skip to Main Content

LỜI KINH TUYỆT VỜI 

24.7 Chúa Nhật thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm

St 18:20-32; Tv 138:1-2,2-3,6-7,7-8; Cl 2:12-14; Lc 11:1-13

LỜI KINH TUYỆT VỜI

Trước mắt các môn đệ, hẳn là Chúa Giêsu xuất hiện ra như là vị thầy về cầu nguyện. Còn trước mặt Người, các ông quả là những người đang chập chững tập cầu nguyện. Do đó, các ông đã xin Người dạy cầu nguyện. Đàng khác, vào thời Chúa Giêsu, các nhóm tôn giáo được phân biệt nhờ có một kiểu cầu nguyện riêng. Lời xin của các môn đệ Chúa Giêsu cho thấy các ông ý thức mình là một cộng đoàn.

Chúa Giêsu đã ban cho các ông bản văn một kiểu mẫu cầu nguyện. Điều này không có nghĩa là các ông phải luôn luôn dùng những lời này mà thôi. Nhưng với người nào dùng lời kinh này, người ấy được xác định cho biết bầu khí phải quan tâm khi cầu nguyện và được nhắc đến những lời thỉnh cầu phải coi là quan trọng nhất.

Trong lời kinh, chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa và trình cho Ngài các lời thỉnh cầu của chúng ta. Chúng ta không thấy Ngài và tự mình không thể biết là Ngài đang tương quan với chúng ta thế nào. Ngài vô hình, xa cách, rất lạ với ta, ta không thể hiểu Ngài và khám phá Ngài cặn kẽ. Trong cầu nguyện, quan trọng nhất là biết bản chất của tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Phải chăng Thiên Chúa là một Chúa tể quyền lực, có thể nhậm lời ta cầu xin, nhưng Ngài không hề quan tâm đến ta? Lời xin đầu tiên và căn bản nhận được câu trả lời nơi lời đầu tiên của Chúa Giêsu: chúng ta phải ngỏ lời với Thiên Chúa như với một “Người Cha”. Thiên Chúa không phải là một Chúa tể xa cách, xa lạ, quyền lực, không muốn biết gì về chúng ta. Ngài đã giao tiếp với chúng ta với mối quan tâm, tình yêu và sự chăm sóc, như một người cha đích thực.

Chúa Giêsu đã phác ra những nét chính để dạy chúng ta biết phải cầu nguyện với Thiên Chúa thế nào. Theo kiểu mẫu của Người, chúng ta thấy có hai khối lời cầu xin. Khối thứ nhất liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa, khối thứ hai liên hệ đến chúng ta và các nhu cầu của chúng ta. Lời cầu “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”, là xin Thiên Chúa cho chúng ta được đi từ hoàn cảnh đức tin sang hoàn cảnh hưởng kiến. Lời cầu thứ hai xin Thiên Chúa là Cha tỏ quyền Chúa Tể trên mọi sự. Nói chung, hai lầu cầu đầu tiên xin cho có cuộc đảo lộn các tương quan hiện hữu, trong đó Thiên Chúa dường như vắng mặt hoặc ẩn mình. Chúng ta xin Ngài trở nên hữu hình và tỏ ra là Chúa Tể duy nhất mãi mãi.

Khối lời thỉnh cầu thứ hai liên hệ đến các nhu cầu cấp bách nhất của chúng ta: các nhu cầu vật chất (cái ăn cái uống, y phục, nhà cửa). Bên cạnh các nhu cầu vật chất, là các nhu cầu thiêng liêng: “xin tha tội cho chúng con”. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trách nhiệm, nhưng chúng ta thường xuyên sống vô trách nhiệm, trở thành có lỗi trước mạt Thiên Chúa, chúng ta phạm những thiếu sót đối với người thân cận. Chúng ta không thể tự mình tha các lỗi cho mình. Chúng ta lệ thuộc sự tha thứ của Thiên Chúa nên phải xin Ngài ban cho. Thêm vào lời cầu xin này, Đức Giêsu nối câu: “vì chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Người nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta có một tâm hồn đầy cay đắng và hiềm khích (Mt 18,23-35).

Cuối cùng, chúng ta xin Thiên Chúa chiếu cố đến sự yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta. Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận mình không có sức để đứng vững trong thử thách để trung thành với Ngài. Do đó, chúng ta khiêm tốn xin Ngài trợ giúp, đồng thời diễn tả ước muốn được mãi mãi liên kết với Ngài.

Sau đó, bằng hai dụ ngôn và sáu khẳng định, Chúa Giêsu còn muốn thuyết phục các môn đệ rằng họ có thể cậy dựa vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, tức là tin rằng Ngài sẽ nhận lời họ cầu xin. Với hai dụ ngôn, Chúa Giêsu vận dụng các hoàn cảnh và kinh nghiệm của loài người để dạy dỗ.

Dụ ngôn thứ nhất vận dụng những tương quan hàng xóm láng giềng ở miền quê: Nếu một người hàng xóm bị quấy rầy còn sẵn sàng giúp đỡ người bạn, chẳng lẽ Thiên Chúa vô cùng tốt lành và không hề có giờ nào không thuận tiện lại không nghe lời con cái Ngài kêu xin?

Trong dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu vận dụng cách thức xử sự của người cha trần thế với con cái: Nếu ngay trong lãnh vực con người, một người cha, tuy có những khiếm khuyết, còn biết cho con cái những của tốt lành, chẳng lẽ Thiên Chúa là “Cha”, Đấng có mọi tình phụ tử, lại không xử sự hơn thế sao?

Cách thức Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho hiểu rằng Người biết và luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Dựa trên cái nhìn này, Chúa Giêsu mời chúng ta cầu nguyện tha thiết, Người hứa với chúng ta rằng chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lời (cc. 9-10). Cho tất cả những ai xin bất cứ điều gì, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần. Ân ban này độc lập với nội dung của từng lời cầu nguyện. Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí làm cho chúng ta thành con Thiên Chúa và giúp chúng ta có thể kêu lên “Cha ơi!”.

Cầu nguyện, đó không phải là áp đặt ý muốn của mình trên Thiên Chúa, nhưng là xin Thiên Chúa cho chúng ta sẵn sàng tuân theo thánh ý, theo kế hoạch cứu độ của Người đối với thế giới.

Cầu nguyện, đó không phải là làm Thiên Chúa thay đổi, nhưng là xin Thiên Chúa thay đổi chúng ta, và biến tâm hổn chúng ta thành tâm hổn của người con.

Nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ được, sẽ tìm thấy và cánh cửa sẽ mở ra. Vì thế, chúng ta không được quyền nản chí. Cầu nguyện, trước hết là kiên trì.

 

Back To Top