skip to Main Content

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 107 – Ý nghĩa của lao động

 

 

Câu hỏi: Lao động có ý nghĩa gì trong công trình của Thiên Chúa không ạ?

Trả lời:  

Để có thể tồn tại và sinh sống, chúng ta cần những lương thực cần thiết. Những lương thực ấy không tự nhiên xuất hiện trước mắt chúng ta nhưng là kết quả của biết bao mồ hôi nước mắt từ nỗ lực lao động của bao người. Dù là nơi đồng ruộng thôn quê hay nơi công xưởng chốn thị thành, không có bàn tay lao tác của con người, thì cũng sẽ không có những miếng cơm ngon, một ngôi nhà no ấm. Quả vậy, con người – dù có tài năng cỡ nào đi nữa – cũng không phải là các thiên thần.

Con người không phải chỉ hít thở mà sống. Con người cần có cái ăn, không những ăn no mà còn phải là ăn ngon. Mọi thứ trên trái đất này được dựng nên cho con người, nhưng không tự nhiên mà nó trở thành của ăn của uống. Con người phải vất vả làm việc, dãi nắng dầm mưa, chịu thương chịu khó. Ngoài ra, xã hội này rộng lớn, người ta lại cạnh tranh nhau. Nhiều khi, mình cũng muốn làm việc đàng hoàng để kiếm sống nhưng vẫn thấy chẳng dễ chút nào. Hiểu được ý nghĩa của lao động sẽ giúp chúng ta có được nguồn động lực để làm việc, tránh thái độ lười nhác.

Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì liên quan đến việc lao động?

Thuật ngữ “lao động” mà chúng ta dùng ở đây không chỉ nói đến việc lao động chân tay, nhưng còn là mọi hoạt động nói chung của con người, nhằm cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho các nhu cầu của mình. Chúng ta vẫn nghe nói đến một kiểu “lao động trí óc”, nghĩa là một kiểu lao động không dùng nhiều đến chân tay, nhưng phải vận dụng rất nhiều chất xám, trí tuệ. Kiểu lao động này cũng làm cho người ta rất mệt mỏi, có khi còn hơn cả lao động chân tay. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý là việc lao động đúng nghĩa thì ngoài việc phục vụ cho lợi ích của con người, cũng phải góp gần xây dựng thế giới. Những kiểu lao động làm tổn hại đến nhân loại, đến môi sinh (như phá rừng bừa bãi…) thì không được xem là lao động chân chính.

Nhiều người cho rằng việc lao động của con người chính là hình phạt mà Thiên Chúa giáng xuống do sự bất tuân của họ, mà câu chuyện Adam là một minh hoạ. Chúng ta đọc thấy trong án phạt Thiên Chúa dành cho Adam là: “…Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,17-19). Thoạt nghe những lời này, chúng ta có liên tưởng đến việc lao động, và cho rằng nó có thể là hệ quả của những tội lỗi chúng ta gây ra. Tuy nhiên, nếu đọc sách Sáng Thế trước đó một chút, chúng ta thấy sứ mạng “lao động” đã được Thiên Chúa giao cho con người trước khi con người phạm tội: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như thế, tự bản thân việc lao động không phải là hệ quả của tội, nhưng là một sứ mạng được Thiên Chúa uỷ thác cho con người. Tình trạng tội làm cho chúng ta thoái thác trách nhiệm này và cảm thấy lao động như một cái gì đó nặng nề, mệt mỏi. Nói cách khác, làm việc – lao động là một mệnh lệnh của Thiên Chúa và cũng là cái làm nên phẩm giá của con người. Lao động là thực thi chức năng “làm chủ” của con người trên mọi loài thụ tạo khác.

Đoạn Tin Mừng Mt 6,25-30 có thể làm cho nhiều người thắc mắc khi Chúa Giêsu dạy rằng: “ đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? … Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” Nhiều người đọc sơ qua và kết luận rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta không cần phải lao động, cứ phó thác tất cả cho Thiên Chúa quan phòng, giống như con chim sẻ hay như hoa huệ ngoài đồng. Nhưng Chúa Giêsu không có ý cổ võ cho một đời sống lười biếng. Ý của Ngài khi nói những điều này là nhắm đến tính quan trọng và trỗi vượt của việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”, như chúng ta đọc thấy ở đoạn sau (Mt 6,33).

