hội. Do đó, người ta tranh nhau từng chút một, miễn sao có một việc làm, một chỗ xứng hợp với con người của mình như thế là họ cảm thấy an vui. Ngay Nhóm Mười Hai tông đồ Chúa Giêsu tuyển chọn cách riêng cũng có tranh chấp bởi vì các ngài còn ham danh, ham địa vị “Ai sẽ làm lớn làm bé” trong khi Đức Giêsu đang nghĩ tới con đường khổ nạn của mình theo ý Thiên Chúa Cha.

Thực tế, các Tông đồ khi đi theo Chúa Giêsu, các ngài chưa hiểu gì về việc phục vụ mà Chúa muốn các ngài thể hiện. Bởi vì, gần ba năm, sống bên cạnh Chúa, được Chúa uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục, các tông đồ vẫn chưa nhận ra đường lối của Chúa. Phêrô tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa. Điều này quả thực làm Chúa rất hài lòng nhưng nói cho cùng Phêrô chỉ có thể nói lên điều ấy vì chính Thiên Chúa Cha đã mặc khải cho ông.

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ và Chúa Giêsu đi băng qua Galilê, Người đang dạy các môn đệ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Đây là lời loan báo về con đường thống khổ của Chúa. Các môn đệ không hiểu gì, nhưng các ngài không dám hỏi lại Chúa. Các môn đệ chưa ra khỏi sự suy nghĩ, chưa ra khỏi con đường của mình.

Dọc đường dù Chúa Giêsu đang nghĩ tới việc trọng đại là cứu độ nhân loại, giải thoát con người, các môn đệ vẫn tranh luận hay nói cách nôm na, các ngài cãi nhau xem ai làm lớn làm bé trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Các ngài hoàn toàn có não trạng trần gian, suy tính theo kiểu người đời.

Thấy thế, Chúa Giêsu không nản chí, vẫn tiếp tục huấn luyện, đào tạo, dạy dỗ các ông. Ngài hiểu biết công việc của Ngài là Ngài cứ gieo còn Chúa Thánh Thần mới làm lớn lên và làm cho các ông hiểu lời Ngài (Ga 14, 26 ). Chúa rất tế nhị, tinh tế trong việc im lặng. Ngài đợi đến khi về tới nhà, về tới nơi nghỉ ngơi, Ngài mới hỏi các ông, làm như Ngài không hề biết gì về câu chuyện các ông tranh cãi trong khi đi đường.

Tin Mừng viết các ông làm thinh. Chúa Giêsu tôn trọng giây phút im lặng của các ông. Ngài tôn trọng sự thinh lặng của các ông. Vì đó là những giây phút cần thiết để các ông quay lại với lòng mình với bao tham vọng, thèm khát danh vọng làm lớn làm bé trong “nội các” của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngồi xuống một cách thanh thản như một vị quân sư, một vị lãnh đạo, một vị thầy. Ngài không khiển trách các ông, nhưng ôn tồn gọi các ông lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).

Đức Giêsu dạy các ông một giáo lý xem ra ngược đời: làm lớn là tự làm rốt hết và là đầy tớ mọi người. Thật lạ lùng, thật kỳ lạ! Con người khó lòng hiểu nổi, khác xa thực tế của con người vẫn hằng suy nghĩ, mong chờ, nhưng lại rất đẹp, kỳ diệu! Và rồi, Ngài lại dạy các ông một giáo lý khác, là việc đón nhận các trẻ nhỏ vẫn bị người Do Thái, đặc biệt là Kinh sư, Biệt phái và Pharisêu coi khinh, nay trở nên có giá trị cao quí vì đón nhận các trẻ nhỏ là đón nhận chính Chúa. Đây có thể coi được là một giáo lý mới ngộ nghĩnh nữa: làm việc nhỏ, việc bé mà lại có công lớn lao, làm cho trẻ nhỏ mà được coi là làm cho Chúa.

Tin Mừng của Thánh Marcô hôm nay vừa mời gọi, vừa thách đố chúng ta: Trước hết, trên hết, nó mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống và tự vấn lương tâm chính mình: chúng ta đã có thái độ nào khi phục vụ? Chúng ta đã phục vụ như Chúa mong muốn hay chúng ta có thái độ cha chú, chỉ tay năm ngón, ăn trên ngồi trốc vv… Và rồi, các bài đọc, đặc biệt đoạn Tin Mừng này khuyên chúng ta nên để ra những khoảnh khắc để tự vấn xem chúng ta có cách nào để công việc chúng ta làm mang nhiều tinh thần phục vụ tốt hơn hiện nay?

Một điều thật trớ trêu: đang khi Thầy loan báo cuộc khổ nạn thì trò lại tranh giành địa vị cao thấp. Cách cư xử của Chúa Giê-su thật tế nhị: Ngài không xen vào  cuộc tranh luận, mà Ngài đợi về đến nhà mới hỏi. Ngài cũng chẳng nặng lời với các ông. Cách giáo dục của Chúa Giê-su cũng thật khéo léo: Ngài không dập tắt tham vọng của các môn đệ. Ngài thanh lọc và hướng tham vọng ấy lên cao hơn. Thay cho tham vọng thống trị, Chúa Giê-su hướng các ông đến lòng khát khao phục vụ. Thay cho tham vọng vun quén mọi sự cho bản thân, Ngài hướng các ông đến ước muốn xả thân cho người khác. Trong Nước của Chúa Giê-su, người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.

Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước học và bước theo Chúa Giêsu để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.

Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.

 

Back To Top