Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hiệp Thông Huynh Ðệ
11 04 Tr Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên.
Thánh Cờ-la-ra, Trinh nữ, lễ nhớ.
Đnl 34,1-12; Mt 18,15-20.
Hiệp Thông Huynh Ðệ
Thánh Clara là thiếu nữ xinh đẹp của một gia đình giầu có ở Assisi. Khi mười tám tuổi, được khích động bởi một bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi, ngài cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ, dùng võ lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành động vừa có tính cách khôn khéo và vừa có ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua “cánh cửa người chết” (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô.
Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, Thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.
Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn Mọn). Khi tu hội được thành lập, Thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.
Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu hội nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu xin, “Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi.” Sau đó, dường như có tiếng trả lời: “Ta sẽ luôn gìn giữ họ,” và đồng thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn.
Thánh Clara làm bề trên tu viện trong bốn mươi năm mà hai mươi chín năm ngài luôn đau yếu. Nhưng lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, “Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?”
Thánh Clara từ trần ngày 11 tháng Tám 1253. Chỉ hai năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV phong thánh.
Chương 18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”. Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta, vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời.
Một điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi phạm.
Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn.
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.
Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.
Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!
Tâm tình mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta: chúng ta đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn? Chúng ta đã đối xử ra sao trước tội lỗi của chính mình cũng như của người khác?
Việc sửa lỗi đặt nền tảng trên đức ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là để trừng phạt. Vì thế, Chúa muốn phương thức phải được sử dụng nhằm đưa tội nhân trở về với Thiên Chúa. Ðó chính là tình yêu đích thực, là sự hiệp thông mà Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.