Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA
20 11 X Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên.
(Đ) Thánh A-pô-li-na-rê, giám mục tử đạo.
Thánh Giuse Maria Diaz Sanjurjo An, Giám mục (U1857), Tử đạo.
Xh 14,21-15,1a; Mt 12,46-50.
NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA
Tin Mừng hôm nay xem chừng thật khó hiểu trong bối cảnh nền văn hóa Việt Nam. Với văn hóa người Việt chúng ta, chữ hiếu luôn được đặt lên hàng đầu “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, và do đó, thái độ thiếu tôn trong với người lớn hơn, nhất là bậc sinh thành của mình thì thật khó mà chấp nhận được.
Nếu xét ở khía cạnh văn hóa ấy, thì Chúa Giêsu trong trình thuật hôm nay thật là một điều khó chấp nhận. Có vẻ như Ngài thiếu sự tôn trọng, thiếu sự lễ độ và lòng tôn kính đối với thân mẫu của mình. Trình thuật kể rằng: Đang khi Chúa Giêsu giảng dạy cho đông đảo dân chúng, thì có mẹ Maria và các anh em bà con (Mt 13,55) của Ngài đến tìm, nhưng họ không sao lại gần Ngài được vì những kẻ đến nghe Ngài giảng dạy quá đông. Do đó, có một người ngồi gần Chúa Giêsu đã thông báo cho Ngài biết về sự hiện diện của mẹ và để người có thể ra ngoài gặp họ. Nhưng thật lạ lùng, thay vì Chúa Giêsu nói, “ồ, tôi cám ơn anh đã thông tin” hay đại loại là “cám ơn anh” và thậm chí Ngài chỉ cần gật đầu để để xác nhận tin báo cũng đủ.
Thế mà, mọi người như ngỡ ngàng,… ánh mắt Chúa Giêsu rảo quanh nhìn đám đông đang ngồi quanh mình, rồi cao giọng nói với họ và người đưa tin “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Nghe lời ấy, nếu chúng ta đang hiện diện ở đó, chắc hẵn ta cũng sẽ tỏ vẻ khó chịu với Ngài, bởi có cái gì đó thiếu lễ độ và ý nhị. Vì lẽ, ta nghĩ, sao ông này vô duyên đến thế, người ta thông báo không cám ơn thì thôi, lại còn tỏ ra khó chịu và thiếu lễ độ với thân nhân mình và người khác.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ dựa vào mấy câu Tin mừng ngắn ngủi để xét đoán Chúa Giêsu e là không công minh lắm. Chúng ta cần đặt đoạn Tin mừng này trong bối cảnh của chương 11-12-và 13, khi Chúa Giêsu đang rao giảng cho dân chúng về mầu nhiệm Nước Trời, mà ở vương quốc ấy không còn sự phân biệt bà con ruột thịt theo kiểu thế tục của trần gian, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau, con của một Đấng duy nhất là Thiên Chúa.
Như thế, ta thấy Chúa Giêsu đã tận dụng rất tốt, rất tinh tế cơ hội có một không hai này, để nói cho dân chúng biết về mối hiệp thông trong Thiên Chúa, tức là vương quốc Nước Trời, một gia đình thiêng liêng vĩnh cửu. Ở gia đình thiêng liêng này, mối hiệp thông ruột thịt bị lu mờ đi xem như không có, để làm nổi bật lên một mối hiệp thông siêu nhiên, nơi mà mọi liên lạc đều được xây dựng trên ý của Thiên Chúa.
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy thật tự hào, thật hạnh phúc với lời của Chúa Giêsu: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” Ngài đang nhìn, đang nói với chính mỗi người chúng ta rằng: anh – chị – em là anh là chị là em của tôi. Tất cả những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì kẻ ấy chính là bà con thân thuộc với Ngài, chính là mẹ và là anh em của Ngài. Còn gì hạnh phúc bằng khi nghe một vị Thiên Chúa nói với chính mình như thế.
