Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
KHẾ ƯỚC HÔN NHÂN
16.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
Ed 16:1-15,60,63; Ed 16:59-63; Is 12:2-3,4,5-6; Mt 19:3-12
KHẾ ƯỚC HÔN NHÂN
Không khi nào hơn lúc này, những nhà xã hội học, các nhà đạo đức học, những người đứng đầu các tôn giáo, các quốc gia lại quan tâm cách đặc biệt về sự bền vững trong hôn nhân gia đình. Là tế bào của xã hội, là cộng đồng cơ bản của Hội Thánh, vai trò của gia đình luôn có tầm quan trọng mà không có tổ chức hay đoàn thể nào có thể thay thế cách hữu hiệu. Một xã hội mà đời sống hôn nhân thiếu bền vững, thì có thể nói là đang trên đà băng hoại. Chính vì thế Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dường như xoáy trọng tâm vào đời sống hôn nhân mà chủ đề chính là sự chung thuỷ trong nghĩa tình phu phụ.
Làm sao để gìn giữ sự chung thuỷ trong nghĩa tình phu thê giữa một xã hội đầy biến động và chóng đổi thay như hôm nay ? Một trong những cách thế gìn giữ sự thủy chung, trước sau như một của đời hôn nhân, đó là sống trong sự tín thác vào tình yêu. Không chỉ biết xây dựng lòng tin vào tình yêu của nhau mà còn hướng tâm trí của mình về hoa trái của tình yêu, đó là một trong những cách thế tuyệt vời để gìn giữ mối dây liên kết bất khả phân ly giữa vợ chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly. Sự kiện vợ chồng nên một xương một thịt đã được cụ thể hoá qua hình ảnh Thiên Chúa lấy xương sườn Ađam để dựng nên Evà. E-và như thân cây được Thiên Chúa làm cho nẩy sinh từ gốc cây A-đam; gốc cây và thân cây chỉ là một, nên A-đam và E-và cũng chỉ là một. Thế nên khi Thiên Chúa trao Evà cho Ađam, ông vui mừng mừng xác nhận rằng nàng không là ai xa lạ mà chỉ là xương thịt của mình: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. (Sáng Thế 2, 18-23)
Họ không còn phải là hai nhưng là một xương một thịt. Cái sự nên một xương một thịt này được hiện thực hóa nơi chính người con, một kết quả hữu hình của tình yêu đôi lứa. Trong hôn nhân, tuy người nam và người nữ là hai chủ vị khác nhau, nhưng họ được Thiên Chúa liên kết thành một với nhau như chim liền cánh, như cây liền cành. Họ là một như A-đam, E-và là một với nhau.
Chúng ta biết, hai trường phái Pharisêu thường không đồng tình với nhau về việc ly dị. Vì lẽ, theo truyền thống, nhóm Hilen dựa vào Đệ nhị luật (24,1) cho phép ly dị dù bất cứ lý do gì, còn phe Shammai chỉ cho ly dị vì lý do ngoại tình. Biệt phái biết đây là vấn đề hóc búa, nên họ đến để vừa hỏi vừa thử thách Chúa Giêsu.
Hôm nay, nhân việc những người Pha-ri-siêu đến gặp Chúa và thử thách Người về vấn đề hôn nhân và sự chung thủy. Những người Biệt Phái nại vào truyền thống cha ông, ở đây là Mô-sê, để biện minh cho việc người ta được quyền ly dị vợ vì những lý do mà họ thấy không thích. Còn Chúa, Chúa tuy không phủ nhận truyền thống tiền nhân, nhưng Chúa nại vào ý định của Đấng Tạo Hóa khi dựng nên giống hình ảnh của Chúa. Khi nại vào ý định của Thiên Chúa để bênh vực cho hôn nhân và sự chung thủy bất khả phân lý của nó, Chúa không phải là người trích dẫn mà chính là: Mạc khải ý định của thiên chúa với hôn nhân gia đình trong tư cách là đấng tạo thành trời đất cùng với Chúa Cha và Thánh Thần.
