Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Nếu các con biết Thầy
27.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 13:44-52; Tv 98:1,2-3,3-4; Ga 14:7-14
Nếu các con biết Thầy
“Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con biết Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con” (c.8). Có lẽ trong mỗi giây phút hăng say bồng bột của tuổi trẻ Philip đã xin với Chúa như vậy.
Câu hỏi của Phi-lip gặp lại sự táo bạo của Môsê và Êlia, những người xin được thấy gương mặt Thiên Chúa. Họ đã được đáp trả ít nhiều qua kinh nghiệm kỳ diệu về lửa cháy và gió thoảng, qua đó họ nghe được tiếng Chúa ; nhưng câu trả lời đích thực chỉ có thể đưa ra khi Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong Chúa Giêsu; và qua việc Biến Hình, Chúa Cha đã cho họ thấy người Con rạng rỡ vinh quang và được bao bọc trong tình âu yếm phụ tử, trước các Tông đồ choáng váng vì ánh sáng chói chang.
Ánh sáng mà giờ đây Chúa Giêsu tỏ ra cho các người đồng bàn tiệc ly, với tư cách là hình ảnh của vị Cha vô hình, ấy là ánh sáng của lòng tận tụy và yêu thương. Đây không phải là Chúa Giêsu hay làm phép lạ, nhưng là Đấng đón nhận trong mình tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu đốt cháy Ngài đến độ Ngài phải chết đi vì tình yêu đó.
Trên thực tế, điều chúng ta thiếu, ấy là biết được Chúa Giêsu qua một cảm nghiệm nội tâm. Nhờ một số kiến thức, nhờ việc nghiên cứu lâu ngày các văn bản thánh, chúng ta nhận được một Chúa Giêsu ở bên ngoài, một Chúa Giêsu cụ thể và chính xác.
Đây là bước đầu; nhưng phải đưa vào nội tâm đối tượng này, cũng như bất cứ đối tượng nào của lý trí hầu trở nên một đối tượng của cảm nghiệm, một nguồn cội cho một sự nhập cuộc cá nhân. Đôi với nhiều người, điều này dẫn đến một sự gắn bó bên ngoài, một cảm giác muốn được tiếp xúc, một sự phấn khởi nhất thời; cần phải đi xa hơn nữa. Sự hiệp nhất cần phải được thực hiện tự thâm sâu con người thiêng liêng của mình nhờ tác động của Thần Khí, sức mạnh duy nhất có thể làm cho chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ, là Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: Tái sinh trong Thần Khí, nhờ Thần Khí mà đạt đến thế giới Thiên Chúa, thiết lập một sự hiệp thông tư tưởng và yêu thương với Chúa Cha trong Chúa Kitô: những công thức này vẫn chỉ là công thức nếu không thông qua kinh nguyện cá nhân và kinh nghiệm chứng từ.
Nhưng như Chúa đã xác nhận không ai thấy được Thiên Chúa Cha trừ ra Đức Kitô mà thôi (Ga 1,18. 6,46). Thiên Chúa không còn hiện ra trong sấm chớp hay bằng thị kiến như xưa nữa. Kể từ nay Thiên Chúa Cha tỏ ra trong con người đức Kitô, Đấng không bao lâu nữa sẽ được ánh vinh quang bao phủ. Thứ vinh quang mà Isai chiêm ngắm trong đền thờ xưa chỉ là hình bóng của đức Kitô (Is 6. Ga 12,41). Chúa Kitô đã từng quả quyết “Cha Ta và Ta là một” (Ga 10,30). “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (c.9). Vì thế từ đây không phải là đền thánh Gierusalem của người Do thái, hay đền thờ của người Samaria ở Garisim (Ga 4, 20) nữa, chỉ còn một nơi duy nhất, một chỗ gặp gỡ duy nhất là chính bản thân đức Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 4,21-24. 2,13-22). Từ đây ai đón nhận Ngài là đón nhận Cha Ngài.
