18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
NÓI VÀ LÀM
11 05 X Thứ Bảy Tuần XXIII Thường niên.
(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.
1Tm 1,15-17; Lc 6,43-49.
NÓI VÀ LÀM
Đã có người từng nhận định rằng: “khoảng cách xa nhất không phait từ Trái Đất đến Sao Hỏa, mà là từ miệng đến tay, hay đúng hơn là từ lời nói đến hành động”. Quả đúng như vậy, dân gian có câu “Nói dễ hơn làm”, những lời nói “phóng đại”, khoe mẽ chưa bao giờ khó bằng việc đưa nó vào hành động thực tiễn.
Nếu chỉ đánh giá con người qua lời nói, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng bị “dắt mũi” bởi những dời dối trá hoa mĩ. Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều cô gái bị lừa gạt bởi những gã nhân tình “sở khanh”, “quất mã truy phong”; hay có rất nhiều người bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những nhân viên “bán hàng đa cấp”… Lỗi một phần là do họ nhẹ dạ cả tin, dễ tin tưởng vào những lời nói đường mật. Tuy nhiên, cũng có thể là do những người lừa gạt ấy có một khả năng thuyết phục tuyệt hảo, chúng ta có thể thấy nơi họ một sự lôi cuốn khó cưỡng, từ đó khiến ta dễ dàng nghe theo lời họ nói mà chẳng cần quan tâm liệu họ có khả năng thực hiện những việc đó hay không.
Có người đã từng nói rằng: “đừng nghe những gì ‘người ta’ nói, mà hãy nhìn những gì ‘họ’ đã làm”. Một khi đã nhận thấy được những hành động của họ khác xa với lời nói, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thẳng vào tâm can chứa đầy sự dối trá, lừa phỉnh của những kẻ lừa gạt ấy. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, chính việc nói được mà không là được đã đẩy con người vào đường tội lỗi, dối gạt lẫn nhau; và đương nhiên, đối với những người hết lòng tin tưởng vào chúng ta, hành động đó thật đáng lên án vì nó có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Về cơ bản, những người thích nói hơn làm cũng tương tự những người có thói quen “phóng đại” (hay thường gọi là “nổ”). Mục đích của họ thường là tự đề cao bản thân hoặc “dắt mũi” những “linh hồn trong sáng”. Họ muốn người khác nhìn mình với đôi mắt kính trọng, nể phục nhưng khả năng của họ chưa đủ; họ muốn tạc một tượng đài kì vĩ trong lòng người khác nhưng chính bản thân họ không xứng đáng với điều đó; họ muốn dùng những lời nói hoa mĩ của mình để lôi kéo sự ủng hộ của người khác trong khi khả năng thực hiện điều đó không cao…Thế nhưng, dù là mục đích nào đi chăng nữa, ít nhiều họ cũng đã dối gạt tha nhân, đó vẫn là tội nói dối và tuyệt đối không nên cổ súy.
Đi ngang qua chợ trái cây, mát mắt với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng của những trái tươi chín mọng hay còn xanh xanh, hường hường chín tới…, dân miệt vườn có thể hình dung ra đủ loại rừng cây trái ngút ngàn xanh tốt. Thậm chí họ có thể hình dung được loại trái như thế nào là do thân hình cây mẹ thế nào sinh ra. Xem quả thì biết cây: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt.” “ Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.”Trung tâm của trích đoạn tin mừng hôm nay là nghe và thực hành lời Chúa. Lời Chúa như hạt giống tốt mà việc khiêm tốn, chân thành lắng nghe và cầu xin ơn trợ giúp của Chúa để thực hiện lời Người như dưỡng chất bồi bổ giúp cho cây đức tin lớn lên mạnh mẽ và đơm bông kết trái tốt lành trong cuộc sống. Đồng thời việc nghe và thực hành lời Chúa cũng tựa như người xây nền móng nhà mình trên đá tảng khiến ngôi nhà được vững chắc, phong ba, bão táp cũng không thể xô ngã được.
