skip to Main Content

NƯỚC THIÊN CHÚA SẼ VIÊN MÃN

30.7 Thứ Ba trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm

Gr 14:17-22; Tv 79:8,9,11,13; Mt 13:35-43

NƯỚC THIÊN CHÚA SẼ VIÊN MÃN

Nhìn vào cuộc sống, ta thấy Thiên Chúa ở trong tình trạng ẩn mình, Ngài không can thiệp cách rõ ràng hiển nhiên. Người ta có thể sống không cần và còn chống lại Ngài mà dường như chẳng phải chịu hậu quả gì. Ngài biến mất hoàn toàn đàng sau các thế lực và các quyền hành đang thống trị sân khấu thế giới và đang can thiệp vào trong đời sống chúng ta cách quyết liệt. Tất cả tình trạng này vẫn là một chướng kỳ khiến con người khó mà coi trọng Thiên Chúa và tin cậy nơi Ngài. Điều này cũng đúng cho bản thân và công trình của Đức Giêsu, đúng cho cả cộng đoàn các tín hữu là Hội Thánh. Do bản tính, chúng ta hướng về sự to lớn, sức mạnh, sự hào nhoáng, sự hiển nhiên, sự cao cả, chứ chúng ta không nghiêng về sự chờ đợi, sự kiên trì nhẫn nại. Các giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ lại cách suy tưởng và xử sự của chúng ta.

Đức Giêsu đến không như một nhà chiến thắng oai hùng, có sức thuyết phục và thống trị mọi người. Con đường Người theo và công trình của Người gây nhiều mệt nhọc. Cái chết của Người trong tình trạng bất lực và bị bỏ rơi dường như cung cấp một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Người không đáng giá gì và ta không thể tin cậy nơi Người.

Đức Giêsu biết hoàn cảnh khó chịu này, nhưng Người không thay đổi cách xử sự: Người là và vẫn là Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1,14), Người đã đi vào trong tình trạng lệ thuộc, yếu đuối và mỏng dòn của cuộc sống con người. Người vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, không gây ồn ào, không tỏ ra hào nhoáng (x. Mt 12,15-21).

Đức Giêsu cũng muốn giúp chúng ta hiểu đúng đắn hoàn cảnh này và ngăn cản chúng ta rút ra những kết luận vội vã. Chúng ta không được chỉ nhìn vào ngày hôm nay, và khép mình lại trong khoảnh khắc hiện tại. Dụ ngôn Cỏ lùng có mục đích ấy.

Dụ ngôn Cỏ lùng là một tấn kịch có hai cảnh. Cảnh thứ nhất diễn ra hai nhân vật và hành động đối lập: Trên cùng một mảnh đất, ông chủ và kẻ thù đã gieo hai loại giống khác nhau, lúa tốt và cỏ lùng là loại cỏ ăn hại. Cảnh thứ hai mở ra với sự can thiệp của các đầy tớ: Họ hỏi một  câu hỏi thừa là chẳng lẽ ông chủ lại không gieo giống tốt, mà như vậy thì do đâu có cỏ lùng. Câu hỏi không cần thiết, nhất là bởi vì họ không hỏi vì sao có quá nhiều cỏ lùng như thế. Có ai lại ngạc nhiên khi thấy trong một  thửa ruộng xuất hiện thứ cỏ không thể tránh được?

Câu trả lời của ông chủ thật đáng ngạc nhiên. Ông biết rõ ràng là kẻ thù đã làm điều đó. Tuy nhiên, có kẻ thù nào lại có ý tưởng đó và lại có đủ hạt giống cỏ lùng mà gieo ngay trong đêm như thế! Nếu họ lén lút gặt lúa chín hoặc đốt cánh đồng, thì còn dễ hiểu hơn. Đàng khác, gợi ý của các đầy tớ là nhổ cỏ lùng cũng dễ hiểu, vì người ta vẫn làm như thế. Vậy mà ông chủ lại không đồng ý, ông bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (c. 30). Như thế, bài dụ ngôn không muốn mô tả cách làm ruộng thông thường.

Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi đến cuối. Các thợ gặt, chứ không phải là các đầy tớ đã đến hỏi, trước tiên sẽ thu gom cỏ lùng, bó thành bó mà đốt đi. Thông thường người ta làm cách khác: cỏ lùng chưa được nhổ đi sẽ bị thợ gặt quẳng trên đất, sau đó được thu gom lại cho gà ăn hoặc để đốt đi.

