Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ngôi Lời Đã Làm Người
31.12 Ngày thứ bẩy trong tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh
1 Ga 2:18-21; Tv 96:1-2,11-12,13; Ga 1:1-18
Ngôi Lời Đã Làm Người
Thiên Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Người bằng cách gửi Lời Ngài đến với chúng ta. Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm giống như chúng ta; Người đã nói một ngôn ngữ nhân loại, và đã kể cho chúng ta về Cha của Người, nói về cách Người nghĩ về chúng ta, và các chương trình Người lập ra cho chúng ta. Để biết Chúa Cha, tất cả những gì chúng ta phải làm là nhìn Chúa Kitô, xem những gì Người làm, lắng nghe những gì Người nói và dạy, nhìn xem những con người mà Người quan hệ với, nơi và những người mà Người đến chia sẻ bữa cơm với, những người mà Người chọn để cộng tác với Người.
Thánh Gioan làm chứng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đây là một mầu nhiệm vĩ đại vì Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh Phanxicô Salê nói: “Ngài là vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới: “Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, “Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gioan đã nói: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Một lần nữa, thánh Gioan chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể đã diễn tả bằng câu rất ngắn: “Và Ngôi Lời đã thành xác phạm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người. Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.
Ngôi Lời có tương quan mật thiết với Chúa Cha, nhưng cũng rất gắn bó với loài người, được sai phái đến trần gian là để làm cho chúng ta có thể thông dự vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ chúng ta tin. Đây là chân trời từ đó bung mở tất cả truyện Giêsu.
Tác giả Tin Mừng thứ IV đã chiêm ngắm công trình và tầm quan trọng của Chúa Giêsu theo cách quy thần. Ngôi Lời mang đến sứ điệp về Thiên Chúa, một sứ điệp cũng chính là bản thân Người. Tất cả những gì tác giả khẳng định về Ngôi Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm, với các từ “ánh sáng, sự sống, vinh quang, ân sủng, sự thật”, đều trở nên rõ nghĩa trong sứ điệp về Thiên Chúa. Chúa Con, Đấng mạc khải Thiên Chúa như là Cha và sự hiệp thông trong Thiên Chúa, vẫn đang soi sáng thế gian, Người xán lạn vinh quang, Người chính là mạc khải về Thiên Chúa và sự quan tâm đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa và Người ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người.
Lời đang ở nơi Chúa Giêsu Kitô đã được chuyển đến cho loài người chúng ta không phải để vang lên rồi tắt mất, nhưng Lời ấy vĩnh cửu và trường tồn như Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1,1-2). Tương quan của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa được xác định ở đây với ba ý: Ngôi Lời thì vĩnh cửu và vô tạo như Thiên Chúa; Người sống trong sự hợp nhất trường tồn với Thiên Chúa; Người là Thiên Chúa theo cùng một cách như Thiên Chúa là Thiên Chúa.
Ba điểm này được tóm trong câu 2, được nhắc lại và khẳng định như là bất biến. Chúng nêu lên bản chất sâu xa nhất, đặc tính chính yếu và tư cách của Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa: Tin Mừng thứ IV nói với chúng ta về hành trình, các lời nói và các hành động của Người trên mặt đất. Trong tất cả những gì Chúa Giêsu làm, ta thấy được điều này: Người không phải là người mang các lời của Thiên Chúa, mà là chính Lời Thiên Chúa, Lời vững chắc và đáng tin như chính Thiên Chúa trong thần tính sâu xa và cao cả của Ngài.
Kinh Thánh mở ra với khẳng định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Ngược lại, Tin Mừng thứ IV không mở đầu bằng lời khẳng định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo Lời”, nhưng bằng lời khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có [Ngôi] Lời”. Giống như Thiên Chúa, Ngôi Lời không được tạo thành, nhưng hiện hữu từ muôn đời, sống trước cuộc tạo dựng, không có khởi đầu và không có kết thúc, vĩnh cửu và không ai trổi vượt hơn. Ngôi Lời vĩnh cửu này ở bên Thiên Chúa từ muôn đời. Người là một đối tác hằng sống của Thiên Chúa và liên kết với Thiên Chúa bằng một sự hợp nhất vĩnh cửu và không có trung gian.
Sự hợp nhất này xảy ra ngay trên bình diện Thiên Chúa; các đối tác bình đẳng với nhau. Ở đây không phải là tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và tạo thành. Ngôi Lời có bản tính Thiên Chúa, phẩm cách Thiên Chúa, Người có cùng bình diện hiện sinh của Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa thế nào thì Người cũng là như thế. Chỉ khởi đi từ tương quan của Người với Thiên Chúa, ta mới có thể hiểu được tầm quan trọng và giá trị, quyền năng và sự viên mãn của Ngôi Lời.
Thánh Gioan làm chứng rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác thịt người phàm và đã ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý: làm chứng về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế ra đời làm người để cứu chuộc nhân loại.
Theo gương Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: Đây là Đấng tôi loan báo. Người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Người trổi vượt hơn tôi, bằng lời nói và hành động. Gia đình Kitô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác và sống theo Lời Chúa.