Vâng, chính việc nghe, để lòng mình thấm nhuần Lời Chúa và đem ra thực hành là căn bản của một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, trong đó, người với người sống để yêu thương nhau mà Chúa muốn đời sống con người hướng tới. “Xem quả thì biết cây”- Những người có tâm địa gian manh, độc dữ, dù có tìm cách che đậy thế nào thì rồi cũng có ngày nó sẽ lộ ra những hành vi bất chính. Vì vậy mà nhân gian có câu: “Chiếc áo không thể làm nên thầy tu.” Có những người hành động của họ khiến người ta có thể nhận ra ngay nó thuộc về hoa trái của tính xác thịt mà thánh Phao-lô thường đối lập nó với hoa trái của việc sống theo Thần Khí đó là: Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy.” (Gl 5, 19 – 21).
Tuy nhiên có những người xem ra bề ngoài có những việc làm tốt đẹp: họ đi thăm viếng, tham gia các hội đoàn, làm việc tông đồ, thậm chí còn là những giáo lý viên đóng góp trong việc giảng dạy, giáo dục đức tin…; họ rất hăng say và nhiệt tình khi mọi việc xem ra thuận lợi và được mọi người khen ngợi, tán dương; tuy nhiên, khi công việc không được thuận lợi, khi có ai đó đụng chạm đến quyền lợi hay lòng tự ái của họ thì họ lập tức buông bỏ tất cả và có những phản ứng tiêu cực như đổ lỗi, nói hành, nói xấu và nhiều khi còn tìm cách báo thù. Còn những người người sống theo Lời Chúa là những người sống theo Thần Khí ban sự sống – Thần Khí mà Chúa Giêsu Ki-tô đã hứa sẽ ở lại cùng các môn đệ cho đến ngày tận thế – sẽ sinh hoa trái nhờ Thánh Thần mà “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gl 5, 22-23a). Vì vậy, quan sát lời nói, hành động của một con người, người ta có thể biết tâm lòng, bản chất của người ấy tốt xấu, bởi “lòng có đầy thì miệng mới nói ra”.
Chúa Giêsu đã chất vấn các môn đệ rằng: “Tại sao anh em gọi thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà anh em không làm điều thầy dạy?”. Ta có thể thấy rằng, nói được làm được là chuyện nhỏ, có một chuyện còn quan trọng hơn muôn phần, đó là phải biết lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm kim chỉ nam của cuộc đời mình. Người đề cao hành động thực tế hơn những lời sáo rỗng, Người muốn chúng ta phải thực thi thánh ý của Ngài. Có như vậy, chúng ta mới được ví như “Người xây nhà trên đá” những kẻ khôn ngoan biết thi hành Lời Người. “Xem quả thì biết cây”, nếu chúng ta sống như Người dạy, người khác sẽ đánh giá tốt những người mang danh Kitô hữu; và đương nhiên, một khi danh Chúa tràn ngập khắp cả địa cầu, nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành.
Xã hội chúng ta đang sống chứa đầy những lời xảo trá, bịp bợm, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ là những con cừu non tội nghiệp bị mắc bẫy của những lão sói già ranh ma, xảo quyệt. Mỗi người chúng ta phải biết tỉnh táo, cảnh giác trước những lời nói đường mật, vì “mật ngọt chết ruồi”. Chỉ có một Lời có thể đem lại cho chúng ta sự sống đời đời, đó là Lời của chính Thiên Chúa được mặc khải qua Chúa Giêsu.
Những lời Người đã nói ra, Người đều thực hiện, vì Chúa là Đấng Chân Thật và chính Người là Sự thật. Chúng ta phải biết học tập nơi Người, hãy để Chúa trở thành một “siêu người mẫu” – người mà tất cả chúng ta phải noi theo. Chúng ta hãy sống sao cho phải phép, để mai này Chúa sẽ không chất vấn chúng ta như đã chất vấn các môn đệ của Người, vì người không biết không có tội, còn kẻ “tri pháp phạm pháp” sẽ phải chịu phạt nặng hơn.
Sống trong một thế giới mà con người trở nên quá bận rộn với những toan tính vật chất, chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ ích kỷ và trở thành vô cảm với những khổ đau của tha nhân: “Đèn nhà ai người ấy rạng”, “sống chết mặc ai”, người Ki-tô hữu cần phải trở thành dấu chứng của tình thương, niềm vui và hy vọng nhờ một đời sống đức tin vững chắc như lời thánh thi trong giờ kinh phụng vụ: “Cây đức tin rồi ra nẩy mậm”.