skip to Main Content

Hiểu đúng về Đấng Kitô

9.6 Thứ Sáu trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm

Tb 11:5-15; Tv 146:2,7,8-9,9-10; Mc 12:35-37

Hiểu đúng về Đấng Kitô

Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc… Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Chúa Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.

Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!

Qua câu hỏi đó của Chúa Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!

Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường… Vì thế, khi Chúa Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.

Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực… Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.

Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền…

“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, thông lệ này xem ra cũng rất bình thường trong cách suy nghĩ của người Do Thái thời Chúa Giêsu. Đấng Kitô Cứu Thế họ mong đợi phải là một vị vua, mà đã là vua thì đương nhiên phải xuất thân từ dòng dõi đế vương. Nên khi được gọi là “Con Vua Đavít” Chúa Giêsu đã không bao giờ từ chối tước hiệu này, nhưng tước hiệu đó không diễn tả đủ mầu nhiệm về chính Ngài. Vì thế, để cho những người Do Thái hiểu hơn về bản tính Thiên Chúa nơi Ngài và để kiện toàn những lời đã hứa với Đavít, Chúa Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavít, là Chúa của Đavít.

Thế nhưng, cái khó là những người Do Thái, lúc bấy giờ không nhìn nhận được điều ấy, họ chỉ biết Ngài là con người thuộc dòng dõi Đavít, còn không nhận ra Ngài là Thiên Chúa, Chúa của David. Vì theo kinh thánh, Đấng Kitô phải xuất thân từ dòng tộc vua Đavít trong vùng đất Giuđa, thuộc miền nam đất Paléttin. Mà Chúa Giêsu thì lại xuất thân từ làng Nagiarét, thuộc vùng đất Galilê. Thế nên họ đã lầm to trong sự hiểu biết về Kinh Thánh, và do đó cũng lầm về nguồn gốc của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không chối mình là con vua Đavít, vì theo bản tính nhân loại, Người xuất hiện từ dòng dõi Đavít. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu cho thấy, Người vượt xa hơn tước hiệu ấy, vì Người còn là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, nên vua Đavít lại phải gọi Người là Chúa. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu từ địa vị Thiên Chúa, Chúa các chúa, Người đã tự hạ, để chia sẻ kiếp người nhỏ bé thấp hèn, để cảm thông thực sự với những khốn khó và yếu đuối của chúng ta.

Sau những câu hỏi mà các đối thủ đưa ra để cài bẫy, thì giờ đây, Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận bằng cách tự đặt câu hỏi ngược lại về nguồn gốc của mình, cho các người luật sĩ và biệt phái.

Chúa Giêsu đặt vấn đề với các luật sĩ về thần tính của Người: “Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn gợi mở cho họ biết rằng: Người chỉ là con vua Đavít về phần xác, còn về phần thiêng liêng thì người là Con Thiên Chúa và là Chúa Thượng của vua Đavít.

Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh đến thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: “Từ khởi thuỷ đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa”. Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại, để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: “Thiên Chúa đã làm con người để con người được trở thành con Chúa”. Thật là vinh dự cho con người.

Với tước hiệu là con vua Đavít như dân chúng đã xưng hô Người trong ngày lễ Lá khi Người vào đền thờ, hay người mù thành Giêricô cũng đã kêu lên: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót con”. Chúa Giêsu không bao giờ từ chối tước hiệu này, nhưng tước hiệu đó chưa diễn tả đủ về Người. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với Đavít, Chúa Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavít, Người là Chúa của Đavít. Đavít chỉ là một chủ chiên của dân Chúa, còn Chúa Giêsu mới chính là chủ chiên thật, hiền lành, thí mạng sống cho cả Đavít. Rồi đây người ta sẽ thấy Đấng là con Đavít sẽ trở lại ngày phán xét.

Nhìn về cuộc sống, nhiều khi chúng ta cứ nghĩ là… mình biết, biết nhiều thứ. Thế nhưng khổ nỗi là lại biết sai, biết nửa vời, biết tí chút. Đôi khi, ta dám xác quyết chắc nịch là mình biết rất rõ về người này người kia, cũng như về các việc họ đã làm, để rồi phê bình, chỉ trích, lên án, chê bai… Như thế phải chăng là ta nóng vội không? Chắc hẳn ít là một lần ta đã từng là nạn nhân vì người ta nghĩ sai về mình, ta cảm thấy đau đớn biết bao. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, thanh tẩy những sai lầm của ta về người khác để ta không ngừng tiến lên trên đường nhân bản, nhân đạo và nhân đức.

 

Back To Top