skip to Main Content

MỜI CHÚA VÀO NHÀ

16.1.2022 Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm

Is 62:1-5; Tv 96:1-2,2-3,7-8,9-10; 1 Cr 12:4-11; Ga 2:1-11

MỜI CHÚA VÀO NHÀ

Đám cưới ở Do Thái là một dịp vui mừng. Thay vì tuần trăng mật, thì họ tổ chức tiệc tùng kéo dài cả tuần lễ. Vì thế số lượng rượu phải được tính toán cẩn thận kẻo bị thiếu hụt. Và sự kiện này lại xảy ra ở Cana, một thành phố nhỏ năm giữa Nadarét và biển hồ Tiberiat, là quê hương sinh trưởng của Nathanael, là nơi Chúa cho con của một sĩ quan gần chết được khỏi bệnh. Dù sao thì bữa tiệc hôm ấy không còn một giọt rượu nào, mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria lại có mặt ở đó, vì có lẽ là chỗ bà con họ hàng.

Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ.

Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.

Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Kể từ ngày đẹp trời ấy tại Cana, mỗi tiệc cưới sẽ nhắc nhở chúng ta về tình yêu phong nhiêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Và mỗi đôi hôn phối sẽ làm cho chúng ta nghĩ đến sự trung thành của Thiên Chúa. Trên hết, chúng ta sẽ nhớ rằng bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành là một Giao Ước mới, là sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa và những người khác trong Giáo Hội.

Bấy giờ người ta chưa biết gì về uy quyền của Chúa, họ chỉ nhận ra Ngài là một người thợ mộc chân thành, không tiếng tăm. Nhưng mấu chốt là nơi Mẹ Ngài. Các bà mẹ thường nhìn thấy những điều cần thiết. Huống chi là Đức Mairia. Mẹ ân cần thưa lên với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi. Bên ngoài, câu nói này có vẻ như xa vời, nhưng bên trong là cả một lời van xin thầm kín, không nài ép nhưng đầy lòng tin tưởng. Trông thâm tâm, Mẹ nghĩ rằng có lẽ con mình sẽ giúp được gì cho họ, chứ chưa hẳn đã là một phép lạ. Cũng vì tin tưởng, Mẹ đã rỉ tai các gia nhân: Hễ Ngài dạy sao thì cứ làm như vậy.

Sau những lời thưa trình của Đức Mẹ, Chúa Giêsu trả lời một cách hững hờ: Tôi với bà có liên can gì. Câu trả lời hàm ý một sự chối từ. nhưng ở đây, một lần nữa, qua lòng tin nổi bật của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã ra tay cứu giúp đôi tân hôn bằng một phép lạ lẫy lừng.

Sau này, Chúa cũng làm như vậy trong trường hợp người đàn bà xứ Canaan, ở đó Chúa tuyên bố Ngài không đến cho dân ngoại, nhưng cũng vì đức tin của bà mà Chúa đã ban phép lạ. Phải chăng Chúa Cha muốn Đức Kitô làm pháp lạ, theo lời Mẹ Maria cầu xin. Vì thế Công đồng Vat. II đã nói: Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Ngài chỉ xuất hiện vào lúc đầu trong tiệc cưới Cana. Mẹ đã động lòng trắc ẩn và nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ. Chúa Giêsu đã khai mạc bằng phép lạ của Ngài.

Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Tin Mừng, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong cả cuộc đời.

Sự sai lầm của các cặp vợ chồng là đã không xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề. Đức Cha Tihamer Toth đã hỏi các bạn trẻ: “Các bạn có biết cái tội đầu tiên mà đôi bạn Công giáo đã phạm không? Và Ngài đã trả lời: đó là khi làm đám cưới, các bạn đã mời tất cả, nào là bà con, bạn hữu, phụ dâu, phụ rể, cả thợ trang điểm, thợ may, mời luôn dàn nhạc, mời hết chỉ trừ Chúa Giêsu là không có trong danh sách được mời. Đó là cái tội đầu tiên của đôi tân hôn. Và cái tội đầu tiên nầy là khởi điểm của một cuộc phiêu lưu dẫn đôi bạn trẻ vào một con đường vô định, một con đường đầy bóng tối…”.

Một em bé gái mới lên năm, vừa cùng mẹ đọc kinh trước khi ăn cơm. Mẹ em thường ứng khẩu những lời kinh nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy nên vị khách quý của bữa cơm hôm nay”. Bà cầu nguyện chưa xong, thì bỗng em bé nhìn mẹ và nói: “Nhưng thưa mẹ, con không muốn Chúa Giêsu làm người khách của chúng ta”. Bà mẹ hoảng hốt hỏi lại: “Tại sao lại thế”?. Em bé trả lời: “Vâng, thưa mẹ, là người khác, Chúa chỉ đến một vài lần thôi. Con muốn Chúa Giêsu đến đây và ở lại luôn mãi với chúng ta”.

Thiên Chúa nhập thể đã làm đám cưới với nhân loại, vì yêu thương nhân loại, để nhân loại bắt tay nhau. Động cơ của hợp nhất, đầu mối của hạnh phúc lứa đôi là tình thương yêu. Tình thương yêu là cái gì tự nhiên nhất của con người. Giận ghét, oán thù, chia rẽ, phân ly là tình trạng bất bình thường. Đã là bất bình thường thì mọi người phải tìm cách giàn xếp để cùng nhau trở lại tình trạng bình thường là yêu thương nhau, hiêp nhất với nhau.

Nếu chúng ta không mời Chúa Giêsu đến trong đời sống hôn nhân và gia đình, gia đình sẽ có nguy cơ cạn dần thứ rượu nồng của tình yêu. Chúa Giêsu phải có mặt trong gia đình và mọi người trong gia đình phải biết sống với Ngài, yêu mến Ngài, kính trọng Ngài như một Thượng Khách, thì tình yêu thương giữa mọi người sẽ như thứ rượu mới luôn luôn đầy tràn và đời sống gia đình sẽ là nguồn vui và hạnh phúc.

Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai

Back To Top