Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
LỬA TÌNH YÊU
21 16 X Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên.
Rm 6,19-23; Lc 12,49-53.
LỬA TÌNH YÊU
Cứ mỗi mùa Olympic, ngọn đuốc Olympic lại được thắp lên từ quê hương của nó là Olympia và được rước xuyên qua nhiều đất nước, nhiều thành phố, để cuối cùng đến với nước chủ nhà đăng cai. Suốt mấy tháng trời đi qua hàng chục ngàn cây số, ngọn đuốc luôn được giữ cháy sáng liên tục. Đặc biệt, tại lễ khai mạc của chính Đại Hội Olympic, ngọn đuốc được rước lên chỗ trang trọng nhất của sân vận động trung tâm, được làm cho cháy bùng lên và được tiếp tục giữ cháy sáng như thế nhiều tuần lễ, cho đến khi bế mạc.
Hình ảnh đó thật đẹp giúp ta hình dung ngọn lửa mà Thầy Giê-su đã đem đến, ném vào mặt đất. Và nhất là, hình ảnh ấy giúp ta đồng cảm với nỗi khát khao cháy bỏng của Thầy Giêsu: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Lời Chúa dạy cho chúng ta hôm nay, xét theo lẽ thường trong đời sống thì quả là “chướng kỳ”. Bởi vì con người ở đời thường khi chạy đến với các thần linh là để cầu xin cho được êm ấm, sung túc, được sự may mắn thành công. Và đặc biệt, với những nơi đang xẩy ra chiến tranh, những gia đình đang gặp cảnh bất hòa, xào xáo đều mong mỏi, khao khát cầu xin cho được hòa bình, được yên ổn. Thế nhưng, hôm nay chúng ta lại được nghe Chúa dạy: “Thầy đến không phải để đem hòa bình, nhưng là sự chia rẽ”. Chúa muốn dạy chúng ta điều gì?
Một câu truyện kể rằng: Có một chị Tác viên Tin mừng, tìm cách kết thân với một bà bạn ngoại giáo. Sau một thời gian dài thường xuyên lui tới, chị Tác viên nghĩ rằng thời cơ chín mùi đã tới, cần phải giới thiệu Chúa cho người bạn thân thiết này. Vì vậy, vào một buổi sáng đẹp trời, chị quyết định nói về Chúa và rủ bà bạn này theo đạo. Nhưng vừa mới mở lời, thì đã bị bà kia giảng cho một bài xối xả : “Bà đừng có mà nói với tôi về đạo. Bà theo đạo bao nhiêu năm nay, bà đã được gì? Con cái bà thì chả đâu vào đâu, nhà thì cứ vẫn nghèo rớt mùng tơi, chỗ thân thiết tôi mới nói, tôi không theo đạo, nhưng nhà tôi vẫn có của ăn của để, mọi việc trong ngoài vẫn đâu ra đó. Con cái đứa nào cũng thành đạt: đứa bác sỹ, đứa đi du học, nói chung không thiếu thứ gì…”
Thực sự, nếu chúng ta không có một đức tin vững vàng, một đức tin được nung nấu bằng ngọn lửa mến, một đức tin được tôi luyện trong mầu nhiệm Thập giá và Vinh quang của Chúa Ki tô, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị lung lạc trước những lý lẽ của thế gian, như chúng ta thấy ở trên, Lời Chúa dạy thật là “chướng kỳ” : Chúa đến không phải để diệt trừ những đau khổ nơi kiếp người, nhưng Chúa đến để sống và chỉ cho con người hãy dùng tình yêu để thánh hóa những đau khổ của mình, biến nó thành con đường cứu độ vinh quang. Chúa Giêsu dạy những ai theo Chúa không phải là để được của cải vật chất, hay để được đi trên con đường trải thảm hoa hồng, nhưng là đi trên con đường hẹp, con đường vâng phục, con đường yêu thương, vác lấy thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.
Và như thế, theo Chúa không phải là để giầu sang sung túc hay là nghèo khó bần cùng theo cách hiểu ở đời. Nhưng theo Chúa là để Chúa làm chủ cuộc đời mình, điều đó được thể hiện qua chính những chọn lựa của mỗi người trong cuộc sống . Những chọn lựa đó, có khi lại trở thành những giằng co, xâu xé nơi bản thân mỗi người, nơi cuộc sống thường ngày với những người trong gia đình của mình, khi một bên là lời mời gọi của Chúa đi trên con đường hẹp, sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: biết yêu thương, tha thứ, quảng đại, hy sinh…và bên kia là cách sống của thế gian: tìm kiếm sự dễ dãi, ích kỷ, chấp nhận một sự thỏa hiệp nào đó, miễn sao mình được có lợi.
Cuộc sống Kitô hữu luôn là một cuộc chiến đấu: Làm sao để chúng ta có thể trung thành cho những lựa chọn của mình? Thưa, Chúa đã ban cho chúng ta ngọn lửa mến của Chúa Thánh Thần . Ngọn lửa hằng cháy nơi Trái Tim Chúa, hướng lòng về ơn Cứu Độ, đó là cái chết thập giá của Chúa Giêsu vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng mong muốn ngọn lửa đó được cháy mãi nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, với ngọn lửa ấy, chúng ta sẽ luôn can đảm và trung thành đi trên con đường Chúa đã đi.
Chúa còn mong muốn chúng ta phải làm cho ngọn lửa đó phải bùng cháy lên. Có thể giờ đây, ngọn lửa Thánh Thần, ngọn lửa Tình yêu, ngọn lửa Chân lý đang còn leo loét, thậm chí đã tắt lịm hay chưa cháy lên trong lòng biết bao người. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta – khi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng – là luôn cầu xin Chúa Thánh Thần cho Lửa Tình yêu bùng cháy lên trong chúng ta, bùng cháy lên trong Giáo Hội Chúa, để lan tỏa ngọn lửa đó cho những người đã mất lửa, hay những người chưa có lửa. Để, nói như thánh Gioan Thánh giá: “nếu nơi nào không có tình yêu, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu, và ta sẽ nhận được ánh sáng của tình yêu. Khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào tình yêu”.
Ngọn lửa mang tên Giê-su là lửa yêu thương, lửa hoà bình. Thế nhưng, cuộc sống này còn quá nhiều ghét ghen, đố kỵ. Người ta vẫn còn tranh chấp, loại trừ nhau – đôi khi ngay trong một cộng đoàn, một gia đình. Hôm nay, Thầy Giê-su vẫn cháy bỏng nỗi khát khao “phải chi lửa ấy đã bùng lên” trong Giáo Hội và trong thế giới này.