Vì sao bạn mãi tầm thường! Trong khi bạn đang…
MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ THIÊN ĐÀNG
MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ THIÊN ĐÀNG
Ngày 26 tháng 8 năm 2023 vừa qua, trên trang web của Giáo phận Long Xuyên có đăng bài viết tựa “Thiên đàng sẽ như thế nào?”, tác giả là linh mục Ronald Rolheiser, O.M.I., cũng là chủ tịch Trường Thần học Hiến sĩ ở San Antonio (Texas) đã mở đầu bài viết như sau: “Linh mục Andrew Greeley, một nhà xã hội học đã từng gợi ý, có lẽ chúng ta sẽ có ích hơn nếu chúng ta suy gẫm về phiên bản này của thiên đàng: Tình trạng ngây ngất thể lý và sự thỏa mãn tinh thần chúng ta có từ sự giao hợp tình dục giữa hai người yêu nhau sâu đậm là dự báo tốt nhất hiện nay cho tình trạng vĩnh hằng của chúng ta khi được phục sinh. ‘Giá trị đầy cảm hứng của xung lực tình dục và sự rực rỡ tuyệt diệu của cơ thể con người sẽ không bị kiềm chế trong tình trạng phục sinh như khi bị kiềm chế do sự yếu ớt của thế giới này. Niềm vui phục sinh sẽ mang tính tương giao, thể lý, tình dục và phối hợp, vì chúng ta sẽ tận hưởng chúng với nhau’.” [1]
Quả thực, khái niệm mới lạ độc đáo về thực tại thiên đàng này có thể đã khiến độc giả Ki-tô hữu chúng ta bị sốc nặng! Sốc là vì cái nhìn thần học về thiên đàng không còn dựa trên những khái niệm truyền thống trừu tượng, mơ hồ, khó hiểu mà trái lại mở ra một viễn ảnh quá nhiều cảm xúc rất “con người xác thịt” được diễn giải qua các từ khóa như thể lý (ngây ngất thể lý), giao hợp (giao hợp tình dục, tương giao, phối hợp, làm tình), tình dục (cảm hứng của xung lực tình dục)… Có lẽ phần đông tín hữu chúng ta không ai dám nghĩ tới điều này. Chính tác giả bài viết cũng thú nhận: “Không ít người sốc với dạng hình dung này về thiên đàng. Tuy nhiên, chính dạng hình dung này rất nổi bật trong đường lối mô tả thiên đàng của nhiều nhà thần nghiệm Ki-tô giáo vĩ đại,
kể cả Gioan Thánh Giá, Thánh Têrêxa thành Avila. Với họ, cái chết là đêm tân hôn”. (Ronald Rolheiser – bài đã dẫn)
Vậy chúng ta phải hiểu thiên đàng là như thế nào?
1.- Thiên đàng là gì?
Trước hết, phần đông chúng ta sẽ không bao giờ có tham vọng nghĩ đến hay đưa ra một phiên bản mới lạ về thiên đàng như một số nhà thần học. Từ trước tới nay các bài học Giáo lý đều giúp ta biết rằng thiên đàng là một mầu nhiệm, thuộc về tứ chung gồm sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Chúng ta biết được có thực tại thiên đàng hay còn gọi là nước trời, quê trời, là do mạc khải của Thánh Kinh và nhờ những trải nghiệm thần bí của các vị thánh trong Hội thánh qua các cuộc thị kiến trong giấc mơ hay trong lúc cầu nguyện.
Trước hết, câu hỏi đặt ra là thiên đàng có phải là một nơi chốn đặc biệt không? Theo một số đông các nhà thần học thì thiên đàng không khu trú trong một không gian cố định như thuộc về một hành tinh nào đó trong vũ trụ bao la này. Khi nói thiên đàng là quê trời nơi Thiên Chúa ngự trị thì khái niệm nơi chốn chỉ là một so sánh mang tính loại suy, như kiểu ta thường cầu nguyện cho kẻ chết được lên thiên đàng…Thiên đàng ở đâu mà “lên” bây giờ! Thiên Chúa là tình yêu, sự sống và hạnh phúc vô biên, lên trời hay lên thiên đàng có nghĩa là chúng ta được trở về cội nguồn của mình.