Bằng dụ ngôn tiếp theo, Đức Giêsu mời độc giả quan tâm đến sự tương phản giữa hạt cải lúc đầu và cây to ở hồi kết thúc. Hạt cải là một thứ bé nhỏ và không đáng ai để ý, nhưng sẽ không cứ ở trong tình trạng nhỏ bé mãi; nó sẽ phát triển nhiều và mọi người phải nhìn nhận nó. Một  chi tiết lạ: người nọ gieo “(chỉ) một ” hạt cải trong ruộng/cánh đồng. Hẳn chúng ta nhớ lại bài dụ ngôn trước (13,24), nhưng ở đây rõ ràng không phải là vấn đề gieo và gặt, mà là vấn đề đặc tính của cây cải mà Đức Giêsu muốn vận dụng để giới thiệu Nước Trời.

Chuyện xảy ra cho Nước Trời cũng như vậy: khởi đầu trong tình trạng bé nhỏ, khiêm tốn; nhưng kết cuộc sẽ là một kết quả đầy sức thuyết phục. Dụ ngôn này là một lời “loan báo” đầy sức an ủi và khích lệ cho những ai chưa thấy các nỗi niềm chờ mong thiên sai được thể hiện nơi công trình của Đức Kitô.

Dụ ngôn về men lấy lại bài học của dụ ngôn trên. Hình ảnh “men” lấy từ nhà bếp. Bà nội trợ có thể mua men hoặc tự làm lấy. Đây là sự tương phản giữa phần khởi đầu nhỏ bé và khối lượng bột to lớn ở cuối. Khởi đầu với một chút men, không mấy ai để ý; nhưng trong đó đã chứa đựng tất cả sức bung mở trong tương lai. Như men đã được “giấu ẩn” trong bột, Nước Thiên Chúa lúc khởi đầu là một thực tại không ai thấy; chỉ sang giai đoạn thứ hai, ta mới thấy được sức mạnh của chút men ấy. Sự nhỏ nhoi khiêm tốn của chút men khiến làm ta không ngờ tới tác động của nó trên khối bột; đó cũng sẽ là tác động của Nước Thiên Chúa trong lòng nhân loại. Cũng như tình trạng nhỏ bé là một  điều kiện quan trọng để hạt cải phát triển (c. 31), tình trạng giấu ẩn, hòa trộn với bột là điều kiện thiết yếu để cho men có thể tác động.

Động tác “vùi” (“giấu”) men vào trong bột hẳn muốn gợi ý đến tình trạng ẩn giấu của chân lý. Tình trạng ẩn giấu của sự thật trong các dụ ngôn (c. 35) và tình trạng ẩn giấu của kho báu trong ruộng (c. 44) tương ứng với men bị “vùi/giấu”. Hội Thánh có nhiệm vụ vén mở cho thấy chân lý giấu ẩn bằng lời nói và việc làm (10,26-27; x. 5,13-16). Khi làm như thế, Hội Thánh làm cho thế giới “dậy men”.

Với lời giải thích về dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ biết về lòng từ bi và nhẫn nại của TC dành cho những người tội lỗi; đồng thời qua đó cũng cho thấy trước số phận khác biệt của người công chính và kẻ bất lương trong ngày sau hết. Ngày ấy “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Chúa”; còn kẻ bất lương sẽ “bị tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Cảm nhận được lòng từ bi nhẫn nại của Thiên Chúa và nhìn thấy được sự công thẳng của Người trong ngày phán xét, phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người chúng ta quyết tâm sống tốt hơn, hầu xứng đáng với tình thương của một vị Thiên Chúa “chậm bất bình và giàu lòng xót thương”(x. Xh 34,6), nên “Ngài  không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”(Ed 33, 11).

Xuyên qua hình ảnh cỏ lùng, Đức Giêsu nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với loài người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng trên bình diện thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng, tác động để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban cho họ.

Xuyên qua hình ảnh hạt cải và nắm men, Đức Giêsu cho thấy rằng một tình trạng khởi đầu không nổi rõ không có nghĩa là kết thúc cũng như thế. Chỉ đến cuối, khi cây cải đã lớn lên và bột đã dậy men, người ta mới biết có cái gì ẩn giấu trong hạt cải và men. Cũng thế, Nước Trời (Thiên Chúa) trên mặt đất đang hiện diện, không viên mãn và xán lạn, nhưng trong sức mạnh dồi dào, và sẽ tỏ rõ ra vào lúc kết thúc. Vậy, ai ước ao thuộc về Đức Kitô, cần phải có một tầm nhìn rộng rãi và kiên nhẫn.

Như vậy, Nước Thiên Chúa đã khởi sự với công việc loan báo Tin Mừng, nhưng tình trạng hiện nay còn rất khiêm tốn (chưa đủ thuyết phục) và không rõ ràng (người tốt kẻ xấu đang lớn lên với nhau). Chỉ sau khi đã trải qua một hành trình dài, trong tình trạng tranh tối tranh sáng, Nước Thiên Chúa mới tỏ hiện rõ ràng là một cuộc quy tụ toàn thể vũ trụ vào sống trong bình an của Thiên Chúa.

 

 

 

 

Back To Top