Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
NIỀM VUI VÌ ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG
Ngày 23 tháng 12
Thứ 7, tuần 3, Mùa Vọng. Các bài đọc: Mlk 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66. Thánh Gioan Kêty, Linh mục.
NIỀM VUI VÌ ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG
Maria vừa mới về được mấy bữa sau khi thăm gia đình, Elizabeth tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh được một con trai, bà con lối xóm nghe tin thì xúm lại chúc mừng. Và khi con trẻ đã được tám ngày thì làm phép cắt bì và định lấy tên cha là Giacaria mà đặt cho nó, nhưng bà Elizabeth bảo đặt tên nó là “Gioan”. Bà con không ai đồng ý nên hỏi ông Giacaria xem đặt tên nó là gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gioan”.
Và ta thấy mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng: con trẻ này là hồng ân Chúa ban và chắc nó sẽ làm được nhiều việc lạ. Thiên Chúa giữ đúng lời hứa với ông Giacaria. Ông cũng vâng lời Chúa dạy mà đặt tên Gioan cho con.
Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ, vì trong họ hàng ông bà Giacaria không ai có tên đó (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gioan được chính Thiên Chúa đặt qua lời Sứ thần khi truyền tin cho ông Giacaria, khi ông thực hiện sứ mạng tư tế trong Đền thánh (Lc 1,13).
Cái tên Gioan khiến mọi người kinh ngạc, vì khi ông Giacaria viết lên tấm bảng: đặt tên Gioan cho con trẻ, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, và hơn nữa, ông cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 167-79).
Vì thế, ở đây Luca có ý nhấn mạnh: biến cố cắt bì, đặt tên để trình bày về thân thế và sứ vụ của Gioan, một người được Thiên Chúa thương và tuyển chọn cách kỳ lạ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Ngày sinh của Gioan đã khiến cho những người bà con hàng xóm láng giềng của gia đình ngài phải để tâm suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”.
Quả thật, trong bối cảnh thời bấy giờ, ngày chào đời của Gioan Tẩy Giả loan báo rằng: thời của Chúa Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng nơi cha ngài là ông Dacaria đã trở thành lời loan truyền của ơn cứu độ. Vì thế, ngày sinh của Gioan là thời loan báo về ngày cứu độ. Và lời loan báo đó Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này, ngài chính là tiên tri của Chúa, là đấng tiền hô cho Chúa.
Khi nhớ lại ngày sinh của Gioan Tẩy Giả, chúng ta được nhắc nhở về sứ vụ tiên tri của mình. Đồng thời, cũng được mời gọi nhớ lại ngày tái sinh của chúng ta.
Nhờ phép rửa, mà mỗi người Kitô hữu đã trở thành những ngôn sứ để loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. Và với ngọn nến chúng ta được nhận lãnh trong ngày chịu phép rửa là biểu trưng cho ánh sáng chúng ta không ngừng chiếu tỏa ra xung quanh. Cho dẫu rằng, có sống trong hoàn cảnh hay trong môi trường sống như thế nào, người Kitô hữu chúng ta cũng phải có sứ mệnh chiếu toả ánh sáng ấy (x. Mt 5,16).
Theo Tin mừng, hôm nay Gioan Tiền Hô chào đời. Lịch phụng vụ Hội thánh giới thiệu Gioan đi trước Đấng Cứu Thế. Rồi ngày mai, Hội thánh long trọng mừng lễ Giáng Sinh – Chúa Cứu Thế chào đời.
Bầu khí Giáng sinh vui nhộn từ bên ngoài cho đến cả bên trong, từ đời sống dân sự cho đến tôn giáo, nơi đâu cũng vui nhộn, rộn ràng không khí tươi vui của ngày lễ.
Gioan chào đời trong sự ngạc nhiên và vui mừng của nhiều người. Láng giềng và họ hàng thân thích đến chia vui với gia đình. Bởi Elisabet sinh con khi đã cao niên. Và đứa con sinh ra cũng là một nhiệm lạ. Càng lạ hơn khi cha của bé Gioan lại bị câm đột ngột từ ngày vợ mang thai và đến khi viết tên con trẻ là “Gioan”, một tên rất lạ, không theo truyền thống đặt tên của họ hàng, ông lập tức nói được. Bao nhiêu sự lạ ấy không che lấp đi sự vui mừng khôn tả. Nhưng đồng thời, vợ chồng Dacaria biết rằng, đứa trẻ này sẽ phải được thánh hiến cho một sứ mạng vô cùng đặc biệt, đó là làm đấng tiền hô cho Chúa Cứu Thế, sinh sau ông chỉ vài tháng, và Đấng ấy là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Họ hàng thì nghi vấn, họ tự hỏi “đứa trẻ này sẽ ra sao”, bởi họ là người ngoài cuộc. Còn gia đình Dacaria-Elisabet thì biết là con mình được Chúa kêu mời cho sứ vụ riêng của Ngài.
Ngày lễ Giáng Sinh đang về vui tươi rộn rã. Hoà niềm vui chung đó, mỗi Kitô hữu không phải là những người khách được mời đến để chia vui, nhưng là người trong nhà, phải làm toát lên niềm vui khôn tả Chúa dành cho mình, cho mọi người. Kitô hữu phải là người có niềm vui và mang trong mình sứ mạng loan báo Tin mừng đến cho mọi người.
Như gia đình Dacaria, chúng ta biết mình được thông dự vào chương trình của Thiên Chúa và phải làm gì. Thấu biết được sứ mạng của chúng ta, chúng ta không do dự, không chần chừ, không được phép bàng quan, mà phải là những người trực tiếp mang niềm vui, mang Chúa đến cho người khác. Sống niềm vui Tin mừng là sống và loan báo Tin mừng của Chúa cho người khác như chính Gioan Tiền Hô vậy.