skip to Main Content

KHÍA CẠNH PHỤNG VỤ CỦA LÒNG TÔN SÙNG ĐỨC MARIA

KHÍA CẠNH PHỤNG VỤ CỦA LÒNG TÔN SÙNG ĐỨC MARIA

“Chúng ta đừng quên nguyên tắc của Hiến chế Phụng vụ rất khích lệ những việc đạo đức quen thuộc của Dân Chúa, nhưng đã khuyến cáo : “Phải chiếu theo các Mùa phụng vụ mà xếp đặt các việc đạo đức ấy hoà hợp với Phụng Vụ Thánh, để có thể được coi là phát xuất từ Phụng vụ và tiến dẫn chúng đến Phụng Vụ, vì tự bản chất, Phụng Vụ vượt xa các việc ấy”.

Đường lối khôn ngoan sáng suốt, nhưng khó áp dụng, đặc biệt trong lãnh vực tôn sùng Đức Mẹ quá phong phú về hình thức. Thực vậy, các vị lãnh đạo địa phương phải nỗ lực, khôn khéo và nhẫn nại, còn tín hữu thời phải mau mắn chấp nhận chiều hướng mới, hoặc vì bản chất đích thực của Phụng Vụ, phải theo yêu cầu cải đổi truyền thống tuy đã có lâu đời nhưng bản chất phụng vụ trong đó lại không rõ nét.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắc tới hai thái độ của chủ chăn có thể làm hỏng nguyên tắc của Công đồng Vatican II :

– Thứ nhất, thái độ của những vị chủ chăn không thích những việc đạo đức, dù đã được Giáo Hội phê chuẩn và khuyến khích, nhân dịp này, các vị ấy bãi bỏ tất cả, tạo khoảng trống mà không lo bù đắp lại, các vị ấy quên rằng Công đồng chỉ dạy dung hoà việc đạo đức với phụng vụ chứ không dạy bãi bỏ.

– Tiếp đến là thái độ của vài vị khác, bất chấp tiêu chuẩn phụng vụ và mục vụ, đã trộn việc đạo đức lẫn với Phụng Vụ. Ngay giữa lễ lại chen vào những yếu tố dành cho việc tuần cửu nhật hay việc đạo đức tương tự, khiến người ta hiểu nhầm thánh lễ để tô điểm việc đạo đức ra đẹp, không phải là cao điểm nhắc nhở đến Chúa là sự gặp gỡ của cộng đoàn Kitô hữu. Đối với các vị này, chúng tôi xin nhắc lại, luật Công đồng dạy dung hoà, chứ không phải trộn lẫn phụng vụ với việc đạo đức. Hành động mục vụ sáng suốt đòi hai việc, trước nhất là phân biệt và làm nổi bật bản chất đặc biệt của phụng vụ, tiếp đến là nâng cao giá trị của việc đạo đức và làm chúng thích ứng với nhu cầu của từng giáo đoàn, tạo những việc đạo đức đó thành việc hỗ trợ quí báu cho phụng vụ” (Marialis Cultus, 31).

 

Truyện ke : Thánh Gioan Boscô

Thánh Gioan Boscô có lòng kính mến Đức Mẹ dưới danh hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”. Bất cứ việc gì của riêng ngài, của nhà dòng ngài sáng lập, của Toà Thánh hoặc của kẻ khác đến xin ngài cầu nguyện, giúp đỡ, ngài luôn luôn trả lời bằng câu : “Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.

Sống trong thời đại bè Tam điểm hoành hành dữ dội tại Ý, cha Boscô là một trở ngại, là kẻ thù số một của chúng. Công việc của ngài làm, sách báo do ngài viết, ảnh hưởng của ngài trên giới trẻ… tất cả đều làm cho hoả ngục và tay sai của nó căm thù ngài cách đặc biệt.

Để thoả lòng sùng kính Đức Bà phù hộ các giáo hữu và để giải quyết nhu cầu của giáo dân, ngài đã khởi công xây một ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ ở Torinô. Công việc đang tiến hành cách tốt đẹp, mọi người đều phấn khởi nô nức chờ đợi ngày khánh thành… thì bỗng một đêm kia, trời quang gió lặng, người ta nghe một tiếng ầm như sét nổ : ngôi thánh đường sắp khánh thành trong phúc chốc đã trở thành đống gạch vụn! Sáng hôm sau, mọi người đều tiu nghỉu, buồn phiền, cha Boscô cũng không khỏi âu sầu khi biết mình đang trong cảnh túng thiếu, lấy tiền đâu mà xây dựng lại ? Ngài suy nghĩ trong chốc lát rồi nói : “Ma quỷ muốn phá công cuộc của tay Mẹ, chúng ta đừng nản lòng, cứ tiếp tục! Hãy tin tưởng nguyện cầu cùng Mẹ…”. Và thật thế, một thời gian sau, công việc được tiến hành lại một cách đều đặn, và ngôi thánh đường đã hoàn thành.

Nhiều công việc bận rộn khiến cha Boscô phải đi sớm về khuya. Mọi người đều tỏ ý lo ngại, sợ ngài bị kẻ thù ám hại. Mỗi lần như thế, ngài đều vui vẻ trả lời : “Có Đức Mẹ! Có Đức Mẹ!”. Và điều con cái ngài nơm nớp lo sợ thực sự đã xảy đến : Mấy lần ngài bị chúng thuê bọn du đảng chặn đánh, nhưng lần nào ngài cũng thoát nạn. Tại sao ?

Đây là một trường hợp điển hình : tối ấy cha Boscô đi qua một khu phố hoang vắng, bỗng chốc từ trong một góc đường, mấy bóng đen nhảy ra, lấy một cái bao tải chụp lên ngài :

– Phen này mày đã chết chưa ? Bọn ta đã cảnh cáo mà mày không nghe!

Chúng nó mới đấm đá được vài cú thì một con chó xam xám thực lớn không biết từ đâu nhảy tới, vồ lên cắn xé bọn chúng rất dữ tợn : đứa thì bị thương trên đầu, đứa chảy máu ướt cả cánh tay, đứa thì rách hết quần áo… Khiếp sợ quá, chúng bèn thả ngài ra và lớn tiếng kêu cứu : “Cha Boscô ơi, cứu chúng tôi với! Nó cắn chết chúng tôi bây giờ!”. Cha Boscô vùng vẫy thoát ra khỏi bao tải và gọi đại con chó “xám!” Con chó bỗng trở nên hiền lành, ngoắc đuôi chạy lại đứng cạnh ngài. Mấy chú du đảng một phen hú hồn, đâm đầu chạy trối chết. Con chó xám đưa cha Boscô về tận nhà rồi biến mất. Từ đó về sau, mỗi khi đêm đến, ngài có chuyện phải đi đâu xa nhà, thì con xám lại xuất hiện đi kèm một bên, hễ ai động đến ngài nó liền vồ lên cắn xé khủng khiếp. Và khi ngài đã về đến nhà yên lành thì không thấy bóng dáng nó nữa. Phần cha Boscô, từ ngày con xám xuất hiện, vẫn thản nhiên điềm tĩnh. Ai bàn đến chuyện con xám, ngài chỉ trả lời : “Hãy trông cậy Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.

Back To Top