18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
Hối cải
7.1 Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
1 Ga 3:224; Tv 2:7-8,10-11; Mt 4:12-17,23-25
HỐI CẢI
Tin Mừng hôm nay mô tả cách mà sứ vụ phổ quát này là được khởi xướng. Tin ông Gioan Tẩy Giả bị giam trong ngục thúc đẩy Chúa Giêsu bắt đầu công việc rao giảng của mình. Ông Gioan đã nói rằng: Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến gần!” (Mt 3:2).
Đây là lý do mà ông bị vua Hêrôđê bắt giữ. Khi Chúa Giêsu biết ông Gioan đã bị bắt, Người đã trở về miền Galilê rao giảng cùng một thông điệp: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (Mt 4:17). Nói cách khác, ngay từ đầu, việc rao giảng Tin Mừng đã có rủi ro, nhưng Chúa Giêsu đã không cho phép mình hoảng sợ. Bằng cách này, Mátthêu khuyến khích các cộng đoàn đang có cùng nguy cơ bị bách hại. Ông trích dẫn lời của tiên tri Isaia: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng!” Giống như Chúa Giêsu, các cộng đoàn cũng được mời gọi trở thành “ánh sáng cho muôn dân!”
Một trong những điều kiện căn bản đề Đức Giêsu có thể hoạt động là Người có quanh mình một số người để họ đi đường với Người thường xuyên, thiết lập với Người một sự hiệp thông đời sống và có thể trải nghiệm trọn vẹn hoạt động của Người. Đức Giêsu không hoạt động tùy hứng hay theo ngẫu nhiên, cũng không bắt hoạt động của Người lệ thuộc những cuộc gặp gỡ tình cờ và chóng qua. Người có một cộng đoàn môn đệ bao quanh.
Lời kêu gọi “Hãy hối cải!” được nhắc lại và được làm sáng tỏ bởi tiếng gọi “Hãy đi theo tôi!”. Đức Giêsu đã gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simôn và Anrê, Giacôbê và Gioan đi theo Người. Ta sống sự hoán cải trong khi đi theo Đức Giêsu. Ai theo Người thì tin tưởng vào Người, bởi vì Người biết kết cuộc và biết con đường phải theo. Ai đi theo Người thì gắn bó với Người và chấp nhận được Người hướng dẫn. Khi đi theo Người, các môn đệ được đưa vào trong sứ điệp về Nước Trời và vào trong việc hoán cải như là câu trả lời đúng đắn với sứ điệp này.
Các lời “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” tóm tắt toàn thể sứ điệp của Đức Giêsu. Tiếng gọi đi trước, nhưng hoàn toàn lệ thuộc lời loan báo, vì dựa trên lời này (“vì”). Thuật ngữ “Nước Trời” chỉ có trong Matthew, tương ứng với “Nước Thiên Chúa” trong phần còn lại của Tân Ước.
Theo cách dùng của người Do Thái, họ tránh từ “Thiên Chúa” và thay thế bằng “trời” (Mt 21,25; Lc 15,18). “Nước Trời” chính là triều đại hoặc quyền chủ tể của Thiên Chúa như là vua. Tất cả hoạt động của Đức Giêsu quy chiếu về Triều Đại. Triều Đại không có nghĩa là một điều gì khác và tách biệt với Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa trong tư cách Chúa Tể và Vua của dân Người, cùng với các hậu quả của quyền chủ tể trên dân. Dân thì luôn luôn thuộc về nhà vua; quyền chủ tể vương giả có nghĩa là dấn thân với lòng tốt và sự quan tâm mà lo lắng cho đời sống của dân, như một mục tử lo lắng cho đời sống của đàn chiên (Tv 23,1).
Triều Đại này đã đến gần, chứ chưa hoàn toàn hiện diện. Đức Giêsu sẽ dạy họ cầu nguyện “xin triều đại Cha ngự đến” (Mt 6,10).
Tuy nhiên, Triều Đại này đã đến gần vĩnh viễn. Thiên Chúa đã quyết định giương cao Vương quyền này trước mặt tất cả các thế lực khác và thực hiện Vương quyền này cách công khai và hết sức hữu hiệu. Không còn có thể quay lui, mà chỉ có thể bước tới cho đến khi Triều Đại này được tỏ hiện trọn vẹn. Thiên Chúa sẽ không trì hoãn và cứ ẩn mình mãi. Người sẽ không bỏ rơi loài người cho các thế lực của thiên nhiên và lịch sử, cũng như cho hoàn cảnh trong đó họ phải quy phục lẫn nhau. Người sẽ chấm dứt tất cả các thế lực này và chính Người sẽ trực tiếp là Vua và Chúa. Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ bản chất của Triều Đại này đặc biệt trong sứ điệp của Người về Thiên Chúa như là Cha và trong hoạt động bác ái của Người để chữa lành và giúp đỡ.
