Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Làm chứng như thánh Stephano
26 13 Đ Thứ Bảy. NGÀY THỨ HAI TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
THÁNH STÊPHANÔ,
TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính.
Cv 6,8-10.7,54-60; Mt 10,17-22
PVGK: thánh vịnh riêng
LÀM CHỨNG NHƯ THÁNH STEPHANO
Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài.
Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.
Lời loan báo của Đức Giêsu đi ngược hẳn với các nhà lãnh đạo thế gian. Thật vậy, khi muốn chiêu mộ ai, người đời thường đưa ra những lời đường mật, an ủi, họ đưa dẫn chúng ta đi trên con đường đầy hoa thơm, và hứa hẹn những sự dễ dãi…, cho người mà họ muốn chiêu dụ…. Nhưng làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác hẳn: những thử thách, đau thương và đôi khi cả chính cái chết là là những quà tặng mà người môn đệ sẽ nhận được trong cuộc đời sứ vụ của mình.
Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu.
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài”. Sau đó ông nói với Mẹ Maria: “Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thánh Stêphanô nói với chúng ta trước hết về Chúa Kitô, về Chúa Kitô tử giá và phục sinh như là tâm điểm của lịch sử cũng như của đời sống chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rằng Thập Giá bao giờ cũng chiếm chỗ chính yếu trong đời sống của Giáo Hội cũng như trong cuộc sống riêng tư của chúng ta. Khổ nạn và bách hại không bao giờ thiếu nơi lịch sử của Giáo Hội.
Nếu không có một đức tin vững vàng, không có một lòng mến tha thiết với hạnh phúc Nước Trời, chúng ta khó chấp nhận được. Chúa xuống trần gian, không phải ở lại mãi với thế gian, mà gọi mời ta theo Ngài đi về trời. Con đường theo Người về trời là con đường “vác thập giá”, con đường không dễ dàng, nhưng có ơn Chúa phù trợ sức hèn yếu của chúng ta. Người hứa luôn đồng hành với chúng ta. Khi gặp cơn khốn khó, bị bách hại, Chúa căn dặn: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì”.
Cuộc chiến để trung thành với Chúa xảy ra, không phải chỉ ngoài xã hội, mà còn ngay trong gia đình, trong mỗi con người chúng ta. Những khuynh chiều về đàng trái, những cám dỗ thỏa mãn các đam mê, dục vọng, không buông tha ai. Để trung thành với Đấng yêu thương ta, thì cần chiến đấu từng phút giây. Cuộc chiến sẽ cam go, khốc liệt, nhưng luôn phải “bền chí đến cùng mới được cứu thoát” khỏi ách thống trị của ma vương, quỷ dữ.