Bằng chứng là ở Ga 6,22-29, chúng ta đọc thấy lời dạy dỗ của Đức Giêsu dành cho đám đông chỉ mong chờ phép lạ hóa bánh để được ăn uống thoả thích mà không phải làm việc: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Chúng ta biết là Đức Giêsu sinh trưởng trong một gia đình lao động chân tay. Truyền thống Giáo Hội lâu nay vẫn cho rằng bố nuôi của Ngài là Thánh Giuse được biết đến như một người làm mộc. Tin Mừng Marco tường thuật cho chúng ta biết người dân vùng quê của Đức Giêsu gọi Ngài là “bác thợ” (x.Mc 6,3). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng, mặc dù Đức Giêsu không tiếp tục hành nghề này để kiếm sống, nhưng Ngài vẫn làm việc. Ngài không ngừng giảng dạy cho người ta biết về mầu nhiệm Nước Trời, Ngài làm các phép lạ, Ngài đi khắp nơi, thi ân giáng phúc. Đúng như lời Ngài nói: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Chắc là bạn cũng không lạ lẫm gì với dụ ngôn nén bạc (x.Mt 25,14-30). Ông chủ đã giao cho các đầy tớ những nén bạc phù hợp với khả năng của họ và muốn họ phải làm lời. Có những đầy tớ đã tuân theo mệnh lệnh của chủ, cố gắng làm cho đồng bạc mình nhận được sinh thêm những đồng khác. Nhưng cũng có đầy tớ lười biếng, đã chôn vùi đồng bạc nhận được và trả lại chủ y nguyên. Ông chủ đã trách đầy tớ này và phạt anh ta. Dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về bổn phận lao động (Xem thêm: 2 Tx 3,10-13). Chúng ta không thể chỉ trả lại cho Thiên Chúa những gì đã lãnh nhận, nhưng còn phải có cái gì đó là thành quả lao nhọc của chúng ta.

Lao động và những vấn đề của nó

Khi hoàn thành xong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã trao vào tay con người tất cả những thụ tạo để con người lao tác và canh giữ chúng. Lao động dường như trở nên một vinh quang cho con người vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc canh tân thế giới, nhưng đồng thời cũng là một nghĩa vụ mà Đấng Sáng Tạo đã trao ban cho mình. Thế giới tự nhiên sẽ trở nên lụi tàn khi không được con người canh tác. Những thành quả của thế giới tự nhiên cũng sẽ phong phú hơn khi được con người chăm bón, bảo vệ. Có thể nói, lao động là một hình thức con người thu tích những gì Thiên Chúa ban qua tự nhiên để có thể đảm bảo cho cuộc sống của mình. Lao động làm cho phẩm giá của con người được thăng hoa hơn, làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn.

Thế nhưng, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghiệm thấy được những khó khăn trong việc lao động. Chẳng có lao động nào lại không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ cái gì đó. Từng nhát cuốc bổ xuống trên ruộng đồng mang theo biết bao giọt mồ hôi nhễ nhãi. Cái nắng ban trưa của mùa hè như thiêu đốt người nông dân. Khi gió lên, khi mưa xuống, người nông dân lo lắng: hạt mầm có nảy sinh được không? Có sâu bệnh gì không? Nước có dâng lên làm ngập úng không? Một hạt gạo là cả một nỗi niềm lắng lo gói ghém trong đó. Nơi công ty, những áp lực của hợp đồng, của chất lượng sản phẩm cứ canh cánh không yên. Lao động làm cho chúng ta tốn sức, làm cho trí óc ta phải vận hành liên lỉ không ngơi. Phải chạy đôn chạy đáo chỗ này, lựa lời ăn nói chỗ kia. Phải vắt óc suy nghĩ ra chiến dịch này, khuyến mãi kia để có khách. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần luôn là một khoảng thời gian uể oải, vì phải đi làm việc, phải kiếm đồng lương để cho con cái, cho gia đình, cho tương lai.

Tệ hại hơn, con người ngày nay không còn xem lao động là một hình thức cải tảo thiên nhiên nhưng đã trở thành một kiểu hủy hoại thiên nhiên cách tàn nhẫn. Chỉ vì đồng tiền, con người bất chấp những thủ đoạn, bất chấp cả những hậu họa có thể gây ra vì những hành vi sai trái của mình. Buôn ma túy, buôn người… giờ đây đã trở nên nghề thịnh hành hái ra tiền, bất chấp những nghiêm minh của luật pháp. Những cây gỗ quý, thú quý giúp cân bằng hệ sinh thái đã bị con người khai thác không thương tiếc. Việc sử dụng những hóa chất giúp trái cây được tươi, rẻ đã gây ra không ít những chứng bệnh quái ác cho con người. Những khí độc thải ra từ các ống khói nhà máy đang ngày càng chọc thủng các tầng Ozon, lớp bảo vệ sự sống của con người. Rồi cũng vì đồng tiền, con người sẵn sàng hãm hại nhau, thủ tiêu nhau không thương tiếc. Mạng sống con người, vốn là hình ảnh Thiên Chúa, đã bị chính con người xếp ngang hàng với thứ hàng hóa rẻ tiền. Đấy là hậu quả của một thứ lao động bất chính và phi nhân, đi ngược lại với lệnh truyền của Tạo Hóa.

