skip to Main Content

NÓI VỀ CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC NHƯ GIOAN

4.1.2022 Thứ Ba

Thánh Elizabeth Ann Seton

1 Ga 3:7-10; Tv 98:1,7-8,9; Ga 1:35-42

NÓI VỀ CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC NHƯ GIOAN

          Thiếu nữ Êlizabeth đã làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người nghèo khổ.

          “Mẹ Seton” là danh hiệu mà mọi người đều biết khi Êlizabeth qua đời ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1821 ở Emmitsbơ, Maryland. Cuộc sống đầy những ngạc nhiên bất ngờ đã trao tặng thánh nữ danh hiệu đó.

          Êlizabeth sinh ngày 28 tháng Tám năm 1774 tại thành phố Niu Gioóc. Thân sinh của ngài, ông Richard Bơlây, là một bác sĩ danh tiếng. Thân mẫu của Êlizabeth, là bà Catarina, đã lìa đời khi Êlizabeth còn rất trẻ. Êlizabeth là một tín hữu theo đạo Tin lành, thuộc giáo phái Epiocopan. Khi còn là thiếu nữ, Êlizabeth đã làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người nghèo khổ.

          Năm 1794, Êlizabeth kết hôn với William Seton. Ông là một lái buôn giàu có và là chủ của một đoàn tàu. Êlizabeth, William và năm người con cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng đột nhiên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, William mất hết gia sản và sức khỏe ông bị suy giảm. Người vợ của ông nghe nói khí hậu ở bên nước Ý có thể giúp ông khá hơn. Vì vậy, Êlizabeth, William và Anna, đứa con gái lớn nhất của họ, đã đáp tàu sang Ý.

          Nhưng sau đó ít lâu, William qua đời. Êlizabeth và Anna ở lại Ý như  những người khách của gia đình Filicchi. Những người trong gia đình này rất tử tế, tốt bụng. Họ cố gắng xoa dịu nỗi đau đớn của Êlizabeth và Anna bằng cách chia sẻ cho hai người nghe biết về tình yêu thâm sâu của họ trong đức tin Công giáo. Êlizabeth trở về nhà ở Niu Gioóc với ý định sẽ trở nên một tín hữu Công giáo. Gia đình và bạn bè của ngài không hiểu được điều đó nên họ rất lấy làm khó chịu; thế nhưng với lòng can đảm, Êlizabeth cứ tiến hành điều mình đã quyết định. Êlizabeth đã gia nhập Giáo hội Công giáo ngày 4 tháng Ba năm 1805.

          Ít năm sau, người ta mời Êlizabeth đến mở một trường nữ sinh ở Baltimo. Ở đó, Êlizabeth đã quyết định sống như một nữ tu. Cũng có nhiều chị em đến gia nhập nhóm của ngài, gồm cả cô em gái và người chị dâu nữa. Các con của Êlizabeth, Anna và Catarina cũng lần lượt tham gia nhóm ấy. Họ trở thành hội Nữ Tu Bác Ái Người Mỹ và người ta tôn tặng cho Êlizabeth tước hiệu “Mẹ Seton”. Êlizabeth trở nên nổi tiếng. Ngài đã thiết lập nhiều trường học Công giáo và một số viện mồ côi. Êlizabeth cũng dự tính sẽ lập một bệnh viện và viện này đã được khai trương sau khi ngài qua đời.

          Êlizabeth yêu thích việc viết lách và ngài đã chuyển dịch một số sách giáo khoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Nhưng đặc biệt nhất là thánh nữ thích việc viếng thăm những người nghèo khổ, đau yếu.

          Đức thánh cha Phaolô VI đã tôn phong Êlizabeth lên bậc Hiển thánh ngày 14 tháng Chín năm 1975.

           Nếu có điều gì xảy ra làm thay đổi cuộc sống của chúng ta từ hạnh phúc sung sướng sang khó khăn bế tắc, chúng ta hãy quay ánh nhìn về Thiên Chúa như Mẹ Seton và kêu xin Người giúp đỡ. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta nhận thấy rằng những khó khăn đó có thể làm sáng tỏ những tài năng ẩn giấu bên trong chúng ta như thế nào. Và rồi chúng ta sẽ hoàn thành được điều chúng ta chẳng bao giờ mơ tới.

