skip to Main Content

Lên Trời với Chúa

9.5 Lễ Thăng Thiên

Người ta thường bảo ra đi là chết trong lòng một chút. Sự chia lìa với người thân yêu bao giờ cũng đem lại buồn đau, mặc dù chúng ta biết rằng người ấy sẽ gặp được những may mắn. Vậy phải chăng Giáo hội mặc lấy những tâm tình sầu khổ khi cử hành lễ Chúa về trời. Không, trái lại đây là một ngày lễ ngập tràn niềm vui. Chúng ta vui mừng cho Chúa cũng như cho chúng ta.

Mừng Chúa lên trời có nghĩa là mừng Ngài được tôn vinh sau khi hoàn thành sứ mạng Chúa Cha đã trao phó. Ngài đã hoàn thành trong sự vâng phục và yêu thương, ngay cả trong việc chấp nhận thập giá để cứu chuộc mọi người. Vinh quang được trao ban cho Ngài, vì Ngài đã chấp nhận hy sinh tất cả. Nói cách khác, Ngài đã đi trọn con đường của yêu thương, không nề hà bất cứ một cử chỉ hay một hành động nào, để bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối vơi con người.

Chúa Giêsu lên trời, nhưng Trời ở đâu? Trong Kinh Thánh, “trời” là hình ảnh văn chương quen thuộc dùng để chỉ nơi Thiên Chúa ngự. Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh đám mây để nói về sự hiện diện của Thiên Chúa, ví dụ: khi dân Chúa tiến bước trong sa mạc, thì có đám mây đi theo, Vậy chúng ta đừng hiểu cách mô ta của Thánh Luca trong Kinh Thánh theo nghĩa đen theo kiểu Chúa bay vào không gian như một phi hành gia. Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là Người được vĩnh viễn đưa vào trong vinh quang của Thiên Chúa, được nên ngang hàng với Thiên Chúa và được đặt làm Chúa mọi loài mọi vật.

Chúa Giêsu lên trời hay còn gọi là lễ Thăng Thiên. Biến cố Thăng Thiên của Chúa Giêsu chấm dứt một lịch sử và khởi đầu một lịch sử. Lịch sử chấm dứt là lịch sử nào? Thưa đó là lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể ở giữa trần gian, biến cố Thăng Thiên chấm dứt sự hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu ở giữa thế gian. Còn lịch sử bắt đầu là lịch sử nào? Thưa là lịch sử của Hội Thánh, lịch sử này tiếp nối công cuộc cứu độ của Chúa Cứu Thế trên trần gian cho đến ngày Người trở lại trong vinh quang.

Thánh Luca viết: Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời, thì kìa hai người đàn ông mặc ao trắng đứng bên cạnh và nói “Hỡi những người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Câu nói cua các thiên sứ nhắc nhở các tông đồ phải trở về với nhiệm vụ đã được Thầy giao phó mà các Ngài phải chu toàn cho đến ngày tận thế.

Chúa Giêsu lên trời là một điều chắc chắn. Đây là một mầu nhiệm, một tín điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính “ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, một hy vọng cho chúng ta hướng đến khi suy niệm Năm Sự Mừng, thứ hai Đức Chúa Giêsu lên trời, Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

Chúa Giêsu lên trời là để dọn chỗ cho các môn đệ và Người sẽ trở lại để đem họ về trời với Người. Chúng ta là người kitô hữu, qua bí tích rửa tội, chúng ta trở nên những môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta sống đạo là để chúng ta được Chúa cho chúng ta lên thiên đàng trong ngày sau hết. Nhưng để được lên thiên đàng cũng phải có những điều kiện.

Đó là làm theo những lệnh truyền của Chúa: phải sám hối từ bỏ mọi tội lỗi, các đam mê xấu và tin vào Tin Mừng của Chúa, để được ơn tha thứ và trở nên con cái Thiên Chúa; phải thực hành các giới răn của Chúa và những lời dạy của Hội Thánh, nhất là giới răn yêu thương. Bởi thiên đàng là nơi sống yêu thương, những ai sống trong thù hận, chia rẽ, ghen ghét, hay chửi rủa, hay nói hành nói xấu người khác, thì không thể lên thiên đàng được, họ sẽ không hoà hợp được với lối sống thien đàng vì họ không biết yêu thương. Muốn được lên thiên đàng sau khi chết chúng ta phải xây dựng cho mình một thiên đàng ngay tại thế gian này bằng một đời sống luôn biết yêu thương, biết chia cơm sẽ áo cho những người nghèo đói, giúp các bệnh nhân nghèo có phượng tiện chữa bệnh, thăm viếng an ủi những người đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn, động viên các tội nhân ăn năn sám hối và sớm trở về giao hoà với Thiên Chúa. Sống yeu thương là sống làm chứng cho người khác biết rằng có một cuộc sống mai sau thật tốt đẹp trong Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Matthêu không nói Đức Giêsu lên trời, mà lại nói Đức Giêsu ở lại mãi với con người: “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28,20). Theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu là Emmanuel, nghĩa là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa ở với con người (Mt. 1,23).

Nếu Chúa Giêsu là Đấng qua Ngài Thiên Chúa ở với con người, thì đâu có khi nào Chúa Giêsu rời con người nữa. Thiên Chúa không ở xa con người, nhưng ở gần thật gần con người, một cách đặc biệt qua Chúa Giêsu. Tin Mừng theo thánh Matthêu cũng cho thấy Chúa Giêsu đã nói: “nơi nào có hai hay ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt.18, 20). Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Gioan cũng có những tư tưởng tương tự: “ai yêu men Thầy, sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga.14, 23). Chúa Giêsu ở với các tông đồ, ở với những người nhờ lời các tông đồ mà tin vào Chúa Giêsu.

Ý niệm Chúa Giêsu ở với con người, hàm chứa niềm tin Chúa Giêsu “đang sống” một cách nào đó. Đây không chỉ là “đang sống” theo nghĩa những người còn đang sống tưởng nhớ tới Ngài, nhưng thật sự Ngài vẫn đang sống độc lập và khách quan đối với tư tưởng của con người. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống và ở với con người bất chấp con người có biết hoặc ý thức điều đó hay không.

Chúa Giêsu được đưa về trời, khai mở vương quốc bất diệt. Ngài là Vua, là Chúa tể hoàn vũ và Satan không thể làm được gì đối với vương quốc ấy. Satan cám dỗ con người để chúng ta quên đi Đức Kitô là Vua vũ trụ. Ma quỷ làm mọi cách để cắt đứt sự liên lạc giữa chúng ta với Ngài. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại, trước khi bị ném đá đến chết, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và thấy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha. Các sách Tân ước đều khải thị cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Đấng Cứu thế, là Vua hoàn vũ, là Vua chiến thắng, để gọi mời chúng ta tin vào Ngài.

Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Chúa Giêsu đã chuyển giao. Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các Ngài một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

 

 

Back To Top