skip to Main Content

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

13  10  Đ  Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng.

Thánh Lu-xi-a, Trinh nữ, Tử đạo, lễ nhớ.

Mt 21, 23-27

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

          Thánh nữ Lucia mồ côi cha ngay từ lúc còn nhỏ tuổi. Người sinh ra tại Syracusas nước ý. Ngay từ nhỏ, thánh nữ Lucia đã quyết dành riêng cho Chúa, hiến toàn thân mình cho Giavê Thiên Chúa làm như của lễ toàn thiêu dâng lên Ngài. Tuy nhiên, con đường của thánh nữ có chỗ quẹo, chỗ ngoằn ngoèo. Mẹ thánh nữ đã quyết tâm ép buộc Người lập gia đình. Thiên Chúa có chương trình của Ngài.

          Nhờ lời cầu nguyện của Lucia, Chúa đã nhậm lời thánh nữ cho mẹ Người khỏi lập tức cơn bệnh loạn huyết hiểm nghèo, bà đã mắc phải từ lâu. Ðược Chúa yêu thương, làm phép lạ và tỏ ra cho thánh nữ biết, Ngài tuyển chọn thánh nữ. Nên sau biến cố Chúa tỏ mình, chữa lành, thánh nữ đã từ khước cuộc hôn nhân này, bán tất cả gia tài Người có để làm của hồi môn, rồi phân phát cho kẻ nghèo khó như lời Chúa truyền cho chàng thanh niên giầu có.

          Vì bị từ chối kết hôn, chàng trai đáng lẽ là chồng của Lucia đã đang tâm tố cáo với Hoàng đế Lucia có đạo, thánh nữ đã bị bắt và giải tới trước mặt quan Paschase. Quan Paschase đã dùng hết lời lẽ dụ dỗ thánh nữ và dùng đủ mọi cực hình để bắt thánh nữ dâng hương tế thần nhưng quan hoàn toàn thất vọng vì sự quả cảm và lòng tin sắt đá của thánh nữ đối với Chúa. Quan cho dẫn thánh nữ tới nơi tội lỗi nhất hầu hủy hoại sự trinh tiết của thánh nữ.Nhưng Chúa đã gìn giữ Người, cho thân xác Người trở nên nặng nề như núi đá khiến không ai có thể kéo nổi.

          Chúa lại một lần nữa gìn giữ thân xác trinh nữ vì rằng khi quan Paschase quá nóng giận đã cho quân lính tẩm dầu vào thân xác trinh nữ hầu hủy hoại thân xác của người, Chúa đã gìn giữ thân xác Người vẹn toàn giữa lửa hồng rực rỡ. Chúa đã dọn chỗ cho trinh nữ Lucia và cho Người được phúc tử đạo vào năm 304 dưới thời bắt đạo của Ðiôclêtianô. Thánh nữ đã tiên báo Giáo Hội sẽ được hưởng bình an, thơ thới. Xác thánh nữ được chôn cất ngay trên quê hương của Người.

          Chúa Giê-su từng phân tích hai lối dùng quyền bính, một của thói đời và một của những người theo Ngài. Theo thói đời, những người nắm giữ quyền bính thường dùng mọi phương tiện để thống trị dân (Lc 22, 25). Chính vì tham vọng thống trị, nên họ thường tìm mọi cách tiêu diệt những ai bất phục họ. Thái độ của các thượng tế và kỳ mục đối với Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng trên là một bằng chứng. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng quyền bính là để phục vụ cho sứ mạng. Chúa Giê-su đã sống như thế. Chúa Cha đã ban cho Người mọi quyền bính trên trời dưới đất (Mt 28, 18), nhưng Ngài không bày tỏ quyền uy để thống trị, mà cốt để ý muốn Chúa Cha thể hiện dưới đất. Thậm chí, Ngài còn hiến mạng sống cho sứ vụ. Nói cách khác, quyền bính Ngài không uy hiếp bất cứ ai; trái lại, để đưa dẫn con người vượt thắng uy lực của sự dữ và cứu độ con người.

