skip to Main Content

Mẹ khả ái của Giáo Hội

Mẹ khả ái của Giáo Hội.

Đức Maria luôn là Mẹ khả ái của Giáo Hội, là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta:

Dù ta đi suốt cuộc đời,

Cũng không đi hết những lời mẹ ru.

Dù ta đi trọn kiếp người,

Cũng không đi hết những lời mẹ khuyên.

Mẹ hằng cầu xin tuôn đổ tràn đầy ân sủng Chúa Thánh Thần và hướng dẫn nhắn nhủ các môn đệ và dân Chúa tới gần Chúa Giêsu hơn.

Công Đồng Vaticanô II trong hiến Chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là “thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và ‘gương sáng” của Giáo Hội, Công Đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu (LG 53).

Khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì những lý do sau:

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội” (Đức Phaolô VI).

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).

– Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính toà Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử toạ như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?” Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.

Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử toạ liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Đàng, Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…

Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nối tiếp: “Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria…”. Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Đức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.

Tước hiệu nói lên tương quan mẫu tử của Đức Maria với Giáo Hội.

Tước hiệu này ít được sử dụng trong quá khứ, nhưng mới đây trở nên phổ biến hơn trong những công bố của huấn quyền Giáo Hội và trong sự sùng kính của dân Kitô hữu. Đầu tiên, người tín hữu kêu cầu Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, “Mẹ tín hữu” hay là “Mẹ chúng con” để nhấn mạnh tới tương quan với từng đứa con của mình.

Về sau, do sự chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm Giáo Hội và mối tương quan của Đức Maria với Giáo Hội, nên Đức Trinh Nữ Rất Thánh bắt đầu được kêu cầu thường hơn là “Mẹ Giáo Hội”.

Trước Công Đồng Vat. II, kiểu nói này được huấn quyền Đức Lêo XIII sử dụng, quả quyết rằng Đức Maria “đúng thật là Mẹ Giáo Hội” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Tước hiệu này về sau được sử dụng nhiều lần trong các bài giảng của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI.

Cho dù tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” được gán cho Đức Maria mới đây thôi, nhưng tước hiệu ấy lại diễn tả tương quan mẫu tử giữa Đức Trinh Nữ Rất Thánh và Giáo Hội như nhiều bản văn Tân ước đã chứng minh.

Khởi từ ngày Truyền Tin, Đức Maria đã được kêu mời thuận ý khai mở Vương quốc cứu thế mà sau này sẽ xuất hiện với sự hình thành của Giáo Hội (Lc 2, 26-35).

Tại Cana (Jn 2, 2-11), khi xin Con mình thi hành quyền năng cứu thế của Người, Đức Maria đã góp phần cơ bản vào việc ghi dấu đức tin trong cộng đoàn các môn đệ đầu tiên và hợp tác trong việc khai mở Nước Chúa, một nước đặt “mầm giống” và “khởi điểm” nơi Giáo Hội (LG 5).

Trên Núi Sọ (Jn19, 27-27), Đức Maria kết hợp với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác mẫu tính của mình vào công trình cứu chuộc dưới hình thức của cơn đau đẻ, sinh ra nhân loại mới.

Khi nói lời: “Thưa Bà, nầy là con Bà” Đấng chịu đóng đinh tuyên bố Người là Mẹ không những đối với tông đồ Gioan mà còn với tất cả các môn đệ. Chính tác giả Tin mừng, khi nói Chúa Giêsu chết “để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52), đã chỉ rõ sự sinh ra Giáo Hội như là hoa quả của hy lễ cứu chuộc mà Đức Maria đã kết hợp với mẫu tính.

Về điểm này chúng ta cùng nhau chiêm ngắm sâu hơn về mẫu tính của Mẹ dưới chân Thập giá.

