skip to Main Content

Không được phân ly

18.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm

Gs 24:1-13; Tv 136:1-3,16-18,21-22,24; Mt 19:3-12

Không được phân ly

Tin Mừng hôm nay có mấy người Pharisêu đến gần đức Giêsu để thử người: “… Có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Chúa Giêsu đã khẳng định lại luật hôn nhân gia đình theo thánh ý của Thiên Chúa: “Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt”.

Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh và đôi vợ chồng ban đầu, để  diễn tả ý định của Thiên Chúa mà trả lời họ: đôi vợ chồng ban đầu: Adong – Evà mà Chúa đã gắn bó đó đã nên mật thiết, “một xương một thịt”. Điều mà Kinh Thánh đã mô tả: “Thiên Chúa  lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2, 22-23). Hình ảnh ấy cho ta thấy rằng: họ đã nên vợ chồng, con người không thể chia tách được và cũng không được phép chia cắt.

Giáo Hội xưa nay đã ca tụng hết lời công trình kết hợp thật vững bền, mầu nhiệm này của Thiên Chúa. Vững bền đến nỗi “dù tội nguyên tổ, dù án phạt đại hồng thủy cũng đã không phá hủy  được.” (Lời nguyện trong thánh lễ hôn phối). Thật vậy! đôi vợ chồng ông bà nguyên tổ dù bị án phạt “đau đớn khổ sở khi sinh con, phải cực nhọc trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn, và còn phải chết nữa…” (St 4,16-17). Thế mà vợ chồng ấy vẫn mạnh mẽ, bền chặt bên nhau, lưu truyền giống nòi lan tràn khắp mặt đất.

Công trình tạo dựng có “nam có nữ” ấy của Thiên Chúa, đến muôn đời vẫn thật là huyền diệu. Những nam nữ ấy, cứ lớn lên là chúng hấp dẫn nhau, tìm đến nhau, khao khát nhau, cho đến khi tìm được người mình ưng ý nhất, yêu nhất để trao cho nhau thân xác tâm hồn và mọi ước vọng.

Có lần trên báo phụ nữ họ đã bàn về tình yêu, tình dục và đưa ra câu hỏi: Tại sao người nam, người nữ cứ khi trưởng thành là họ hấp dẫn nhau, khao khát nhau? Người ta đã đã đưa ra nhiều câu trả lời. Thế rồi cũng chẳng có được một lý do khoa học nào xác đáng. Cuối cùng tác giả chỉ biết dựa vào Kinh Thánh mà chấp nhận: vì họ được dựng nên “bởi xương là xương của nhau, là thịt bởi thịt của nhau.” (St 2,22-23).

Đôi nam nữ khi nên vợ, nên chồng, Thiên Chúa đã ban cho họ được hưởng một niềm vui hoan lạc đặc biệt nhất trên đời, đồng thời cũng trao cho họ một bổn phận đặc biệt nhất là: Sinh sản nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Làm một nhiệm vụ huyền diệu đặc biệt: truyền sinh và giáo dục con cái, thay cho Thiên Chúa. Điều đó có thể nói: người không sống trong bậc vợ chồng thì không được quyền hưởng niêm vui hoan lạc ấy và cũng không có thể làm tốt nhất bổn phận sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục ấy. Bởi vi khi sinh ra những đứa con, là hạt giống, là tương lai của cả nhân loại. Đứa con ấy “bởi xương là xương của cả vợ cả chồng, bởi máu thịt là máu thịt của cả chồng cả vợ”. Ai xúc phạm đến đứa con ấy là động đến cả chồng, cả vợ, cả gia đình ba thành phần ấy họ đã nên “một”. Cho nên mầm sống tương lai ấy, sẽ được yêu thương và chăm lo tốt đẹp nhất.

Luật Chúa đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, không phải chỉ cho người Công giáo nhưng cho mọi người. Còn Môsê đã “cấp giấy ly dị mà rẫy vợ”, đây như là một luật dân sự hôm nay. Còn Chúa Giêsu thì dạy ta: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môse đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu”. Đó là luật vàng và là đặc tính của hôn nhân Công giáo xưa nay: đơn hôn và vĩnh hôn (một vợ một chồng sống với nhau trọn đời). Luật này còn bên trên cả luật độc thân giáo sĩ mà Giáo Hội lập ra. Vì có lý do Giáo Hội đã tiếp nhận cả những linh mục đã có vợ con của Tin Lành vào thi hành chức vụ linh mục.

Một đôi vợ chồng bỏ nhau, họ ra tòa ly dị rồi chia nhau mọi thứ tài sản, tiền bạc. Còn một đứa con nhỏ nó không chịu đi với mẹ như tòa xử, mà muốn ở một nhà có cả cha lẫn mẹ. Sau này cha mẹ mỗi người một nơi, không được như ý muốn, em hận cho số kiếp mà bỏ đi bụi đời rồi nghiện hút, trộm cắp…

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.

Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

 

Back To Top