Thực vậy, “Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc đích thực mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng: Nước Thiên Chúa đến; hưởng nhan thánh Chúa: ‘Phúc thay ai có lòng trong sạch ngay thẳng, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa’ (Mt, 5,8); được vào hưởng niềm vui của Chúa; được an nghỉ trong Chúa (Dt 4,7-11)” (GLHTCG số 1720).
“Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để nhận biết, phục vụ, yêu mến Người và nhờ đó được hưởng phúc Thiên Đàng. Hạnh phúc đích thực là được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4) và sự sống đời đời; nhờ đó, con người được đi vào trong vinh quang của Đức Ki-tô và hưởng cuộc sống của Ba Ngôi”. (GLHTCG số 1721).
Khi nói về Thiên đàng là đích điểm niềm hy vọng Ki-tô giáo, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chia sẻ:
“Thiên đàng không phải là một nơi của chuyện huyền thoại, và cũng chẳng phải là vườn thần tiên. Thiên đàng là vòng tay ôm với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu vô biên, và chúng ta vào thiên đàng nhờ Chúa Giêsu, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi ấy có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Chúa thì chỉ có lạnh lẽo và tối tăm. Trong giờ chết, Kitô
hữu lập lại với Chúa Giêsu: ‘Xin Chúa nhớ đến con’. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương” (Nguồn vi.radiovaticana.va/news).
Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999, Đức thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tạo nên vấn đề thời sự. Ngài nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài người”. Ngài nói rõ thêm,“Thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây, nhưng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần” (Nguồn: web conggiao.info).
Như trên đã nói, không ai trong chúng ta có kinh nghiệm cụ thể về thiên đàng ngoại trừ trường hợp họa hiếm của một số ít các vị thánh. Chẳng hạn, chúng ta có thể biết được vài nét về thiên đàng, qua thị kiến của thánh nữ Faustina được ghi lại như sau: “Hôm nay ngày 27 tháng 11 năm 1936, tôi được ở thiên đàng cách thiêng liêng. Tôi thấy những sự đẹp đẽ không thể diễn tả và những hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta sau khi chết. Tôi thấy các tạo vật đang dâng lời ca tụng tôn vinh Chúa không ngừng. Tôi thấy hạnh phúc trong Chúa lớn lao chừng nào, hạnh phúc lan ra mọi thụ tạo, làm cho họ sung sướng. Rồi tất cả vinh quang, ca ngợi dâng lên từ hạnh phúc này trở về nguồn là Chúa, nhập vào chiều sâu của Chúa, chìm vào cuộc sống trong Chúa Ba Ngôi, mà không bao giờ có ai hiểu hết hoặc đo lường hết được” [2]
Sau đây là những cảm nghiệm về những gì xảy ra sau khi chết của thánh nữ Têrêxa Avila.
“Thánh nữ Têrêxa Avila, một trong những vị đại thánh thuộc Hội thánh Công giáo, thường hay được trải nghiệm tình trạng xuất thần. Những gì thánh nữ trình bày sau đây hoàn toàn đồng hóa với một sự cảm nghiệm về sự chết:‘Tôi cảm thấy mình được đưa lên trời và những người đầu tiên tôi nhìn thấy ở đó là hai ông bà thân sinh của tôi’.
“Và thánh nữ cũng so sánh những cảm nghiệm của bà với sự chết. Bà thường nói về giây phút ‘…khi linh hồn thoát ra khỏi ngục tù giam hãm nó trong một giây lát và được đưa vào trong sự an bình yên tĩnh…và sự mạc khải về những điều thật cao siêu mà linh hồn chiêm ngắm trong lúc xuất thần như
thế, thì đối với tôi là một điều hết sức tương tự giống như sự linh hồn lìa ra khỏi xác… Linh hồn chấp nhận điều đó’.
“Thánh nữ tâm sự là bà được kết hiệp với Thiên Chúa. Và từ đó bà nhận thức được một cách chắc chắn rằng bà hoàn toàn không thể rời bỏ đức tin đó được, bà nói:‘…Tôi đã không biết được rằng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi sự, và theo tôi là một điều bất khả, là Thiên Chúa lại hiện diện cách thân tình với tôi dường ấy, như tôi đã trải nghiệm được điều đó’.” [3]
Như vậy, “Thiên Đàng là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh. Sống trên thiên đàng là ở với Đức Kitô. Vinh quang thiên đàng vượt trên bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng: ‘Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe… điều mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài’ (1Cor 2,9). Tuy nhiên chúng ta có thế cảm nếm Thiên Đàng ngay bây giờ nếu ta bước đi trên nẻo đường tình yêu.” [4]
2.- Những ai được hưởng hạnh phúc Thiên đàng?
