skip to Main Content

LÒNG TIN MẠNH MẼ

12.9 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm

1 Cr 11:17-26,33; Tv 40:7-8,8-9,10,17; Lc 7:1-10

LÒNG TIN MẠNH MẼ

“Đức tin là tin điều ta không thấy; và phần thưởng cho niềm tin này là thấy điều ta tin” (Th. Âutinh). Các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ luôn nói đến các đại đội trưởng Roma với nhiều thiện cảm. Nơi viên đại đội trưởng này, ngoài đức tính can đảm, khôn ngoan của các đại đội trưởng Roma, ông còn là người yêu thương đầy tớ, đang khi thời ấy đầy tớ bị coi như một đồ vật! Với Chúa Giêsu, ông tỏ ra rất khiêm tốn: xin Ngài đừng đến nhà mình vì biết người Do Thái không được phép đến nhà người ngoại giáo. Ông còn chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ: là sĩ quan, ông hiểu rằng mệnh lệnh của ông phải được thi hành ngay tức khắc, huống chi lệnh truyền của Chúa Giêsu! Rốt cuộc, ông đã nhìn thấy kết quả điều mình tin: người đầy tớ được chữa lành.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến một lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng ngoại giáo. Biết Chúa Giêsu là người đầy quyền năng, ông đại đội trưởng đã đến xin Người chữa cho người đầy tớ của ông bị chứng tê bại nặng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế.

Khi Đức Giêsu còn cách nhà viên đại đội trưởng không bao xa, thì ông nhờ phái đoàn thứ hai là các bạn hữu ra chuyển lời nói trực tiếp của ông xin Chúa Giêsu không cần vào nhà (c. 6b), nhưng xin Ngài “cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (c. 7). Một điều thắc mắc là tại sao viên đại đội trưởng không dám để Chúa Giêsu vào nhà ông? Có lẽ ông hiểu biết luật lệ Do thái cấm người Do thái vào nhà dân ngoại để tránh ô uế chăng? (Cv 10,28). Thật vậy, viên đại đội trưởng khiêm nhường nhận mình là người bất xứng không đáng được Chúa Giêsu đến nhà, không đáng được gặp Ngài. Mặc dầu vậy, ông ao ước Chúa Giêsu cứu sống người nô lệ của ông mà không cần sự hiện diện thể lý của Ngài, nhưng chỉ cần lệnh truyền bằng Lời của Ngài vẫn có thể đưa lại kết quả mong muốn, như chính kinh nghiệm bản thân ông: “Tôi đây tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này đi là nó đi; bảo người kia đến là nó đến” (c. 8). Điều này cho thấy viên đại đội trưởng có một lòng tin vững mạnh vào Đức Giêsu.

Khi nghe những lời đầy xác tín của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu đã khen: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (c. 9). Nhận định của Đức Giêsu về đức tin của viên đại đội trưởng lại trở thành một lời phê bình lòng tin của Israel đối với chính Ngài. Đây chính là phán quyết của Chúa Giêsu tuyên bố trên chúng ta, để mời gọi chúng ta đáp trả bằng một đức tin như thế. Như vậy, viên sĩ quan đã trở thành biểu tượng lòng tin của dân ngoại đối lại với sự phản đối của Israel.

Khi chữa lành cho người bệnh, cả Đức Giêsu và viên đại đội trưởng đều vượt qua những ranh giới của luật Do Thái. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã làm tất cả vì lòng thương xót, còn viên đại đội trưởng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chữa bệnh từ xa, Ngài biểu hiện tình thương có khả vượt qua khoảng cách của địa lý, của không gian và thời gian. Vì thế ông đại đội trưởng chưa về đến nhà thì nghe tin báo người đầy tớ đã khỏi hẳn bệnh.

Thái độ tin tưởng của ông đại đội trưởng khác hẳn với thái độ cứng tin của những người Do Thái. Phép lạ này là lời hứa cho tất cả chúng ta, những ai có lòng tin đều được Chúa chữa lành. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc hết mọi người không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự khát khao được Chúa chữa lành.

Trên hành trình thiêng liêng chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị thử thách, không thể trốn chạy những đau đớn bệnh tật. Như Chúa Giêsu luôn tỏ lòng thương cảm với những yếu đuối của con người, chúng ta cũng hãy mở lòng ra đón nhận tất cả trong sự tin tưởng phó thác. Chúa Giêsu ôm lấy cuộc đời, mang vác lấy gánh nặng của con người mà giương cao lên thập giá. Tình yêu thương con người dạy chúng ta chấp nhận những phiền hà rắc rối của người bên cạnh, dám chịu thương tích vì người khác, dám chấp nhận thất bại để tôi luyện và trưởng thành trong đức tin.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.

“Xin Ngài chỉ nói một lời”. Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: “Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị”. Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.

“Đức tin làm cho mọi sự có thể, còn tình yêu làm mọi sự trở nên dễ dàng.” Sở dĩ viên đại đội trưởng Roma ấy hạ mình đến với một thầy rápbi Do Thái vì ông thương mến người đầy tớ. Sở dĩ người đầy tớ được lành bệnh vì chủ của anh có một niềm tin mãnh liệt. Với lòng tin và lòng mến Chúa, mọi sự sẽ trở nên có thể và dễ dàng với chúng ta.

 

Back To Top