skip to Main Content

Hôm đó tôi đã giúp Bergoglio ra khỏi Quảng trường Thánh Phêrô…

 

 

Không ai biết tất cả ngõ ngách Quảng trường Thánh Phêrô như ông Alfredo, ông đã sống ở đây từ 40 năm nay, từ sáng đến tối, toát mồ hôi hột mùa hè hay run cầm cập mùa đông khi các suối phun nước đóng băng dưới cửa sổ của dinh tông tòa. Mỗi ngày có hàng ngàn người đi qua trước mặt ông, không ai hiểu rõ khách du lịch, khách hành hương qua nét mặt của họ như ông. Vì ông Alfredo Chiarelli là người Rôma, hay đúng hơn là người Trastevere, ông là một trong những người bán hàng rong cuối cùng được phép hàng lưu niệm bên trong hàng cột Bernini của Vatican.

Đặc ân hiếm cho người do thái la-mã từ vài thế kỷ trước; trong tinh thần cao cả và khoan dung như thể, đến một lúc nào đó các người kế vị Thánh Phêrô xin được tha thứ cho quá nhiều tội lỗi đã gây cho “người anh cả” trong những thế kỷ trước, khi người do thái bị buộc phải sống trong các bức tường ghetto; buộc mỗi thứ bảy phải nghe các bài giảng mời gọi họ “trở lại” và bị loại khỏi bất kỳ công việc nào trong các văn phòng công quyền.

Thực ra ông Alfredo không phải là người do thái nhưng một phần câu chuyện độc đáo này là nhờ gia đình vợ, vì giấy phép bán hàng rong ở Quảng trường Thánh Phêrô được truyền từ gia đình này sang gia đình khác, ông có được nhờ gia đình vợ có bà nội là người do thái. Ông buồn bã nói: “Bây giờ chỉ còn bốn người chúng tôi được bán hàng. Khi bắt đầu gần nửa thế kỷ trước, chúng tôi có 25 người.”

Là phóng viên Vatican, tôi gặp ông Alfredo nhiều lần ở Quảng trường Thánh Phêrô nhưng tôi chỉ biết ông là nhân vật phi thường khi năm 2012, tôi làm phim tài liệu. Tôi tìm những tiếng nói không chính thức để hiểu khía cạnh nhân văn của Đức Bênêđíctô XVI và tôi nghĩ trong đầu, trong số những người tôi phỏng vấn có thể có cả một số người bán hàng rong, tràng hạt, ảnh tượng các giáo hoàng dưới bóng Mái vòm. Hóa ra ông Alfredo không những đúng người mà còn là nhân chứng không tầm thường chút nào. Trước ống kính, ông kể hồng y Joseph Ratzinger, trước khi là giáo hoàng, mỗi ngày đã dừng lại chào ông khi ngài đi bộ từ nhà ngài ở Piazza della Città Leonina đến Palazzo del Sant’Uffizio, băng qua nguyên Quảng trường Thánh Phêrô, ngài chào chúng tôi: “Xin chào buổi sáng!” Ông nói: “Ngài luôn dễ thương. Ngài có thể tỏ ra tách biệt và quý tộc với những người không biết ngài, nhưng thật ra ngài là người rất nhút nhát.”

Từ Alfredo, tôi biết thêm chi tiết câu chuyện những người bán hàng do thái được các giáo hoàng cho phép. “Ban đầu họ cho chúng tôi là những người ‘vượt rào’ vì người bán hàng rong thường khều khều khách du lịch để mời mua hàng”. Do người bán hàng rong lưu niệm chỉ là một ít người do thái được phép bán ngoài khu vực ghetto. Họ không được đặt thùng hàng trên mặt đất vì sẽ bị phạt về tội “chiếm dụng đất công” nên họ phải di chuyển với chiếc hộp treo quanh cổ bằng dây vải.

Càng ngày càng có nhiều cửa hàng bán quà lưu niệm và những người bán hàng rong bất hợp pháp xung quanh Quảng trường, nên những người ‘vượt rào’ bị trở ngại. Khi các bạn đồng nghiệp lớn tuổi không còn, ông Alfredo đơn độc ở hàng cột Bernini: “Thật đáng tiếc vì chúng tôi là những người đầu tiên canh gác Quảng trường, luôn sẵn sàng giúp đỡ du khách”.

Có lẽ khi di chuyển một rào chắn với sự đồng ý của các sĩ quan cảnh sát Ý để ngăn chặn tình trạng kẹt đường của khách hành hương, nên có lần hồng y Jorge Mario Bergoglio đã phải nhờ đến sáng kiến của ông Alfredo mà ngài không biết. Ông nói: “Chúng tôi ở thời kỳ mật nghị tháng 3 năm 2013, tôi ở chỗ quen thuộc của tôi ở quảng trường với quầy hàng, gần lối ra vào. Quảng trường chật kín người và một trong những cuộc họp chuẩn bị mật nghị vừa kết thúc. Tôi thấy một giám chức mặc áo bình thường của linh mục đi đến; ông đi bộ băng cả quảng trường nhưng không ra ngoài được vì dòng người quá đông. Ông ngừng lại để hỉ mũi. Tôi nhìn thấy ông, tôi đến để gỡ bỏ một rào cản và tôi nói với ông: ‘Đi lối này cha’. Ông nhìn tôi và nói ‘cảm ơn!’. Ông đi qua đoạn đường để đến đường della Conciliazione. Có một cảnh sát Ý gần đó, tôi biết tất cả họ vì tôi đã ở đây 40 năm. Tôi hỏi anh: ‘Anh nghĩ người này có thể là giáo hoàng không?’ Anh trả lời: ‘Này Alfre, người này là người Argentina…’. Như thử họ nói làm sao bầu một người Nam Mỹ làm giáo hoàng được!”

 

 

Vài ngày sau, ngày 13 tháng 3, làn khói trắng bay lên. Alfredo ngồi trước truyền hình, lúc đó là 19h30. Vợ ông nói với ông: “Alfre, họ sắp bầu giáo hoàng! Anh đưa tôi đến buổi tiếp kiến chung gặp ngài!”. Tôi biết nhiều hồng y, một số còn dừng lại nói chuyện với ông, cũng có thể xảy ra… Sau đó, từ ban công tông tòa thông báo: Chúng ta đã có giáo hoàng, habemus papam! Và ông nghe tên Giorgio Mario Bergoglio, ông không biết ai… Bỗng. Nửa giờ nữa trôi qua, tân giáo hoàng ra ban công, khi khuôn mặt của ngài chiếm hết màn hình, ông nhận ra ngài: “Nhưng đó là người Argentina tôi giúp ngài đi ra khỏi Quảng trường!”, ông kêu vợ ông. Lúc đầu bà không xem là chuyện nghiêm túc: “Thôi đi Alfre, anh luôn nói đùa”… Nhưng đúng là ngài, Bergoglio!

Cuối cùng thì vợ ông biết ông không nói đùa.

Marta An Nguyễn dịch

Back To Top