Trở về với cuộc sống của mình, đôi lúc chúng ta quá bận tâm với các mối quan hệ ruột rà “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, mà quên mất anh chị em xung quanh mình, nhất là những người tin vào Đức Giêsu là Chúa thì có cùng với chúng ta “huyết nhục thần linh”. Do vậy, chúng ta luôn tìm mọi cách để bảo vệ cho quyền lợi những người thân của mình, những người ta yêu mến và dễ dàng làm tổn hại đến lợi ích kẻ khác mà quên mất sự liên đới thần linh và tính công bằng bác ái.
Để trở thành người một nhà của Thiên Chúa, chúng ta phải là những người thực thi ý muốn của Người. Làm sao ta có thể biết được ý muốn của Thiên Chúa? Muốn biết thánh ý của Thiên Chúa để thực hành thì cần phải lắng nghe Lời người, như Samuel: “Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.
Lời Chúa nói cụ thể, dứt khoát qua Lời Kinh thánh, qua Ngôi Lời – Con Chí ái của Người – đó là Lời tình yêu tỏ bày cho nhân loại, chúng ta đã có thái độ nào với Lời của Chúa? Thái độ dửng dưng vì lời đó cũ xì, không thức thời, không còn hợp với lối sống hiện đại…? Lời Chúa luôn là lời cho hôm nay: “Hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa, các ngươi chớ cứng lòng” (Tv 94). Lời Chúa vẫn luôn là Lời mang lại hạnh phúc và sự sống qua mọi thời đại cho những ai trung thành thực hiện Lời Người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để được Người dạy dỗ cho chúng ta hiểu thấu Lời Kinh thánh và can đảm thực hiện Lời của Người trong cuộc sống.
Lời Chúa vẫn còn luôn được nói, được bày tỏ cho chúng ta qua những sự kiện, biến cố của lịch sử, của cuộc đời. Như Đức Maria đã thưa tiếng xin vâng trong biến cố truyền tin – biến cố quyết định cuộc đời Mẹ cũng như lịch sử nhân loại – chúng ta hãy tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống: Ngày hôm nay, trong giai đoạn này, trong sự kiện này, Chúa muốn tôi làm gì?… những chuyện xảy ra chung quanh trong cuộc sống hằng ngày, những thông tin qua truyền thanh, truyền hình và hệ thống mạng về thế giới, xã hội, con người… có là chất liệu cho chúng ta suy gẫm và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa hầu có một thái độ sống phù hợp để thực thi ý Người?
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Cứ ngỡ câu trả lời sẽ rất rõ ràng và dễ dàng: là Đức Maria và các anh em họ Chúa Giêsu đang đứng ở vòng ngoài. Thế nhưng, đáp án Chúa Giêsu đưa ra thật bất ngờ khiến ai nấy ngỡ ngàng: người thân của Ngài là tất cả những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chắc chắn Chúa Giêsu không coi nhẹ quan hệ, tình nghĩa theo huyết thống. Ngài muốn ta vượt lên trên gia đình thân thiết theo nghĩa thông thường, để mở rộng lòng đón nhận một quan hệ, tình nghĩa thiêng liêng: quan hệ, tình nghĩa của những người con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Trong đại gia đình ấy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ trở nên giống người Anh Cả Giêsu, Đấng luôn vâng phục và vuông tròn thực hiện thánh ý Chúa Cha.
“Một giọt nhỏ vâng phục đơn sơ có giá trị gấp triệu lần một bình đầy những suy tính đã chọn lọc kỹ càng” (Th. Maria Mađalêna Pazzi). Tình yêu chân thật với Thiên Chúa dựa trên nền tảng là lòng vâng phục. Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng yêu mến ấy bằng sự vâng phục tuyệt đối, kể cả bằng việc hy sinh mạng sống. Môi chung ta nhìn ngắm mẫu gương vâng phục của Ngài.