Có lẽ câu Philip “Xin tỏ cho chúng con thấy Thiên Chúa Cha” (c.8) phần nào minh chứng ông chưa hiểu mấy về chính Chúa Kitô. Chúa Cha và Chúa Con không thể tách lìa nhau. Con đâm rễ sâu trong Cha và Cha ẩn mình trong Con, Thiên Chúa Cha ở nơi Con và làm việc qua Con. Chúa Giêsu đã quả quyết “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (10,38). Các lời nói việc làm của đức Kitô là của Thiên Chúa Cha (5,17-26.30.36.7,16-17. 8,26-29.10,25). Vì thế Chúa Kitô nói nếu không tin vào lời Ngài thí ít ra là hãy tin vào việc làm của Ngài là các phép lạ (10,25.37.38).
Qua bản văn trên chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là một người thực sự giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Nhưng một đàng Ngài lại khác chúng ta một trời một vực vì Ngài là Thiên Chúa đồng bản tính, đồng việc làm với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha qua chính bản thân, lời nói và việc làm của Ngài. Có lẽ lời Chúa trách cứ “Philip à, Thầy đã ở giữa các con biết bao lâu rồi thế mà con chưa biếr Thầy” (c.9). Lời nói này cũng bao hàm như câu của Gioan tiền hô “Trong thế gian có một người mà thế gian không biết” (Ga 1,10).
Nhưng lời ấy vẫn là lời tiên tri vang dội cho mỗi thời đại. Cũng như xưa kia Chúa Giêsu đã sống giữa dân Ngài 33 năm ròng. Ngài đã gặp gỡ, chuyện vãn, nhìn ngắm quê hương Ngài, Ngài đã dạy dỗ và làm phép lạ. Nhưng họ mỉa mai Ngài là con bác thợ mộc (Mc 6,3), là bị mát, cần phải dẫn về quê, là thông đồng với Beelgiêbuth…
Hình như giữa Ngài và chúng ta như có một bức tường lãnh đạm chống đối nào đó, mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình một thứ chống đối Thiên Chúa. Chúng ta như cố vùng vẫy thoát ly khỏi tay Ngài. Dù được Ngài mời gọi, nhưng chúng ta vẫn cứ viện những lý do riêng để từ chối Ngài như những người kia từ chối tiệc cưới con vua vậy (Mt 22,1-14). Sau 20 thế kỷ ai trong chúng ta tránh được lời trách của Chúa “Thày đã ở giữa các con biết bao lâu… “. Đã từ lâu các con chưa nhận ra Ta đói khát, cô đơn, hất hủi, khinh miệt. Sau hai ngàn năm sự có mặt của Chúa như thể là sự có mặt trong bóng tối. Và có lẽ không sẽ có mặt như thế mãi đến tận thế. Thiên Chúa ở giữa sự im lặng.
Thiên Chúa sinh ra trong cảnh im lìm của đêm thâu. Ngài sống 30 năm trầm lặng. Ngài phục sinh trong đêm khuya. Ngài sống lai, hiện ra rồi đấy nhưng Madalêna tưởng đâu là bác làm vườn (Ga 20,15), hai môn đệ Emmaus tưởng Ngài là khách bộ hành (Lc 24,13), các môn đệ tưởng là ma (Lc 24,36).
Người của Chúa nhận ra tiếng Chúa “Chiên Ta biết Ta” (Ga 10,14). Ai nhẫn nại làm quen với công việc của Chúa sẽ dễ nhận ra Ngài khắp nơi. Chúa ở gần chúng ta lắm ! sách Khải huyền nói “Đây Ta đứng ngoài cửa lòng và Ta gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào dùng bữa với nó, nó với Ta” (3,20). Như vậy nếu chúng ta chưa gặp được Ngài thì lỗi ấy tại ai ?
Chúa Giêsu đã đưa ra một Khẳng định và một câu hỏi: trước hết Ngài nêu lên một chân lý: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”, đó là một thực tại đã quá thiên nhiên; câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philip: Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm, không phải là của Thầy mà là của ThiênChúa Cha ở trong Thầy.
Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philip cũng là lời nhắc nhở chúng ta: đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xảy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy: hàng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ nhưng đã mấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.