Trước lời công bố là lời mời gọi: “Hãy hối cải!”. Chúa Giêsu mời các thính giả quay về với Thiên Chúa. Họ phải quay mặt về Người, chăm chú lắng nghe, với lòng tin tưởng và hy vọng. Con người chỉ có thể hoán cải nếu Thiên Chúa quay về cách nhưng-không với con người. Tuy nhiên, lời kêu gọi hoán cải được đặt ở đầu, bởi vì lời đáp của chúng ta với Thiên Chúa là điều tuyệt đối cần thiết, và có thể thất bại nếu không được nói ra. Hành động của Thiên Chúa thì đã chắc chắn; vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh nhiều trên sự cần thiết phải hoán cải.
Những ai đi theo Chúa Giêsu thì phải ra khỏi hoàn cảnh sống trước đó và gắn bó với Người. Tuy nhiên, dây liên kết này không tách họ khỏi những người khác, trái lại phải chuẩn bị họ cho một nhiệm vụ mới nơi loài người. Chúa Giêsu gọi đi theo Người, đồng thời cho biết ý định của Người: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Xuyên qua cuộc cộng đồng sinh tử với Người, Chúa Giêsu chuẩn bị họ tiếp nối sứ mạng của Người, trong tư cách là những sứ giả của Người (Mt 9,36–10,42; 28,16-20).
Chúa Giêsu bắt đầu công bố Tin Mừng khắp miền Galilê. Người đã không dừng lại, chờ đợi người ta đến, mà Người đi đến với người ta. Chính Người tham gia vào các buổi họp mặt, trong các Hội Đường, để công bố sứ điệp của Người. Thiên hạ đem đến mọi kẻ ốm đau, những kẻ bị quỷ ám; và Chúa Giêsu chấp nhận tất cả và đã chữa lành họ. Việc phục vụ này cho người bệnh tạo thành một phần của Tin Mừng và mặc khải cho mọi người sự hiện diện của Nước Trời.
Do đó, danh tiếng của Chúa Giêsu được lan tỏa ra khắp mọi miền, vượt ra ngoài biên giới của miền Galilê, thâm nhập vào miền Giuđêa, và đến thành Giêrusalem, vượt khỏi vùng Giođan và đến xứ Syria và vùng Thập Tỉnh. Trong khu vực này cũng có một số cộng đoàn, những người mà Mátthêu đã viết sách Tin Mừng cho họ. Giờ đây họ biết rằng, cho dù với tất cả mọi khó khăn và rủi ro, đã có ánh sáng chiếu soi trong bóng đêm.
Thật ra, ta chẳng còn phải đợi Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Sở dĩ thế giới này và bản thân mỗi người chúng ta vẫn ngập ngụa trong bóng tối của tội lỗi và sự ác là vì chúng ta vẫn chưa ăn năn, hoán cải, thay đổi lại đời sống của mình để ánh sáng tình thương của Chúa được tỏ rạng. Bởi vậy, lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” vẫn là sứ điệp có tính thời sự không chỉ dành cho dân Chúa xưa kia mà còn dành cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Là vị Tiền Hô của Đấng Messiah, Gioan đã dừng chân tại hoang địa và ở tại sông Jordan mà làm phép rửa cho những ai đến với ông. Còn Chúa Giêsu, Đấng Messiah, đã sống đời “du thuyết”; Người rảo khắp miền Galilee mà công bố rằng Nước Trời đang đến. Ngay từ đầu, Người đã tỏ ra là vị Mục Tử tốt lành đi tìm “các chiên lạc của nhà Israel”. Và vì quan tâm bảo đảm cho hoạt động của Người được hữu hiệu lâu dài, Người đã quy tụ các “ngư phủ lưới người” đầu tiên, để họ sống với Người và với nhau. Sau này, các ông sẽ nối tiếp Người, đi loan báo Nước Trời khắp nơi, không phải chỉ cho dân Israel, mà cho mọi người thuộc mọi thời đại.
Chúa Giêsu đã kêu gọi hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được đón nhận Chúa. Chúng ta cần sám hối không phải mốt lần hoặc vài lần, nhưng cần sám hối mỗi ngày và trong từng phút giây của cuộc sống.