Chính lúc Đức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Đức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người chà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Đức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

Thánh sử Luca nhắc tới sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu trong cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 1, 14; 2, 3-4). Như vậy Thánh sử nhấn mạnh vai trò người mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội mới sinh; bằng cách so sánh vai trò đó với vai trò của Người khi sinh ra Đấng Cứu Thế. Chiều kích Mẹ như thế trờ thành một yếu tố cơ bản trong tương quan của Đức Maria với Dân mới được cứu chuộc.

Căn cứ theo Kinh Thánh, giáo huấn của các giáo phụ nhìn nhận chức làm Mẹ của Đức Maria trong công trình Chúa Kitô và do đó, trong công trình của Giáo Hội.

Theo thánh Irênê, Đức Maria “trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho toàn dòng giống loài người” (PG 7, 959), và lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ “tái sinh người ta trong Thiên Chúa” (PG 7, 1080). Điều đó được thánh Ambrôsiô lặp lại: “Một Trinh Nữ đã sinh ra Đấng cứu rỗi cho thế gian, một Trinh Nữ đã mang đến sự sống cho mọi sự” (PL 16,1198), và nhiều giáo phụ khác cũng lập lại khi gọi Đức Maria “Mẹ của sự cứu rỗi”.

Thời trung cổ, thánh Anselmô thưa với Đức Maria thế này: “Mẹ là Mẹ của sự công chính hoá và cả những kẻ được công chính hoá, là Mẹ sự hoà giải và cả những kẻ được hoà giải, là Mẹ sự cứu rỗi và cả những kẻ được cứu rỗi” (PL 158, 957), còn nhiều tác giả khác lại gán cho Người tước hiệu “Mẹ ân sủng” và “Mẹ sự sống”.

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội”

Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn Công Đồng Vaticanô II tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ 3 Công Đồng (21.11.1964), Người cũng bảo: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.

Tâm tình con thảo

Trong cuốn sách tựa đề “Đồng Hành” có thuật lại câu chuyện về cuộc đời của một nhà thừa sai Canada, Giám mục Emile Crôa, Ngài thú nhận: Ngay từ thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, phá phách và cứng đầu, lười biếng. Có một lần thầy giáo đã phải giận dữ thốt lên rằng: “Chưa bao giờ tao thấy một học sinh nào quá quắt như mày”. Ngày nọ, thay vì đến trường, tôi lại trốn học ra đồng. Cha tôi biết được, ông giận dữ và thay vì đưa tôi về nhà, ông lại dẫn tôi vào một nhà nguyện. Ông xô tôi đến trước bàn thờ Đức Mẹ đang mỉm cười và quát: “Thằng khốn nạn, qùy xuống”. Và rồi ông ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ và nói: “Xin Mẹ nhận lại thằng nhỏ này, vì quả thực con không còn biết phải làm gì với nó nữa. Xin Mẹ lo lắng cho nó để một ngày kia, nó khỏi trở thành một tướng cướp, bị treo cổ trên dây”.

Nhưng lời nói của cha tôi như một làn roi quất mạnh vào tôi. Tôi cảm thấy đau hơn tất cả các trận đòn từng bị đánh trước đây. Và nhìn lên Đức Mẹ đang mỉm cười tôi tự nhủ: “Nếu cha tôi đã phó thác tôi cho Đức Mẹ thì tôi phải minh chứng được Đức Mẹ đã làm điều gì đó tốt đẹp cho tôi’. Với sự trợ giúp của Đức Mẹ, Emile đã thay đổi, đi tu, thụ phong Linh mục, Giám mục và truyền giáo ở vùng thổ dân ngoại giáo ở Canada.

Kể lại câu chuyện này, đức cha không chỉ muốn dạy cho chúng ta cách thức hay nhất để chúng ta có thể dạy dỗ, uốn nắn sửa sai con cái, nhất là những đứa ngỗ nghịch, khó dạy hay bướng bỉnh quậy phá như Emile. Điều mà Chúa muốn xác tín với chúng ta cũng như với tất cả các gia đình Công giáo: “Mẹ Maria rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến những nhu cầu, khó khăn và cay cực của các gia đình”.

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống… và là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta.

Back To Top