Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Những tá điền hung ác
5.6 Thánh Boniface, Gmtđ
Tb 1:1-2; Tv 112:1-2,34,5-6; Mc 12:1-12
Những tá điền hung ác
Thánh Bônifaciô sinh tại nước Anh vào năm 680 tại miền Kirton. Tên thật của thánh nhân là Winfrid. Thánh Bônifaciô được may mắn sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản và đạo hạnh. Thánh Bônifaciô sớm tiến triển trên đàng nhân đức. Nhờ các tu sĩ quen biết, nhờ cha mẹ đạo đức, thánh nhân đã sớm có ý định muốn đi tu dòng. Trong tu viện, thánh Bônifa ciô được Bề trên và các bạn học quý chuộng, yêu mến vì lòng nhiệt thành, đạo đức và thánh thiện của Ngài cùng với trí thông minh hiếm có ở Ngài.
Thánh Bônifaciô được lãnh nhận sứ vụ linh mục vào lúc 30 tuổi và Ngài được các Bề trên đề cử làm giáo sư tu viện. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu: lòng thương xót của Chúa, đường lối của Chúa không ai dò thấu, Chúa muốn đặt Ngài làm việc truyền giáo cho dân tộc Đức. Thánh nhân đã cương quyết, vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, chống đối của bọn tà giáo, Ngài đã đem được rất nhiều người trở về với Chúa vào năm 716.
Năm 747, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô II muốn thưởng công cho thánh Bônifaciô vì kết quả loan báo Tin Mừng mà thánh nhân mang lại vượt quá lòng mong ước và để việc truyền giáo càng lúc càng tốt đẹp, kết quả hơn, Đức Thánh Cha đã tấn phong giám mục cho thánh nhân và đặt Ngài làm Tổng Giám Mục Mayence sau đó. Dù sức yếu vì tuổi cao, thánh nhân vẫn một lòng nhiệt thành làm việc truyền giáo và chỉ một thời gian ngắn hàng ngàn người đã xin trở lại đạo và được chính Ngài rửa tội. Ngài đã ý thức sâu xa lời Chúa:” Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”(Ga 12, 24-25).
Với những kết quả lớn lao trong việc truyền giáo, kẻ yêu nhiều, nhưng những kẻ ghen ghét, tỵ hiềm cũng không ít. Nhiều kẻ lạc giáo, tà giáo đã âm mưu tìm cách ám hại Ngài. Lời Chúa luôn hiển rõ nơi thánh nhân:” Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người”( 2 Tm 2, 11-12 ).
Năm 755 vào mùa hè, đang khi thánh nhân sửa soạn nghi lễ rửa tội cho một số anh chị em tân tòng, bỗng dưng có một số người võ trang, xông tới chém Ngài. Xác thánh nhân được đem chôn cất tại tu viện Fulda. Chúa đã tỏ uy quyền của Ngài và đã ban cho thánh nhân được thông chia vinh quang với Chúa qua nhiều phép lạ xảy ra nơi phần mộ của Ngài. Chúa đã đội mũ triều thiên cho Ngài và Giáo Hội đã tôn vinh Ngài vì máu của Ngài đã đổ ra để minh chứng cho tình yêu là Chúa Giêsu.
Qua dụ ngôn tá điền hung ác, ta thấy Thiên Chúa hết sức yêu thương con người, mà dân tộc Israel được dùng làm điển hình. Người đã kêu gọi, tuyển chọn, bảo vệ, hướng dẫn… nghĩa là Người có cả một kế hoạch yêu thương. Khi con người thất tín, ngược đãi và chống lại Thiên Chúa, nghĩa là muốn phá đổ chương trình yêu thương, thì Thiên Chúa đã tìm đủ mọi cách, ngay cả chính Con Một yêu dấu của Người, Người cũng ban cho nhân loại. Phải chăng Thiên Chúa thất bại? Không, Thiên Chúa không thất bại. Chúa Giêsu đã toàn thắng. Ngài đã phục sinh trong vinh quang. Dù con người thất tín, Thiên Chúa vẫn một mực thành tín. Đó chính là chiến thắng của Thiên Chúa.
Đây là một ẩn dụ mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa; vườn nho là dân Israel; các tá điền là các lãnh tụ ấy; tôi tớ được sai đi thu hoa lợi là các tiên tri; người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các tiên tri nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa đã truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước trời cho một dân khác là Giáo hội. Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo hội.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng: giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá huỷ chương trình hành động của Thiên Chúa, Đấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến, để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá góc tường, Đức Giêsu mở ra chìa khoá, để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Bài học cho chúng ta: Giáo hội Công giáo, người Công giáo đã được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân Do thái làm vườn nho cho Chúa và đóng hoa lợi cho Ngài. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ giữ gìn Giáo hội khỏi rơi vào vết xe cũ của dân Do thái. Nhưng từng cá nhân có thể trở thành những tá điền thất tín. Tức là trong một khuôn khổ hạn hẹp nào đó, bất cứ tín hữu nào giữ đạo một cách vụ lợi, hoặc không dám dấn thân để mang những hoa trái đức tin và lòng mến vào cuộc sống hằng ngày với hy vọng làm chứng cho Chúa Kitô và làm đẹp bộ mặt Giáo hội, thì sẽ là tín hữu có tiếng mà không có miếng.
Vì thế, cần có một cái nhìn, một quan điểm trung thực về Đức Kitô, về Giáo hội, về vai trò của mỗi Kitô hữu, nhờ đó chúng ta có thể sống đạo và hành đạo làm lợi vốn liếng đức tin và lòng mến Chúa trao cho chúng ta.
Ngày nay, người ta thường nói: “Tiền là Tiên, là Phật”. Dưới ảnh hưởng của trào lưu tục hoá, con người hôm nay dường như chỉ tôn thờ vật chất và xem tiền tài là cứu cánh cuộc đời. Hậu quả là, chính việc tôn thờ này đã tạo ra một xã hội bất an. Con người trở nên ích kỷ, hận thù, ghen ghét và loại trừ lẫn nhau.
Áp dụng dụ ngôn này vào bản thân: Vườn nho mà Chúa trao cho tôi là những khả năng và phương tiện Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỷ, không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho kẻ khác.