          Ta thấy từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ điệp loan báo Tin Mừng để thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa ban tặng. Chúa Giêsu đã thu hút  lôi cuốn rất đông dân chúng đến với Người, bằng chứng hai lần dân chúng đi theo Người đến nỗi quên cả ăn uống, và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để họ có lương thực mà ăn. Rồi khi Chúa vào Thành Giêrusalem dịp lễ vượt qua Người được đông đảo dân chúng tung hô: “hoan hô con Vua Đavit đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21, 9b). Chúa Giêsu đã có ảnh hưởng và uy tín rất lớn nơi dân chúng. Thế nhưng trong sứ vụ công bố Tin Mừng của Chúa các thượng tế và kỳ lão là các nhóm đã nhiều lần cản trở sứ vụ của Người, họ ghen tỵ, bắt bẻ, gài bẫy để tìm cách triệt hạ Người.

          Tin Mừng hôm nay tiếp theo biến cố ngày hôm trước Chúa vào trong đền thờ đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, sau khi nghỉ đêm tại Bêtania ngày hôm sau Chúa lại vào Đền thờ để giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão thấy Chúa, họ liền đến để tra vấn Người: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” (Mt 21, 23b). Đời công khai sứ vụ của Chúa, Người đã làm nhiều phép lạ mà người đời không thể làm được.

          Vậy những việc của Người chỉ phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Chúa không trả lời trực tiếp về câu hỏi họ đặt ra, vì Người biết mục đích việc tra vấn của họ là để gài bẫy, tìm cách bắt bớ triệt hạ Chúa. Để đánh động cách nghĩ của giới trí thức này, Chúa đã nhắc lại ngôn sứ Gioan và đặt lại câu hỏi với họ “phép rửa của ông Gioan xuất phát từ đâu: Thiên Chúa hay loài người” (Mt 21, 25a). Gioan đã đi bước trước để dọn đường cho Chúa đến, dân chúng cũng đến với ông rất đông và đã tiếp nhận phép rửa do chính ông làm, nhưng các nhóm thượng tế và kỳ lão này vẫn cố tình lảng tờ như không biết. Sự đánh động của Chúa để họ nhìn ra cách sống nơi chính họ, nhưng họ vẫn chai lì. Họ bắt đầu suy luận về câu hỏi của Chúa, và không dám trả lời cách dứt khoát để rồi họ trả lời Người: “Chúng tôi không được biết”. (Mt 21, 27a)

          Tất cả những lời tiên báo về Chúa Giêsu Kitô, họ đã họ nghe biết và học hỏi kinh thánh từ đời nọ đến đời kia, nhưng khi Chúa xuất hiện thì lòng họ rất bối rối và lo sợ.

          Sự bối rối của các luật sĩ và biệt phái về Chúa Giêsu, mặc dù những phép cả thể Chúa làm nhưng họ vấp phạm, vì Chúa Giêsu cũng được sinh ra từ làng quê nghèo Be-lem, cũng chỉ là con người nên họ bối rối không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thánh, và họ lo sợ vì lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền, Lời chữa lành (hãy vác chõng mà về), Lời trừ tà thần ma quỷ (quỷ cũng phải nghe lời), Lời ban sự sống (Larazo sống lại), Lời mà toàn dân nghe theo Chúa mà bỏ họ, nên họ sợ. Và họ cứ bối rối lo sợ mặc dù đã nghe và thấy những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, để rồi họ không tin.

          Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (21, 23-27) đã tường thuật sự nghi ngờ, bối rối khi họ đối thoại với Chúa Giêsu. Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri” (Mt 21, 25-26). Chính họ không nhận ra Chúa, vì họ không thuộc về Thiên Chúa, họ thuộc về chính họ, thuộc phàm tục, thuộc trần gian.

          Trong cách sống đạo hôm nay nhiều khi chúng ta hay phê phán về người này hay người khác, linh mục nọ tu sĩ kia, nhưng chúng ta chưa nhìn lại chính mình, những Lời dạy của Chúa chắc hẳn chúng ta đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nhưng chúng ta đã thực hành được bao nhiêu việc như Lời Chúa dạy. Tham dự Thánh Lễ cứ phải so đo: cha này làm lễ lâu hơn cha kia, cha già giảng lâu hơn cha trẻ; đi học giáo lý: dì  phước này nói nhiều hơn GLV kia. Vô tình chúng ta đi vào cách sống hình thức như nhóm thượng tế và kỳ lão khi xưa, và còn nguy hại hơn là phê phán đằng sau lưng, nơi phố chợ hay trên bàn nhậu … không dám trực diện như nhóm thượng tế và kỳ lão.

Back To Top