skip to Main Content

Loan báo Tin Mừng

3.7 Chúa Nhật thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm

Is 66:10-14; Tv 66:1-3,4-5,6-7,16-20; Gl 6:14-18; Lc 10:1-12,17-20; Lc 10:1-9

Loan báo Tin Mừng

Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực thi sứ vụ loan báo về Nước Trời và mời gọi mọi người tin để được cứu độ. Vì thế, đây chính là mối bận tâm hàng đầu của Ngài. Mối ưu tư đó được thể hiện rất rõ qua bài Tin Mừng hôm nay, khi thầy trò đang đi qua cánh đồng; “tức cảnh sinh tình”, Ngài nhìn các môn đệ và chỉ ra đồng lúa đã chín vàng rồi cất tiếng nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về.” (Lc 10,2). Ngay sau đó, Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện bằng cách cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các Tông đồ ra đi thực tập truyền giáo. Chúa Giêsu còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa. Tin Mừng hôm nay cho thấy 72 môn đệ được sai phái thêm sau chuyến sai đi Nhóm Mười Hai (Lc 9,1-6) vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng, không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Hai động từ “gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các môn đệ.

Sứ vụ loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội. Vì thế, Giáo hội không ngừng kêu gọi mọi người hãy nhiệt tâm ra đi rao giảng lời Chúa, đem Chúa đến những nơi chưa biết Tin mừng. Chúng ta là những đoàn chiên của Giáo hội, vì thế, sứ vụ này cũng là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Mệnh lệnh sai đi loan báo Tin Mừng của Chúa đối với các môn đệ năm xưa không mất đi nhưng vẫn còn vang vọng, kêu gọi khẩn thiết đối với Giáo hội, với mọi người kitô hữu chúng con trong thời đại hôm nay. Người muốn mỗi người chúng con mang Tin Mừng đến khắp mọi nơi như năm xưa người đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 5).

Quả thực, sứ vụ loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội. Sứ vụ này không chỉ dành riêng cho những tu sĩ, linh mục mà cho tất cả mọi người chúng con. Bởi vì, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng con đã được tham dự vào đoàn dân riêng của Chúa, chúng con mang vào mình sứ vụ ngôn sứ là loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Vì thế, mỗi người chúng con đều có bổn phận loan báo Tin Mừng tùy theo chức phận của mình trong Giáo Hội.

Bổn phận loan báo Tin Mừng cũng được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong cuốn sách “Nói với bạn trẻ hôm nay” như sau: “Toàn thể hội thánh đón nhận lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 5). Vậy tất cả hội thánh có tính thừa sai và phúc âm hóa, sống trong một tình trạng truyền giáo liên lỉ. Làm Kitô hữu nghĩa là làm những người thừa sai tông đồ, khám phá ra Đức Kitô chưa đủ, phải mang Người đến cho người khác nữa!”.

Khi sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn cho mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ phổ quát của Ngài. Sứ mạng ấy được khởi đi từ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Từ đó, chúng ta xác định căn tính truyền giáo thuộc về chúng ta. Bao lâu chúng ta không truyền giáo, thì bấy lâu ta đánh mất bản chất của mình. Nói như Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.” (1 Cr 9,16). Nỗi lòng thao thức của Chúa Giêsu – “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” – phải là lời chất vấn lương tâm mỗi chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta cùng đồng lòng và cảm nghiệm với Chúa Giêsu trước những cánh đồng bao la đang độ chín vàng… Tham gia vào sứ mạng truyền giáo là chúng ta đang đóng góp cho Giáo Hội những viên gạch, hạt cát để xây nên tòa nhà Giáo Hội, nơi đó là niềm vui, hạnh phúc và bình an.

Sứ vụ loan báo Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác. Khi sai đi “từng hai người một”, Chúa Giêsu mong các môn đệ hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy” (Gv 4,9). Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.

Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đới sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống ta đều phải “làm chứng”: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí…

Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với tín hữu Công giáo có lẽ là: Người Công giáo các anh (các chị) không mấy đáng tin; các anh (các chị) nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ. Lời phê bình đó có lẽ là quá đáng nhưng thiết tưởng ta chẳng cần cãi lý làm gì, hãy coi đó như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống “chứng tá” của mình. Xã hội này đang suy thoái trầm trọng về đạo đức: tham nhũng, thối nát, dối trá, bất công, xì ke ma túy, sa đoạ… Ta có còn là men, là muối, là ánh sáng nữa không?

 

Back To Top