Cũng có một kiểu thái độ đối nghịch lại với lao động là sự lười nhác, xuất phát từ thái độ tự ti cho rằng mình chẳng có gì để làm việc. Xin chia sẻ đến bạn câu chuyện mà chúng tôi góp nhặt được trên Internet:

Có một chàng thanh niên lúc nào cũng ngồi than thân trách phận không may của mình, nên không thể nào giàu có được. Ngày nọ, một ông lão đi qua thấy vẻ mặt ủ ê của anh ta bèn hỏi :

– Chàng trai kia, sao trông cậu buồn bã thế, cậu có điều gì không vui sao?

– Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.

– Cháu mà nghèo ư, cháu đang giàu có đấy chứ ?

– Chưa thấy ai nói với cháu như vậy cả, vì thực sự cháu rất nghèo.

– Này nhé: Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, và trả 3 lượng vàng thì cháu có chịu không?

– Không ạ.

– Giả như ta chặt một bàn tay của cháu và trả 30 lượng vàng, cháu có chịu không?

– Không bao giờ.

– Vậy nếu ta lấy đi đôi mắt của cháu và trả cháu 300 lượng vàng, thì cháu thấy thế nào?

– Cũng không được.

– Vậy nếu ta trả cháu 3000 lượng vàng để hai ông cháu chúng ta hoán đổi số phận, để cháu trở thành một lão già như ta có được không?

– Đương nhiên là không.

– Cháu muốn giàu. Vậy nếu ta trao cho cháu 30,000 lượng vàng để lấy đi mạng sống của cháu, thì cháu thấy thế nào?

– Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu đang là một người giàu có mà cháu không biết.

Chúng ta luôn được Thiên Chúa ban cho đầy đủ những khả năng để lao động. Nếu chúng ta xem lao động là một sự đày ải mệt mỏi, hệ quả của tội thì ta sẽ thấy nó rất nặng nề. Còn nếu chúng ta xem nó như một cơ hội để được cộng tác với Thiên Chúa thì nó sẽ trở thành một niềm vui lớn lao của chúng ta.

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có một ý thức đúng đắn về lao động, rằng lao động là cộng tác với Chúa vào công cuộc sáng tạo của Người, rằng lao động là đặc ân mà Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người, và đồng thời cũng là một nhiệm vụ mà con người lãnh nhận trực tiếp từ tay Tạo Hóa.

Chúng ta cũng hãy dâng lên Chúa những mệt mỏi của chúng ta khi lao động. Xin cho chúng ta biết chạy đến với Người mỗi khi chúng ta mệt mỏi, nặng gánh vai mang, để được Người nâng đỡ ủi an như lời Người đã hứa. Từng giọt mồ hôi nước mắt vất vả mới làm nên được miếng cơm nuôi sống gia đình. Ước chi chúng trở thành của lễ dâng lên Chúa, để Chúa thánh hóa và tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác cho chúng ta. Chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta luôn tín thác vào Chúa hơn. Dù lao động để trang trải cuộc sống, nhưng bao giờ bám víu vào những của cải ấy, nhưng chỉ một lòng hướng về Chúa mà thôi, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ lo lắng cho mình và ban cho mình hằng ngày dùng đủ.

Chúng ta cũng xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta không quá tham lam vào của cải vật chất mà thực hiện những hình thức lao động có hại đến thiên nhiên và con người.

Và cuối cùng, chúng ta xin Chúa tạo điều kiện cho những ai đang thất nghiệp vì lý do khách quan hay chủ quan nào đấy. Xin Chúa cũng cho họ được có cơ hội tham gia vào việc gìn giữ và cải tạo thế giới này của Chúa qua tài năng của họ, để cuộc sống của họ cũng được ấm no hơn, mọi người sống hạnh phúc hơn, trần gian được bình an hơn. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

Back To Top