          Nhìn lại cuộc đời của Gioan, ta thấy Gioan đã có rất nhiều ảnh hưởng nơi dân chúng. Dân chúng rất ngưỡng mộ Ngài. Khi được Chúa Giêsu hỏi “Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” (Mt 21,25), thì nhóm Pharisêu đã cảm thấy thật lúng túng. Nói bởi người thì sợ dân chúng phản đối, nói bởi trời thì sao quý vị lại không nghe lời Gioan, nghe những lời mà Gioan đã nói về nhân vật Giêsu. Nói chúng tôi không biết là cách để chữa cháy, để tránh trả lời một sự thật. Họ không dám chấp nhận sự thật.

          Ta thấy không những có ảnh hưởng trong dân chúng mà Gioan cũng có nhiều môn đệ theo mình. Nhưng Gioan vẫn luôn tuyên bố “tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1,19). “Tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài” (Ga 1,27). “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

          Và rồi không ngần ngại, không tiếc nuối, mà một cách xác tín, Gioan đã dõng dạc, xác quyết với hai môn đệ đang đứng với mình, khi thấy Chúa Giêsu đi qua: “Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Hai môn đệ đó đã tức khắc bỏ thầy Gioan mà đi theo Chúa Giêsu. Thế là mất toi hai môn đệ!

          Thánh Gioan đã xác tín rằng Chúa Giêsu đích thị là Minh Quân. Chắc chắn Gioan phải mừng thầm vì đồ đệ của mình đã gặp được Minh Quân, Gioan vui mừng vì đã giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Gioan đã đóng đúng vai trò Tiền Hô của mình và Đức Giêsu cũng là Đấng Minh Quân của Gioan. Chẳng phải Gioan đã nhảy mừng trong bụng mẹ mình, khi chỉ mới là 6 tháng tuổi khi gặp được Đức Kitô? Gặp được Chúa là gặp được niềm vui, và niềm vui thì cần được chia sẻ, loan tỏa cho mọi người.

          Nói về Chúa Giêsu cho người khác biết. Chúng ta cũng thấy được gương tốt của Thánh Anrê tông đồ. Anrê đã đến và xem chỗ Chúa Giêsu ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,39-40). Trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi này, Anrê đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô. Anrê đã không thể không nói cho người thân của mình là Simon em ông biết (Ga 1,41). Chắc chắn hai anh em đã trao đổi với nhau về Chúa Giêsu, trước khi Anrê dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa Giêsu là đổi tên, là đổi đời: “Anh sẽ được gọi là Kê-pha (là Đá Tảng) (Ga 1,42).”.

          Và ta tự hỏi lòng ta rằng có bao giờ tôi đã nói về Chúa Giêsu cho người khác? Có bao giờ cha mẹ đã kể chuyện Chúa Giêsu cho con cái? Có bao giờ mình đã nói về Chúa Giêsu cho người yêu, cho người chồng, người vợ ngoại đạo? Có bao giờ gia đình bên Công Giáo đã nghiêm túc đặt vấn đề về Chúa Giêsu cho người rể, người dâu không Công giáo trong gia đình mình?

          Mỗi người chúng ta nên chăng dừng lại để nghĩ rằng thì là mình là Kitô hữu, tôi đã thật sự yêu mến Chúa Giêsu chưa? Đã hãnh diện về niềm tin của mình để chia sẻ cho người thân chung quanh tôi chưa?

          Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2014 của ĐTC Phanxicô, Ngài bắt đầu sứ điệp: “Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes (đến với muôn dân) vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”. “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 5-6). Vậy thì trước tiên hãy đến với con cái mình, hãy đến với người bạn đời chưa tin Chúa của mình, hãy đến với người dâu, người rể không niềm tin vào Thiên Chúa trong gia đình mình. Hãy giới thiệu Chúa Giêsu cho họ trước tiên.

          Thánh Phaolô đã nói câu: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Ước gì câu này không phải là câu dành riêng cho Thánh Phaolô. Ước gì câu này là câu của mỗi Kitô hữu chúng ta.

          Chúng ta yêu mến Chúa Giêsu bởi vì người yêu thương chúng ta, Ngài đem cho ta ơn cứu độ. Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu cho mọi người, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất của loài người. Nhất định không còn Đấng cứu độ nào khác.

Back To Top