Mọi Ki-tô hữu đều ước mong sau khi chết sẽ được “lên Thiêng đàng” để được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Thiên đàng là phần thưởng tuyệt vời nhất dành cho những kẻ trung tín, đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Phần thưởng ấy khác xa với những gì chúng ta hình dung, nhất là theo cách nghĩ thiển cận của đức tin bình dân thì Thiên đàng là “chốn bồng lai tiên cảnh”, ở đó người ta được sống một đời sống vui sướng, an nhàn đời đời.
Vì Thiên đàng là chính Thiên Chúa hằng sống, là sự hiệp thông yêu thương với Ba Ngôi Thiên Chúa, là mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô, cho nên chúng ta được mời gọi chuẩn bị một tinh thần và một tâm thế đặc biệt để lãnh nhận Thiên đàng.
-Thiên đàng trước hết là ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai có lòng tin và biết sám hối.
Khi Chúa Giê-su đến trần gian rao giảng Nước Thiên Chúa, thì thánh Gio-an Tẩy Giả đã loan báo, “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Đức Giê-su cũng rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì ơn cứu chuộc đã đến gần và được ban nhưng không, nên những ai muốn lãnh nhận ân huệ ấy thì phải chuẩn bị cả thể xác lẫn tinh thần với một tâm thế đặc biệt, đó là sự sám hối. Sám hối là từ bỏ con người cũ, quay đầu 180o, sẵn sàng thay đổi hoàn toàn để đón nhận thực tại mới. Đó là niềm tin vào Đức Giê-su. Người trộm lành sám hối đã được Chúa Giê-su hứa cho vào Thiên đàng với Ngài, “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
-Thiên đàng cũng là phần thưởng dành cho những công dân trung tín của Nước trời.
Đó là những người sống và thực hành Tám Mối Phúc thật.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5, 1-12)
-Thiên đàng luôn dành cho những ai có lòng mến Ki-tô giáo
Có thể nói giữa Thiên đàng và lòng mến Ki-tô giáo có một mối liên hệ rất mật thiết. Nói cách khác, Thiên đàng luôn là phần thưởng cho những ai có lòng yêu mến theo gương Đức Ki-tô, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34); “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (x.1Ga 4,16).
Sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức Thiên đàng, đòi hỏi chúng ta phải mặc lấy chiếc áo lòng mến của Chúa Ki-tô, là Đấng đã yêu mến Cha và yêu thương nhân loại đến cùng. Thánh Phao-lô đã ca tụng Đức Mến như con đường trổi vượt mà mọi Ki-tô hữu phải dấn thân đi theo (x. 1Cor 13, 1-13). Tất cả sẽ qua đi, duy chỉ có lòng mến là tồn tại. Sự tồn tại của lòng mến chính là sự tồn tại vĩnh cửu của Thiên đàng. Vì cả hai đều xuất phát từ Thiên Chúa là tình yêu. Khi yêu mến như Đức Ki-tô, chúng ta đã sống thực tại thần linh và vĩnh cửu rồi (x. Ga 13, 8-13).
Trong viễn ảnh cuộc phán xét diễn ra vào ngày chung thẩm, mỗi người tín hữu chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào việc thực thi những bổn phận liên quan đức ái Ki-tô giáo. Chúng ta sẽ được tuyển chọn hay bị loại trừ là tùy vào
những việc cụ thể chúng ta làm hay bỏ qua không làm cho những người anh em mình. Lúc đó Thiên đàng sẽ ban cho “những kẻ lành” đứng bên phải Đấng Phán Xử. “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm’ ” (Mt 25, 34-36)./.
Aug. Trần Cao Khải
________________
[1]https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/thien-dang-se-nhu-the-nao.html [2]https://longchuathuongxot.vn/v2/thanh-kinh-cho-chung-ta-biet-gi-ve-thien-dang-hoa-nguc-va-noi-thanh-luyen/ [3]LM Nguyễn Hữu Thy, bài “Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (3)”, nguồn: VietCatholic News 21-11-2008 [4]https://tgpsaigon.net/bai-viet/tim-hieu-sach-glhtcg-%E2%80%93-bai-48-thien-dang-3485