Chúng ta đang sống trong một thế giới, mà đời sống hôn nhân gia đình gặp quá nhiều sóng gió thử thách. Chính vì điều này, nhiều quốc gia, thậm chí tôn giáo nhân danh tự do và hạnh phúc của cặp đôi để cho phép ly dị. Họ lập luận rằng không sống được với nhau thì chia tay. Thà mất hai để được bốn. Ý họ muốn nói hai người chia tay để tìm kiếm một hôn nhân khác hạnh phúc hơn. Nhưng ai dám bảo đảm hôn nhân mới sẽ hạnh phúc. Thống kê chỉ ra rằng hơn ¾ những cặp đôi ly dị trước đó đã ly hôn. Nguy hiểm hơn, nhiều người Công Giáo hôm nay cũng chạy theo cách sống này trong hôn nhân để ly dị người mà trước Chúa, Hội Thánh, cộng đoàn Dân Chúa, cha mẹ, họ hàng đôi bên và bạn bè thân hữu, để nói lời cam kết yêu thương thủy chung với người họ yêu đến trọn đời.
Cũng qua cuộc đối thoại này, khi những đối thủ của Chúa nghĩ rằng: đời hôn nhân mà khó khăn như vậy thì tốt hơn đừng kết hôn. Đáp lại Chúa cho thấy, điều quan trọng không phải là kết hôn hay sống độc thân nhưng là vì điều gì ta chọn sống tình trạng ấy trong đời. Nếu ta bị cưỡng bức, không có tự do trong chọn lựa của mình, thì dù ta sống ơn gọi nào đi nữa, cũng không mang lại hạnh phúc cho mình và cho người. Tự do trong tình yêu và trách nhiệm với Chúa và tha nhân sẽ làm cho cuộc sống, dù hôn nhân gia đình hay độc thân vì Nước Trời vẫn có giá trị trước mặt Chúa và được Chúa chúc phúc.
Qua đây, Chúa Giêsu đã khẳng định lại cho họ biết về luật đơn hôn của hôn nhân. Một lập trường giáo lý rất cách mạng, trái ngược hẳn với luật lệ và phong tục thời đại để trở về với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Người còn muốn nhấn mạnh đến giá trị của việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ nước Trời.
Vấn đề ly dị dường như càng ngày càng trở nên một vấn nạn và là một nỗi lo rất cấp thiết của xã hội. Có người lý luận rằng: “Hôn nhân là để sống hạnh phúc với nhau, nếu không còn hạnh phúc nữa thì sống chung làm gì cho khổ”. Nghe qua có vẻ có tình có lý, nhưng nếu quan niệm như vậy thì còn đâu ý nghĩa của gia đình, đâu là nền tảng của hôn nhân? Đó chỉ là thứ hôn nhân để tìm thú vui ích kỷ cho bản thân, chứ không nhằm yêu thương và phục vụ nhau.
Trong luật lệ, đôi khi cũng có những miễn chuẩn, nhưng đó chỉ là tạm thời chứ không được lạm dụng; và do vậy, cần luôn nhìn đến mục đích của luật để sống đúng thánh ý Thiên Chúa và Giáo hội mong muốn.
Khi sự bất trung, bất tín xuất hiện và lan tràn như chuyện cơm bữa, trở thành chuyện thường tình, thì mọi mối tương quan giữa các cá nhân cũng như tập thể chắc chắn bị gãy vỡ. Nay ký kết hôn ước, mai đường ai nấy đi thì còn gì là hôn nhân ! Nay ký hợp đồng, mai lại tùy tiện hủy bỏ thì còn gì là thương mại, bán mua ! Nay ký hiệp ước, mai lại đơn phương rút, hủy thì còn gì là quan hệ đối tác ! Tuy nhiên, cũng cần chân nhận rằng “nhân bất thập toàn”. Phận người thì khó tránh khỏi những sai lầm đáng trách hay có thể lượng thứ. Không kể các trường hợp cố tình và cố chấp, thì để gìn giữ sự thủy chung thì phía người lỗi phạm cần có sự khiêm nhu, chân thành nhìn nhận sai sót và phía còn lại cần có sự quảng đại, bao dung, tha thứ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội. Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.